Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 08/2021

Bản tin thuế

Thành phố Hà Nội sẽ kết hợp thanh tra đồng thời Bảo hiểm xã hội (“BHXH”) khi thanh tra thuế

Ngày 26/8/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND về việc thực hiện các giải pháp, biện pháp thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nội dung đáng chú ý là:

Giai đoạn 2021-2025: các Sở, ban, ngành tại Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp thanh tra các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH để xử lý nghiêm.

Đối với những doanh nghiệp báo cáo đã đóng BHXH đầy đủ và đã đưa vào chi phí hợp lý để giảm trừ thuế, khi thanh tra – kiểm tra thuế, cơ quan thuế sẽ đồng thời kiểm tra việc đóng BHXH, nếu phát hiện doanh nghiệp chưa đóng sẽ yêu cầu đóng đủ và chuyển thông tin cho BHXH Thành phố xử lý.

 

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19

Ngày 09/09/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Theo đó, để hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Chính phủ giao Bộ Lao động thương binh và xã hội:

– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trường trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ BHXH ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho NLĐ, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác, hoàn thành trong tháng 9 năm 2021;

– Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH Việt Nam nghiên cứu, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp BHXH phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định, hoàn thành trong tháng 9 năm 2021.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính thực hiện một số nhiệm vụ sau:

– Khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; triển khai chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 sau khi được Chính phủ thông qua;

– Xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021.

Nghị quyết 105/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 09/09/2021.

 

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 26/08/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định có nội dung nổi bật như sau:

  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Tài chính thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán quy định tại Nghị định.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về một số hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn và phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định về hỗ trợ lãi suất khi vay vốn trung và dài hạn để thực hiện sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khời nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2021.

 

Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”)

Áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% và không ưu đãi thuế TNDN khi doanh nghiệp chế xuất gia công cho doanh nghiệp nội địa

Ngày 03/08/2021, Cục thuế tỉnh Hà Nam ban hành Công văn số 2719/CT-TTHT về việc doanh nghiệp chế xuất gia công cho doanh nghiệp nội địa. Nội dung cụ thể như sau:

– Về thuế GTGT: Trường hợp Công ty là doanh nghiệp chế xuất, Công ty nhận gia công theo hợp đồng cho doanh nghiệp nội địa thì Công ty phải được cấp phép hoạt động gia công với doanh nghiệp nội địa. Hoạt động gia công cho doanh nghiệp nội địa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10%, Công ty phải hạch toán và kê khai thuế GTGT riêng cho hoạt động gia công nói trên.

– Về sử dụng hóa đơn: Trường hợp Công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ cho hoạt động gia công cho doanh nghiệp nội địa thì Công ty sử dụng hóa đơn GTGT, giá tính thuế và thuế suất đối với hàng gia công thực hiện theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC. Trường hợp Công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp cho hoạt động gia công cho doanh nghiệp nội địa, Công ty sử dụng hóa đơn bán hàng “Dành cho tổ chức cá nhân trong khu phi thuế quan”.

– Về ưu đãi thuế TNDN: Nếu hoạt động gia công cho doanh nghiệp nội địa không thuộc dự án đầu tư đăng ký ban đầu, khi đăng ký hoạt động gia công cho doanh nghiệp nội địa Công ty không có dự án mới hoặc dự án đầu tư mở rộng và không tăng vốn đầu tư thì Công ty không được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động gia công cho doanh nghiệp nội địa.

 

Hóa đơn điện tử (“HĐĐT”) nếu sai sót phải lập biên bản kèm hóa đơn điều chỉnh

Ngày 30/8/2021, Cục Thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành công văn số 33105/CTHN-TTHT về việc xử lý đối với hoá đơn điện tử đã lập. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty đang sử dụng hóa đơn điện tử mẫu cũ, việc xử lý hóa đơn lập sai được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 32/2011/TT-BTC Cụ thể, nếu hóa đơn sai sót đã được giao cho người mua và các bên đã kê khai thuế thì hai bên phải lập biên bản ghi rõ sai sót (có chữ ký điện tử của cả hai bên), đồng thời bên bán lập HĐĐT điều chỉnh.

 

Hàng tài trợ chống dịch được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT

Ngày 11/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phòng chống dịch Covid-19 sẽ được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT tương tự hàng viện trợ nhân đạo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 2 Luật thuế XNK số 107/2016/QH13 và khoản 19 Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12.

Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

 

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)          

Chi phí chi trả lương cho những ngày chưa nghỉ hằng năm

Ngày 22/07/2021, Cục thuế Thành phố Hải Phòng ban hành Công văn số 1814/CTHPH-TTHT về khoản trả lương cho những ngày chưa nghỉ hằng năm. Nội dung cụ thể như sau:

Về nguyên tắc, Bộ luật Lao động chỉ quy định việc thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ phép hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày phép năm của người lao động thôi việc hoặc bị mất việc làm. Trường hợp Công ty chi trả lương cho những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm đối với người lao động thuộc các trường hợp khác thì doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

 

Chi phí được trừ, thuế TNCN liên quan đến việc bố trí chỗ ăn, ở cho người lao động làm việc tại Công ty và chi phí xét nghiệm Covid-19

Ngày 04/08/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 2172/CTBNI-TTHT về chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN và thu nhập chịu thuế TNCN. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp theo yêu cầu của tỉnh Bắc Ninh về việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn sản xuất trong khu công nghiệp, Công ty phải bố trí chỗ ăn, ở cho người lao động làm việc tại Công ty; chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động khi vào làm việc, định kỳ và trước khi người lao động trở về địa phương; Chi hỗ trợ cho người lao động phải ở lại Công ty thì việc xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và thu nhập chịu thuế TNCN được xác định như sau:

– Về xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN: nếu các khoản chi phí liên quan đến người lao động phát sinh trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, nếu khoản chi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

– Về xác định thu nhập chịu thuế TNCN: nếu khoản chi bố trí chỗ ăn, ở cho người lao động làm việc tại Công ty; Chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động khi vào làm việc, định kỳ và trước khi người lao động trở về địa phương được chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động.

Riêng khoản chi hỗ trợ cho từng người lao động phải ở lại Công ty là khoản lợi ích bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do Công ty trả mà người lao động được hưởng thì phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động.

 

Thời điểm ghi nhận doanh thu xuất khẩu là thời điểm hoàn tất thủ tục hải quan

Ngày 09/08/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 2190/CTBNI-TTHT về thời điểm ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN đối với hàng hóa xuất khẩu. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa thì Công ty căn cứ ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan để tính doanh thu xuất khẩu theo quy định.

 

Không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn khi bổ sung ngành nghề hoạt động

Ngày 20/08/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 2660/CTBNI-TTHT về việc ưu đãi thuế TNDN. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty thành lập từ dự án đầu tư tại Khu Công Nghiệp VSIP Bắc Ninh được Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 21/11/2019. Công ty đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn. Ngày 18/12/2020, Công ty thực hiện thay đổi giấy chứng nhận đầu tư bổ sung thêm ngành nghề hoạt động (dịch vụ lắp đặt sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp; Bán buôn tổ hợp; Hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác), các nội dung khác trên Giấy chứng nhận đầu tư không thay đổi. Việc bổ sung ngành nghề kinh doanh này không phải hoạt động đầu tư mở rộng (không đáp ứng điều kiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 10, Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài Chính) thì thu nhập từ ngành nghề bổ sung của Công ty không được ưu đãi thuế TNDN, phải kê khai nộp thuế theo thuế suất phổ thông.

 

Chi phí mua và tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người lao động trong doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ

Ngày 03/08/2021, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 2921/TCT-CS về chi phí mua và tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp doanh nghiệp có phát sinh các khoản chi mua và tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người lao động trong doanh nghiệp, nếu các khoản chi trên đáp ứng các điều kiện các khoản chi được trừ và không thuộc các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Hải quan

Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên vật liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được

Ngày 17/08/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 05/2021/TT-BKHĐT thay thế cho Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được (“Danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được”).

Thông tư 05/2021 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/10/2021.

 

Nhập khẩu hàng hóa để gia công nhưng không có cơ sở sản xuất gia công thì không được miễn thuế

Ngày 17/08/2021, Tổng cục hải quan ban hành Công văn số 4065/TCHQ-TXNK về việc nhập khẩu hàng hóa để gia công nhưng không có cơ sở sản xuất, gia công. Nội dung chi tiết như sau:

Trường hợp Công ty chưa có cơ sở gia công thì chưa đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP (người nộp thuế có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu và máy móc, thiết bị tại cơ sở gia công trên lãnh thổ Việt Nam). Như vậy, hàng hóa nhập khẩu để gia công cho thương nhân nước ngoài của Công ty không đủ điều kiện miễn thuế.

