Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 10/2020

Bản tin thuế

Quản lý thuế

Quy định về hóa đơn, chứng từ

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định các nội dung về hóa đơn, chứng từ. Nghị định có một số nội dung nổi bật như sau:

– Bãi bỏ quy định bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4, Điều 35, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018.

– Nghị định số 51/2010/NĐ-CP vẫn tiếp tục còn hiệu lực đến hết 30/06/2022. Như vậy, các Doanh nghiệp vẫn tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy theo hướng dẫn tại Thông tư 39/2014/TT-BTC và Hóa đơn điện tử theo Thông tư 32/2011/TT-BTC như hiện tại.

– Đối với doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian từ 19/10/2020 đến 30/06/2022: Trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định này thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Trường hợp cơ quan thuế không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử thì doanh nghiệp sử dụng hóa đơn theo quy định tại các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

 

Ngày 30/10/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 88/2020/TT-BTC sửa đổi bổ sung Điều 26, Thông tư số 68/2019/TT-BTC  ngày 30/09/2019 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, dịch vụ. Thông tư có nội dung nổi bật như sau:

 

– Từ ngày 11/11/2020 đến ngày 30/06/2020, Thông tư số 32/2011/TT-BTC, Thông tư số 191/2010/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC vẫn còn hiệu lực.

– Bãi bỏ những nội dung sau tại Điều 26 Thông tư 68: “Từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử.

 

Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Nghị định điều chỉnh, bổ sung mức phạt vi phạm hành chính so với quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP như sau:

Nội dung Nghị định 125 Nghị định 109, 129,…
Phạt tiền tối đa với hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn 100 triệu VND (tổ chức), 50 triệu VND (cá nhân) 50 triệu VND (tổ chức), 25 triệu VND (cá nhân)
Đăng ký thuế; thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn Tối đa 10 triệu VND Tối đa 2 triệu VND
Vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế Tối đa 7 triệu VND Tối đa 2 triệu VND
Khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế. Tối đa 8 triệu VND Tối đa 3 triệu VND
Vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế Tối đa 25 triệu VND Tối đa 5 triệu VND
Vi phạm quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế Tối đa 5 triệu VND Tối đa 2 triệu VND
Vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế Tối đa 10 triệu VND Tối đa 5 triệu VND
Thông đồng, bao che trốn thuế Tôi đa 16 triệu VND Tối đa 10 triệu VND
Trốn thuế Có thể bị phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn ngay từ lần đầu trốn thuế Bắt đầu tính từ lần vi phạm thứ 2
Hủy, tiêu hủy hóa đơn quá thời hạn Tối đa 8 triệu VND Chưa có quy định
Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử quá thời hạn Tối đa 20 triệu VND Chưa có quy định

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 12 năm 2020.

 

Nghị định hướng dẫn Luật quản lý thuế 2019

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế. Nghị định có một số nội dung nổi bật như sau:

– Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh

Người nộp thuế tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại đúng thời hạn đã đăng ký thì không phải thông báo với cơ quan nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định.

Trường hợp người nộp thuế hoạt động, kinh doanh trở lại trước thời hạn thì phải thông báo với cơ quan nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh và phải thực hiện đầy đủ các quy định về thuế, nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định.

– Đăng ký thuế

Người nộp thuế là cá nhân khi thay đổi thông tin về giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu thì ngày phát sinh thông tin thay đổi là 20 ngày (riêng các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo là 30 ngày) kể từ ngày ghi trên giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu.

– Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế khi chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.

– Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

– Bãi bỏ quy định về Chu kỳ ổn định khi xác định kỳ kê khai thuế GTGT. Theo đó, người nộp thuế đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc quý ổn định trọn năm dương lịch.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 12 năm 2020.

 

Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Ngày 05/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết hết. Nghị định có một số nội dung nổi bật so với Nghị định 20/2017 như sau:

– Làm rõ và bổ sung thêm quy định về trường hợp được coi là giao dịch liên kết:

Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

– Quy định mới về nghĩa vụ liên quan đến Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (bao gồm hai trường hợp Công ty mẹ tối cao ở Việt Nam và ở nước ngoài).

– Áp dụng ngưỡng khống chế lãi vay từ 20% lên 30% (kế thừa từ Nghị định 68/2020). Cụ thể, mức khống chế là 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

– Thay đổi “Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn” từ 35%-75% thay cho 25%-75% như quy định tại Nghị định 20/2017.

– Bổ sung trường hợp miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế (Nghị định 20/2017 chỉ miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, mục IV, Phụ lục 01).

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 12 năm 2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

 

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)

Chi phí khấu hao tài sản cố định tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 09/10/2020, Bộ Tài chính ban hành công văn số 12452/BTC-TCT về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Nội dung cụ thể như sau:

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới nhu cầu thị trường sụt giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động một số tài sản cố định dưới 9 tháng trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì thuộc trường hợp tạm dừng do sản xuất theo mùa vụ quy định tại điểm 2.2, khoản 2, Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC. Theo đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm ừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

 

Chi phí tiền lương và chi phí khác do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 09/10/2020, Cục thuế thành phố Hà Nội đã ban hành công văn số 89924/CT-TTHT về việc chi phí tiền lương và chi phí khác do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp, Công ty có chi trả khoản tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công cho người lao động nghỉ trong thời gian giãn cách xã hội, thời gian chờ việc do ảnh hưởng của dịch Covid và các khoản chi khác có tính chất phúc lợi trực tiếp cho người lao động thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi đáp ứng quy định tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 3, Thông tư số 25/2018/TT-BTC) của Bộ Tài chính.

