Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 03/2020

Bản tin thuế

Quản lý thuế

Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Ngày 08/04/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị đinh số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định này quy định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (“GTGT”), thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”), thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) và tiền thuê đất đối với các đối tượng sau:

– Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; Xây dựng.

– Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản; Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim.

– Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

– Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Các đối tượng nêu trên được gia hạn thời gian nộp thuế cụ thể như sau:

– Đối với thuế GTGT: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính các thuế tháng 3,4,5,6 năm 2020 (trường hợp kê khai theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, 2 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai theo quý). Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;

– Đối với thuế TNDN: Gia han thời hạn nộp thuế đối với số thuế Thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 và số thuế TNDN tạm nộp của các quý 1, 2 năm 2020. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp đã nộp số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 thì được bù trừ với số phải nộp của các loại thuế khác;

– Đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh: Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế nêu trên. Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này trước ngày 31 tháng 12 năm 2020;

– Đối với tiền thuê đất: Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 mà trên quyết định, hợp đồng thuê đất có mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế nêu trên. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày 31 tháng 05 năm 2020.

Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế và tiền thuê đất được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế hoặc chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm 2020.

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước (sửa đổi năm 2020)

Ngày 31/12/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 93/2019/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ Tài chính quy định Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2020 và được áp dụng từ năm ngân sách 2020.

 

Miễn thanh tra thuế và hải quan trong năm 2020 nếu không có dấu hiệu vi phạm

Ngày 13/3/2020, Bộ Tài chính ban hành chỉ thị số 02/CT-BTC về việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống và ứng phó với dịch Covid-19. Chỉ thị yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tài chính khẩn trương soạn thảo Nghị định về ân hạn, miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 và Nghị quyết về nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động.

Về công tác thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan thuế, cơ quan hải quan không tổ chức thanh tra định kỳ trong năm 2020 nếu không phát hiện dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn do dịch Covid-19.

 

Giao dịch liên kết

Ngày 18/03/2020, Cục thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn 5555/CT-TTKT4 về kê khai thông tin giao dịch liên kết. Theo đó, Doanh nghiệp có quan hệ liên kết tiến hành kê khai và nộp đủ các phụ lục mẫu GCN-01/QLT (Ban hành kèm theo Thông tư 66/2010/TT-BTC) cho kỳ quyết toán năm 2016 trở về trước, phụ lục mẫu số 01, 02, 03, 04 (Thông tư 41/2017/TT-BTC) cho kỳ quyết toán năm 2017 trở về sau và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời, Doanh nghiệp có trách nhiệm lập, lưu trữ và cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết khi có yêu cầu của cơ quan thuê theo quy định tại Điều 7, Thông tư 66/2010/TT-BTC, Điều 10, Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

 

 

Thuế Giá trị gia tăng

Cho thuê bản quyền phần mềm không được miễn thuế GTGT

Ngày 18/03/2020, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 12366/CT-TTHT về chính sách thuế GTGT. Theo đó:

Trường hợp Công ty cung cấp các sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm, nếu thuộc sản phẩm phần mềm, dịch vụ phần mềm quy định tại Điều 3, Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP thì được miễn thuế GTGT.

Tuy nhiên, trường hợp Công ty có dịch vụ cho thuê bản quyền phần mềm không phải là dịch vụ phần mềm theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 71/2007/NĐ-CP thì phải chịu thuế GTGT 10%.

 

Thuế Thu nhập cá nhân

Khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập từ bảo hiểm nhân thọ

Ngày 08/04/2020, Cục thuế thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 20651/CT-TTHT về khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập từ bảo hiểm nhân thọ. Theo đó:

Trường hợp Công ty mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thì đến thời điểm đáo hạn hợp đồng, Công ty bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần Công ty mua cho người lao động.

Trường hợp Công ty mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam thì Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp trước khi trả lương cho người lao động.

 

Khoản chi cho người lao động bằng Quỹ công đoàn được miễn tính thuế TNCN

Ngày 08/04/2020, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 20657/CT-TTHT chính sách thuế TNCN. Theo đó:

Trường hợp Công ty phát sinh các khoản chi cho người lao động bằng tiền trích từ Quỹ công đoàn theo đúng quy chế sử dụng tài chính công đoàn thì được miễn khấu trừ thuế TNCN.

