Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 06/2022

Bản tin thuế

Quản lý thuế

Tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có rủi ro về hóa đơn, gian lận hoàn thuế GTGT

Ngày 01/06/2022, Tổng ban hành Công văn số 1873/TCT-TTKT về việc tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, chống gian lận hoàn thuế GTGT. Theo đó, một số biện pháp thực hiện bao gồm:

– Rà soát, phân loại các doanh nghiệp có rủi ro về hoá đơn thông qua các dấu hiệu nghi vấn;

– Đối với hoá đơn phục vụ cho khấu trừ, hoàn thuế, nếu phát hiện có dấu hiệu mua bán hoá đơn nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng thì thông báo cho doanh nghiệp biết để kê khai, điều chỉnh thuế GTGT;

– Phối hợp giữa các cơ quan thuế trong việc xác minh hoá đơn, nguồn gốc hàng hoá, trả kết quả trong vòng 10 ngày làm việc.

Ngoài ra Công văn nêu một số dấu hiệu, hành vi vi phạm của người nộp thuế để tăng cường kiểm tra như:

– Doanh nghiệp thay đổi người đại diện trước pháp luật từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng hoặc tha- Doanh nghiệp có số lần thay đổi trạng thái hoạt động hoặc số lần thay đổi kinh doanh từ 2 lần trong năm;

– Doanh nghiệp mới thành lập có địa điểm kinh doanh không cố định (chuyển địa điểm kinh doanh nhiều lần trong 1-2 năm hoạt động);

– Doanh nghiệp chuyển địa điểm hoạt động kinh doanh sau khi đã có Thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký đổi người đại diện trước pháp luật đồng thời chuyển địa điểm kinh doanh;

– Doanh nghiệp thành lập nhiều năm không phát sinh doanh thu, sau đó bán lại, chuyển nhượng cho người khác;

– Doanh nghiệp chưa nộp đủ vốn điều lệ theo đăng ký;

– Doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng hoặc không có kho hàng, không phát sinh chi phí thuê kho;

– Doanh thu kê khai hàng năm phát sinh từ trên 10 tỷ đồng nhưng số thuế phát sinh phải nộp thấp dưới 100 triệu đồng (1%);

– Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2000 số hóa đơn). Số lượng hóa đơn xóa bỏ lớn, bình quân chiếm khoảng 20% số hóa đơn sử dụng;

– Doanh nghiệp có giá trị hàng hóa bán ra, thuế GTGT đầu ra bằng hoặc chênh lệch rất nhỏ so với giá trị hàng hóa mua vào, thuế GTGT đầu vào;

– Doanh nghiệp có doanh thu và thuế GTGT đầu ra, đầu vào lớn nhưng không phát sinh số thuế phải nộp, có số thuế GTGT âm nhiều kỳ;

…..

 

Tổ chức triển khai nghị định số 34/2022/NĐ-CP

Ngày 23/06/2022, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 2194/TCT-KT về việc tổ chức triển khai Nghị định số 34/2022/NĐ-CP. Một số nội dung đáng lưu ý như sau:

– Tuyên truyền chính sách gia hạn nộp thuế, nộp tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải gửi giấy đề nghị ân hạn cho cơ quan thuế chậm nhất vào ngày 30/9/2022. Nội dung Giấy đề nghị ân hạn thuế xem tại Phụ lục 1 đính kèm Công văn.

– Hướng dẫn người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn qua các ứng dụng: ETax 2.2.2, iCaNhan 3.2.8, iTaxViewer 1.9.6, HTKK 4.8.5, TMS 5.48. Trường hợp người nộp thuế không thể thực hiện gửi Giấy đề nghị gia hạn theo phương thức điện tử, cơ quan thuế hướng dẫn người nộp thuế gửi qua đường bưu chính hoặc tiếp nhận Giấy đề nghị gia hạn nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế theo quy trình tiếp nhận hồ sơ thuế hiện hành.

– Cung cấp thông tin hỗ trợ tại Tổng cục thuế (số điện thoại liên hệ, hộp thư điện tử) về hỗ trợ nghiệp vụ; hỗ trợ kỹ thuật.

 

Hóa đơn

Thời điểm phát hành hóa đơn điện tử với dịch vụ logistic

Ngày 27/05/2022, Cục thuế tỉnh Hải Dương ban hành Công văn số 45083/CTHDU-TTHT về thời điểm xuất hóa đơn với dịch vụ logistic. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty là doanh nghiệp dịch vụ vận tải (logistic) sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngay kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước theo quy định tại Khoản 4, Điều 9, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

 

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)

Hoạt động thuê ngoài gia công vẫn được hưởng ưu đãi thuế TNDN

Ngày 30/06/2022, Cục thuế tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 3902/CTBGI-TTHT hướng dẫn về ưu đãi thuế TNDN với hoạt động thuê ngoài gia công. Nội dung cụ thể như sau:

Trong quá trình gia công, Công ty có mang nguyên liệu (khách hàng giao) đi thuê các Công ty bên ngoài gia công một số công đoạn, sau đó chuyển về công ty tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và giao cho khách hàng là hoạt động gia công thương mại, chi phí phát sinh từ hoạt động thuê ngoài gia công là khoản chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Vì vậy toàn bộ thu nhập từ hoạt động gia công của công ty được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn.

