Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 02/2017

Bản tin thuế

Nghị định số 20/2017/NĐ-CP Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Ngày 24/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với Doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Sau đây là một số nội dung cơ bản thay đổi so với Thông tư số 66/2010/TT-BTC.

1. Nguyên tắc áp dụng

Cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức.

2. Các bên có quan hệ liên kết

Ngưỡng sở hữu được điều chỉnh tăng từ 20% lên 25%.

Hai công ty có quan hệ về doanh số bán hàng hoặc doanh số mua hàng chiếm trên 50% doanh số của các bên sẽ không còn xem là có quan hệ liên kết.

3. Phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết

Đối với giao dịch liên kết mang tính đặc thù hoặc duy nhất không tìm kiếm được đối tượng so sánh độc lập để so sánh thì thực hiện mở rộng phạm vi phân tích so sánh về ngành, thị trường địa lý, thời gian so sánh để tìm kiếm đối tượng so sánh độc lập.

Thời gian mở rộng thu thập số liệu, dữ liệu của đối tượng so sánh độc lập không quá một năm tài chính so với năm tài chính của người nộp thuế nếu sử dụng phương pháp xác định giá quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.

4. Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù

Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

5. Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết

Người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này có trách nhiệm kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, không làm giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này.

Người nộp thuế có trách nhiệm lưu giữ và cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết gồm:

a) Hồ sơ quốc gia theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

6. Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết

  1. Người nộp thuế được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, mục IV Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trong trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế, nhưng phải kê khai căn cứ miễn trừ tại mục I, mục II tại Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
  2. Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong các trường hợp sau:

Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng;

Người nộp thuế đã ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá.

Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng.

7. Trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan thuế trong quản lý giá giao dịch liên kết

Quyền hạn ấn định thuế của cơ quan thuế trong phát sinh giao dịch liên kết: cơ quan thuế có quyền ấn định mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận hoặc thu nhập chịu thuế hoặc số thuế phải nộp đối với doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Người nộp thuế không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin hoặc không nộp Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Người nộp thuế cung cấp không đầy đủ thông tin Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Mẫu số 02, Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc không xuất trình Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và các dữ liệu, chứng từ và tài liệu được sử dụng làm căn cứ phân tích so sánh, xác định giá tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo yêu cầu của Cơ quan thuế trong thời hạn theo quy định tại Nghị định này;

c) Người nộp thuế sử dụng các thông tin về giao dịch độc lập không trung thực, không đúng thực tế để phân tích so sánh, kê khai xác định giá giao dịch liên kết hoặc dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận áp dụng cho giao dịch liên kết;

d) Người nộp thuế có hành vi vi phạm các quy định về xác định giá giao dịch liên kết tại Điều 11 Nghị định này.

8. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2017.

 

Công văn số 361/TCT-CS về chính sách thuế đối với máy móc thiết bị góp vốn

Ngày 02/02/2017, Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 361/TCT-CS về việc chính sách thuế đối với máy móc thiết bị góp vốn. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Doanh nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ hoàn thuế chưa góp đủ vốn điều lệ, tuy nhiên, theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì tiến độ góp vốn của Doanh nghiệp đã đăng ký là đến tháng 7/2017 thì Doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT theo quy định tại điểm 2 khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính nếu thực hiện theo đúng tiến độ góp vốn đã ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

 

Công văn số 404/TCT-CS về chính sách thuế GTGT đối với dịch vụ phần mềm

Ngày 10/02/2017, Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 404/TCT-CS về việc chính sách thuế GTGT đối với dịch vụ phần mềm. Nội dung cụ thể như sau:

Tại khoản 10 Điều 3 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/05/2007 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin quy định:

“10. Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm”.

Tại khoản 21 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT:

“21. Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp ngày 12/02/2015, nhà cung cấp ký hợp đồng với Công ty để cung cấp dịch vụ cài đặt, đào tạo phần mềm thỏa mãn điều kiện quy định nêu trên – phần mềm được Công ty mua của một tổ chức nước ngoài khác tại Việt Nam thì hợp đồng này thuộc đối tượng quy định tại khoản 21 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên.

 

Công văn số 658/TCT-CS về lệ phí môn bài đối với văn phòng đại diện

Ngày 28/02/2017, Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 658/TCT-CS về lệ phí môn bài đối với văn phòng đại diện.

Theo đó, đối với trường hợp Văn phòng đại diện của doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp lệ phí môn bài; trường hợp Văn phòng đại diện không hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ thì không phải nộp lệ phí môn bài theo quy định.