Theo Điều 27 Luật Công đoàn số 12/2012/QH13, tài chính công đoàn được sử dụng cho các hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn như: bảo vệ quyền lợi cho người lao động; tổ chức phong trào thi đua; nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; trợ cấp cho đoàn viên, người lao động bị ốm đau, thai sản….

 

Thuế nhà thầu nước ngoài (“NTNN”)

Chính sách thuế nhà thầu khi mua hàng tại kho ngoại quan

Ngày 27/03/2020, Cục thuế thành phố Hải Phòng đã ban hành Công văn số 677/CT-TTHT về chính sách thuế nhà thầu khi mua hàng tại kho ngoại quan. Theo đó, trường hợp Công ty mua nguyên vật liệu từ  nước ngoài, hàng hóa được người bán giao cho Công ty tại kho ngoại quan (thuộc lãnh thổ Việt Nam) thì bên bán thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu đối với hoạt động kinh doanh, phân phối hàng hóa tại Việt Nam.

 

Hoá đơn

Hàng biếu tặng của doanh nghiệp chế xuất (“DNCX”) cũng phải phát hành hóa đơn

Ngày 02/3/2020, Tổng cục thuế đã ban hành Công văn số 871/TCT-CS về thuế GTGT đối với hàng biếu tặng của DNCX.

Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC, hàng cho, biếu, tặng vẫn phải phát hành hóa đơn và tính thuế GTGT. Quy định này áp dụng đồng thời cho cả DNCX.

Theo đó, khi biếu tặng hàng hóa, DNCX cũng phải phát hành hóa đơn, loại hóa đơn dành cho tổ chức trong khu phi thuế quan quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC.

 

Lao động, tiền lương, bảo hiểm, kinh phí công đoàn

BHXH Thành phố Hồ Chí Minh: Chậm đóng BHXH năm 2020 tính lãi theo mức 0.9666%/tháng

Ngày 14/1/2020, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Thông báo số 111/TB-BHXH  về việc điều chỉnh lãi suất tính lãi chậm đóng, truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Theo thông báo này, lãi suất tính lãi chậm đóng, truy đóng BHXH, BHTN trong năm 2020 (áp dụng từ 1/1/2020) là 0,9666%/tháng, giảm so với lãi suất năm 2019 là 1.0666%/tháng.

Tuy nhiên, lãi suất tính lãi chậm đóng BHYT trong năm 2020 là 0,9766%/tháng, tăng so với lãi suất năm 2019 là 0.8666%/tháng.

 

Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 18/03/2020, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Công văn số 245/TLĐ về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên) được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/06/2020. Nếu sau thời điểm này dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31/12/2020.

 

Hướng dẫn trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

Ngày 20/03/2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 1064/ĐTBXH-QHLĐTL hướng dẫn việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19, cụ thể như sau:

  1. Việc trả lương ngừng việc căn cứ theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc là do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan để xác định trả lương cho người lao động.
  2. Đối với các trường hợp phải người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, bao gồm:

– Lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

– Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

– Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc;

  1. Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động; nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.

 

Kế toán, kiểm toán

Lộ trình áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam (VFRS) theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)

Ngày 16/03/2020, Bộ Tài chính (“BTC”) đã ban hành Quyết đinh số 345/QĐ-BTC về việc phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Nội dung cụ thể như sau:

Giai đoạn 1- Giai đoạn chuẩn bị (từ năm 2020 đến năm 2021): BTC chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện đề án để đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng IFRS từ năm 2022, như: công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn áp dụng IFRS…

Giai đoạn 2- Giai đoạn thử nghiệm (từ năm 2022 đến năm 2025): BTC lựa chọn 1 số doanh nghiệp (Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước, công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết) để lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS. Doanh nghiệp FDI được phép tự nguyện áp dụng IFRS cho báo cáo tài chính riêng khi doanh nghiệp FDI đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát về việc xác định nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Giai đoạn 3 – Giai đoạn bắt buộc áp dụng IFRS (từ sau năm 2025): Các công ty bắt buộc phải lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS bao gồm tất cả các công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế nhà nước, tất cả các công ty niêm yết, tất cả các công ty đại chúng có quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết. Các doanh nghiệp khác là công ty mẹ có quyền tự nguyện lập BCTC hợp nhất theo IFRS. Các doanh nghiệp cũng được tự nguyện lập báo cáo tài chính riêng theo IFRS khi doanh nghiệp đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát về việc xác định nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.