Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 06/2021

Bản tin thuế

Quản lý thuế

Áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Ngày 18/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệệp có giao dịch liên kết. Nội dung cụ thể như sau:

– Đối tượng áp dụng: Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai, thưc hiện giao dịch liên kết với các bên có quan hệ liên kết và có đề nghị với cơ quan thuế về việc áp dụng APA.

– Giao dịch được đề nghị áp dụng APA là giao dịch phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

+ Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hooạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn tra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA.

+ Giao dịch có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, dựa trên các thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế.

+ Giao dịch không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế.

+ Giao dịch được thực hiện minh bạch, không nhằm mục địch trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng Hiệp định thuế.

– Quy trình áp dụng APA

+ Giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính vì giai đoạn tham vấn không còn là giai đoạn bắt buộc.

+ Quy trình áp dụng APA vẫn tiếp tục yêu cầu các giai đoạn bắt buộc bao gồm nộp hồ sơ chính thức, thẩm định, đàm phán, ký kết và thực hiện APA.

+ Mốc thời gian cho từng giai đoạn bắt buộc trên không được quy định cụ thể.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 8 năm 2021.

 

Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”)

Sử dụng hóa đơn và thuế GTGT hoạt động cung cấp dịch vụ ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất

Ngày 25/6/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 23122/CTHN-TTHT về việc Sử dụng hóa đơn và thuế GTGT hoạt động cung cấp dịch vụ ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty là doanh nghiệp chế xuất phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ thiết kế, nghiên cứu thị trường và dịch vụ tư vấn quản lý sản xuất ra nước ngoài (ngoài lãnh thổ Việt Nam) thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 3/12/2013 của Bộ Tài chính. Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ trên, Công ty sử dụng hóa đơn thương mại theo quy đinh tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính.

 

Hoàn thuế GTGT dự án đầu tư chia giai đoạn

Ngày 07/6/2021, Cục thuế tỉnh Hà Nam ban hành Công văn số 1884/CT-TTHT về việc hoàn thuế GTGT. Nội dung cụ thể như sau:

Công ty là doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư, thực hiện dự án đầu tư theo hình thức chia ra từng giai đoạn, nếu việc chia giai đoạn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, đồng thời Công ty thực hiện theo đúng tiến độ và đang trong giai đoạn đầu tư, thì Công ty được kê khai khấu trừ và hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư theo quy định.

 

Kế khai thuế GTGT theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP

Ngày 11/6/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 20846/CTHN-TTHT về việc kê khai thuế GTGT theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty có nhà máy sản xuất khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính thì thực hiện kê khai thuế GTGT tại nơi có nhà máy sản xuất theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Công ty thực hiện kê khai theo mẫu 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC.

 

Hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:

Ngày 15/04/2021, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 1122/TCT-CS về việc hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty đề nghị hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, kỳ hoàn thuế từ quý 2/2018 đến quý 4/2018, trên tờ khai thuế GTGT quý 4/2018 không phát sinh doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu mà các kỳ kê khai thuế GTGT quý 2 và quý 3/2018 có phát sinh doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% thì Công ty được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên lũy kế đến hết quý 3/2018.

 

Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”)

Thuế TNCN trường hợp tiền nhà do Văn phòng đại diện chi trả, tiền lương do Công ty mẹ chi trả

Ngày 22/6/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 22241/CTHN-TTHT về thuế thu nhập cá nhân. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Văn phòng đại diện tại Việt Nam sử dụng người lao động nước ngoài theo hình thức di chuyển nội bộ từ Công ty mẹ tại nước ngoài, toàn bộ tiền lương do Công ty mẹ tại nước ngoài chi trả, Văn phòng đại diện thanh toán tiền thuê nhà cho nhân viên thì:

Khoản tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) chi trả cho nhân viên thuộc khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công quy định tại Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính. Khi tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế.

 

Khai thuế TNCN đối với trường hợp không phát sinh chi trả thu nhập

Ngày 01/7/2021, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 2393/TCT-DNNCN về khai thuế thu nhập cá nhân. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp tổ chức, cá nhân phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân mới thuộc diên phải khai thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thì không thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế Thu nhập cá nhân. Theo đó, tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thì không phải khai thuế thu nhập cá nhân của tháng/quý đó.

 

Bảo hiểm, kinh phí công đoàn

Giảm mức đóng bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Ngày 01/07/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19. Nghị quyết có nội dung nổi bật như sau:

Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thười gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch Covid – 19.

 

Lùi đóng Kinh phí công đoàn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 22/6/2021, Liên đoàn Lao động TP.HCM có Hướng dẫn 13/HD-LĐLĐ về một số nội dung liên quan đến đóng kinh phí công đoàn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19:

heo đó, hướng dẫn việc lùi thời điểmđóng kinh phí công đoàn đóng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như sau:

– Đối tượng áp dụng: doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trở lên so với tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

– Thời gian lùi đóng kinh phí do Ban thường vụ công đoàn cấp trên xem xét quyết định, tối đa đến ngày 31/12/2021.

– Hết thời gian nêu trên, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng đủ số kinh phí được tạm dừng cho công đoàn cấp trêntheo quy định.

– Hồ sơ, trình tự thực hiện đối với trường hợp lùi đóng kinh phí công đoàn như sau:

+ Doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn theo mẫu tại Phụ lục I kèm theo hướng dẫn này;

(2) Danh sách người lao động giảm đóng bảo hiểm xã hội theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo hướng dẫn này này.

(3) Bản sao văn bản xác nhận của bảo hiểm xã hội hoặc cơ quan chuyên ngành quản lý lao động về tình hình biến động lao động tại doanh nghiệp.

+ Trình tự thực hiện:

(1) Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị đến cơ quan công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở kinh doanh;

(2) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, công đoàn cấp trên có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, đối chiếu với số liệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội để xem xét, giải quyết lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn và chịu trách nhiệm về quyết định này; trường hợp không giải quyết thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho doanh nghiệp được biết.

Hướng dẫn được ban hành ngày 22/6/2021.