 

Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”)

Người nước ngoài được tính thuế lũy tiến nếu thời hạn hợp đồng phái cử trên 183 ngày

Ngày 07/07/2022, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 2414/TCT-DNNCN hướng dẫn về chính sách thuế TNCN cho người lao động nước ngoài. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp cá nhân là người nước ngoài được cử sang làm việc tại Việt Nam trong thời hạn 05 năm theo Hợp đồng phái cử thì cá nhân đó kê khai, tính thuế TNCN đối với các từ khai thuế TNCN trong năm 2021 theo biểu lũy tiến từng phần.

Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân người nước ngoài có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế đầu tiên của cá nhân đó được xác định là 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Từ năm thứ hai, kỳ tính thuế căn cứ theo năm dương lịch.

 

Chính sách thuế thu nhập cá nhân với cá nhân không cư trú

Ngày 08/07/2022, Cục thuế Hà Nội ban hành Công văn số 32313/CTHN-TTHT về chính sách thuế TNCN với cá nhân không cư trú. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty ở Nhật Bản (“Công ty Nhật Bản”) cử nhân sự nước ngoài sang công tác tại Công ty ở Việt Nam (“Công ty Việt Nam”) để học tập và tham khảo thực tế thị trường đáp ứng điều kiện là cá nhân không cư trú thì:

– Nếu các khoản chi trả của Công ty Việt Nam cho người lao động nước ngoài được xác định là thu nhập từ tiền lương, tiền công, các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả thì Công ty có trách nhiệm khấu trừ 20% trước khi chi trả cho cá nhân.

– Nếu Công ty Việt Nam chi trả hộ Công ty Nhật Bản theo thỏa thuận thu hộ, chi hộ giữa 2 bên và không phát sinh các khoản thu nhập chịu thuế TNCN thì không thuộc đối tượng phải nộp thuế TNCN tại Việt Nam.

 

Doanh nghiệp tiếp tục được sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN còn tồn trong thời gian chưa kịp triển khai chứng từ điện tử

Ngày 12/07/2022, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 2455/TCT-DNNCN về việc triển khai, vận hành hóa đơn, chứng từ điện tử. Nội dung cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điều 33, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì tổ chức khấu trừ khi sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử không bắt buộc phải đăng ký, thông báo phát hành, chuyển dữ liệu điện tử đến CQT, tổ chức khấu trừ tự xây dựng hệ thống phần mềm để sử dụng chứng từ điện tử đảm bảo các nội dung bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Trong thời gian chưa kịp triển khai chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử, tổ chức (bao gồm cả cơ quan thuế), doanh nghiệp có thể sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN theo hình thức tự phát hành. Từ 01/7/2022, cơ quan thuế không tiếp tục bán chứng từ khấu trừ thuế TNCN do cơ quan thuế đặt in; đối với trường hợp đang còn tồn chứng từ khấu trừ mua của cơ quan thuế thì tiếp tục sử dụng.

 

Lao động, bảo hiểm                                           

Những lưu ý khi áp dụng hạn mức tăng ca 300 giờ/năm

Ngày 16/06/2022, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ban hành Công văn số  4359/TLĐ-QHLĐ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15. Theo đó, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm sau:

– Hạn mức tăng ca tối đa 300 giờ/năm chỉ áp dụng cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 17 và Khoản 3, Điều 107, Bộ luật lao động 2019.

– Tất cả các trường hợp được tổ chức tăng ca đến 300 giờ/năm đều được áp dụng mức tăng ca từ trên 40 giờ đến 60 giờ/tháng kể từ ngày 1/4/2022.

– Khi áp dụng hạn mức tăng ca theo Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác về làm thêm giờ tại Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn (như: số giờ làm thêm trong ngày; tiền lương phải trả khi làm thêm giờ; có sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm;…).

– Nếu tổ chức tăng ca từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm, doanh nghiệp phải thông báo với Sở Lao động TB&XH địa phương theo quy định tại Khoản 4, Điều 107, Bộ luật lao động và Điều 62 Nghị định 145/2020/NĐ-CP .

– Thời hạn áp dụng hạn mức tăng ca theo Nghị quyết 17 là đến hết ngày 31/12/2022, trừ trường hợp được Quốc hội kéo dài thêm.