 

Các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 là chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngày 10/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 149/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2020. Nghị quyết có nội dung nổi bật như sau:

Chính phủ thống nhất đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 175/TTr-BTC ngày 01 tháng 10 năm 2020 về việc báo cáo Quốc hội cho phép coi các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”)

Xác định đối tượng không cư trú

Ngày 29/10/2020, Cục thuế tỉnh Hà Nam ban hành Công văn số 4491/CT-TTHT về việc xác định đối tượng không cư trú. Nội dung cụ thể như sau:

Tháng 4/2020, chuyên gia nước ngoài được cử đi công tác trong thời gian hai (02) tuần tại Nhật Bản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của  dịch Covid-19, không thể trở lại Việt Nam theo kế hoạch ban dầu và dự kiến quay lại làm việc trong tháng 11/2020. Trong thời gian không có mặt tại Việt Nam, chuyên gia vẫn được hưởng lương tại Việt Nam. Trường hợp, chuyên gia có mặt tại Việt Nam dưới 183 và chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác (có giấy chứng nhận cư trú tại Nhật Bản) thì được xác định là cá nhân không cư trú tại Việt Nam.

 

Hải quan

Xử lý thuế nguyên liệu chênh lệch tồn kho

Ngày 28/10/2020, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 6943/CT-TTHT về về việc xử lý thuế nguyên liệu chênh lệch tồn kho. Nội dung cụ thể như sau:

– Trường hợp, số liệu tồn kho nguyên liệu, vật tư trên sổ sách của doanh nghiệp nhiều hơn số liệu đã báo cáo với cơ quan hải quan (chênh lệch dương):

Trường hợp nguyên liệu, vật tư thừa của doanh nghiệp chế xuất vẫn lưu tại kho, chưa chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp không vi phạm quy định tại Điều 52, Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì số nguyên liệu, vật tư dư thừa này không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu và cũng không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, cơ quan hải quan chưa thực hiện ấn định thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với số nguyên liệu này. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp tự ý tiêu thụ nội địa hoặc có hành vi gian lận, trốn thuế thì thực hiện ấn định thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Để quản lý nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương của doanh nghiệp chế xuất đang lưu kho là hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, cơ quan hải quan thực hiện thống kê số nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương tại thời điểm kiểm tra; doanh nghiệp chế xuất tiếp tục quản lý, sử dụng số nguyên liệu, vật tư này để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất doanh nghiệp thực hiện báo cáo chi tiết với cơ quan hải quan về tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư và xuất khẩu sản phẩm được sản xuất từ số nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương trên.

Trường hợp số liệu tồn kho nguyên liệu, vật tư trên sổ sách của doanh nghiệp ít hơn số liệu đã báo cáo với cơ quan hải quan (chênh lệch âm) thì thực hiện ấn định thuế đối với số nguyên liệu, vật tư chênh lệch âm. Công ty bị xử phạt vi phạm hành chính đối với phần nguyên liệu, vật tư chênh lệch âm theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 8, Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ.

Từ ngày 5/12/2020 (ngày có hiệu lực của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế) thì việc xử lý thuế đối với trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu chênh lệch âm hoặc dương so với số liệu đã báo cáo với cơ quan hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

 

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Nghị định có một số nội dung nổi bật như sau:

– Bổ sung mới một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

– Bổ sung mới 05 biện pháp khắc phục hậu quả gồm: (i) “Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập đối với tang vật VPHC”; (ii) “Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa trước khi đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ; (iii) “Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn, số tiền thuế thiếu”; (iv) “Buộc nộp đủ số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng”; (v) “Buộc dán tem “duty not paid”.

– Không quy định “vi phạm lần đầu” là tình tiết giảm nhẹ.

– Điều chỉnh tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm:

Hành vi “không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan hải quan” được điều chỉnh tăng (mức phạt từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng).

Hành vi “Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi cơ quan hải quan yêu cầu theo quy định của pháp luật” được tách thành hai hành vi.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 12 năm 2020.

Đăng ký doanh nghiệp

Ngày 15/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.  Nghị định có một số nội dung nổi bật như sau:

Cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung quy định tại Luật Doanh nghiệp và nội dung khai trình việc sử dụng lao động, kê khai phương thức đóng bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

Mẫu giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp áp dụng các biểu mẫu mới tại Phụ lục I-1, I-2, I-3, I-4 và I-5 ban hành kèm Nghị định này.

Doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện các thủ tục khai trình sử dụng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 03/2014/NĐ-CP và thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 8 Nghị định 51/2010/NĐ-CP nếu áp dụng quy trình liên thông tại Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2020.