 

Thủ tục tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu và máy móc thiết bị hình thành tài sản cố định

Ngày 20/08/2021, Tổng cục hải quan ban hành Công văn số 4125/TCHQ-TXNK về việc tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu. Nội dung chi tiết như sau:

Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu phải tiêu hủy gồm: Nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, thành phẩm hư hỏng phải tiêu hủy kể từ ngày 25/4/2021 (ngày có hiệu lực của Nghị định số 18/2021/NĐ-CP) được miễn thuế nhập khẩu. Doanh nghiệp phải có văn bản thông báo với cơ quan hải quan trước khi tiêu hủy, nêu rõ hình thức tiêu hủy, địa điểm tiêu hủy. Việc tiêu hủy phải thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường.

Việc tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định đã được miễn thuế theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải tuân theo quy định của pháp luật có liên quan và có sự giám sát trực tiếp của công chức hải quan. Trước khi tiêu hủy, người nộp thuế phải thông báo cho cơ quan hải quan về hàng hóa tiêu hủy, lý do tiêu hủy, thời gian và địa điểm tiêu hủy, văn bản cho phép tiêu hủy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trường hợp hàng hóa được phép tiêu hủy và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật thì được miễn thuế nhập khẩu.

 

Nhà thầu phụ không được miễn thuế khâu nhập khẩu hàng hóa để xây dựng cho Doanh nghiệp chế xuất

Ngày 27/8/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 4199/TCHQ-TXNK về hàng hóa nhập khẩu để xây dựng văn phòng làm việc cho doanh nghiệp chế xuất. Nội dung chi tiết như sau:

Trường hợp nhà thầu phụ là doanh nghiệp nội địa ký hợp đồng với nhà thầu chính cũng là doanh nghiệp nội địa để tham gia xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc cho DNCX thì khi nhà thầu phụ trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để xây dựng cho DNCX vẫn phải kê khai nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT.

Nội dung công văn 4199/TCHQ-TXNK cũng tương tự với Công văn 3901/TCHQ-TXNK ngày 5/8/2021 của Tổng cục Hải quan.

 

Lao động

Hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021

Ngày 09/08/2021, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3022/QĐ-TLĐ về việc sửa đổi bổ dung một số điều của Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/05/2021 của Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/04/2021. Theo đó:

– Đoàn viên, người lao động khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn) là F0 không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được hỗ trợ mức tối đa là 3.000.000 đồng/người.

– Đoàn viên, người lao động (tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn) là F1 phải cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được hỗ trợ mức tối đa là 1.500.000 đồng/người.

– Đoàn viên, người lao động (tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn) phải nghỉ việc để cách ly y tế, hoặc đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được hỗ trợ mức tối đa là 500.000 đồng/người khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có hoàn cảnh khó khăn;

b) Đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi.

 

Bổ sung đối tượng miễn đóng Đoàn phí công đoàn

Ngày 10/08/2021, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Công văn số 2475/TLĐ về việc bổ sung đối tượng miễn đóng đoàn phí công đoàn. Nội dung cụ thể như sau:

Đối với đoàn viên công đoàn tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì không phải đóng đoàn phí công đoàn trong thời gian hưởng mức lương nêu trên.

Thời gian thực hiện miễn đóng đoàn phí công đoàn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 áp dụng từ 1/05/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

 

Hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện dãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTG

Ngày 24/08/2021, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Công văn số 3089/QĐ-TLĐ về Hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện dãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTG. Nội dung cụ thể như sau:

– Đối tượng hưởng là đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất.

– Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người, hỗ trợ 01 lần.

Thời điểm thực hiện hỗ trợ được tính từ ngày Quyết định có hiệu lực.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 24/08/2021.

 

Người lao động chỉ được hưởng BHXH theo thời gian mà doanh nghiệp có đóng phí

Ngày 06/9/2021 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành công văn số 2802/BHXH-CSXH về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động phá sản còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp phá sản còn nợ tiền BHXH, cơ quan BHXH sẽ tạm thời giải quyết chế độ (thai sản, hưu trí, tử tuất, BHXH một lần…) cho người lao động căn cứ theo thời gian doanh nghiệp đã thực đóng BHXH (không tính thời gian nợ đóng).

Nếu đủ điều kiện, cơ quan BHXH sẽ tạm tính và chi trả mức hưởng theo thời gian thực đóng BHXH. Khi nào thời gian nợ BHXH được đóng bổ sung, người lao động sẽ được tính và chi trả thêm phần chênh lệch giữa mức hưởng tạm tính và mức hưởng chính thức.

Thủ tục: Đối với chế độ thai sản sẽ thực hiện như trường hợp thôi việc trước thời điểm sinh con/nhận con nuôi. Đối với chế độ hưu trí, tử tuất sẽ thực hiện như trường hợp bảo lưu thời gian tham gia BHXH.