Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 10/2021

Bản tin thuế

Quản lý thuế

Chi ủng hộ tài trợ tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 08/10/2021, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 3887/CTHN-về khoản chi ủng hộ tài trợ của
doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, nội dung cụ thể như sau:

Để đảm bảo việc tính khoản chi ủng hộ, tài trợ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đúng thực tế phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách của nhà nước để trục lợi, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế rà soát các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Đối với trường hợp ủng hộ, tài trợ bằng hiện vật, đặc biệt là trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vật tư y tế, Cục Thuế thực hiện kiểm tra, xác minh hóa đơn, chứng từ, tờ khai hàng hóa nhập khẩu (nếu có) và so sánh, đổi chiếu với giá của sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường tại thời điểm doanh nghiệp mua. Trên cơ sở đó, Cục Thuế xác định những trường hợp kê khai không đúng giá trị khoản ủng hộ, tài trợ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để có biện pháp quản lý thuế phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.

 

Thông báo về việc sử dụng hóa đơn điện tử tại (“HĐĐT”) Hà Nội

Ngày 29/10/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Thông báo về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) tại địa bàn (theo Quyết định  số 1830/QĐ-BTC ngày 20/09/2021 của Bộ Tài chính).

Theo đó, Cục thuế Thành phố Hà Nội cho biết sẽ gửi thông báo đến từng doanh nghiệp về thời điểm cụ thể (lộ trình) phải chuyển đổi sang HĐĐT mới sau khi đơn vị dịch vụ truyền nhận hóa đơn hoàn thiện việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật.

Sau đây là những lưu ý của Cục thuế trong quá trình doanh nghiệp chuyển đổi từ HĐĐT cũ (theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP) sang HĐĐT mới:

– Cần nâng cấp phần mềm HĐĐT theo chuẩn mới do Tổng cục Thuế ban hành tại Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 7/10/2021.

– Tất cả doanh nghiệp đều phải sử dụng HĐĐT theo chuẩn của Tổng cục Thuế, không được sử dụng HĐĐT khác hay hóa đơn giấy.

– Toàn bộ HĐĐT mà doanh nghiệp đã phát hành đều phải được truyền về Tổng cục Thuế để lưu trữ (ngoài việc lưu trữ tại doanh nghiệp).

– HĐĐT mới sẽ bao gồm các loại: có mã và không có mã của cơ quan thuế.

– Sau khi nhận thông báo từ cơ quan thuế, doanh nghiệp phải đăng ký thông tin sử dụng HĐĐT theo Mẫu 01/ĐKTĐ-HĐĐT tại Phụ lục IA Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Trong vòng 1 ngày làm việc, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo chấp nhận hoặc không. Doanh nghiệp sẽ được bắt đầu sử dụng HĐĐT mới sau khi có thông báo chấp nhận của cơ quan thuế.

– Ngay sau khi cơ quan thuế chấp nhận cho sử dụng HĐĐT mới, doanh nghiệp phải ngừng sử dụng HĐĐT cũ và tiêu hủy các hóa đơn giấy còn tồn.

 

Hóa đơn

Không xuất hóa đơn điện tử kèm bảng kê đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa

Ngày 12/10/2021, Cục thuế tỉnh Hà Nam ban hành Công văn số 3412/CT-TTHT hướng dẫn về việc xuất hóa đơn điện tử kèm bảng kê đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa, nội dung cụ thể như sau:

Hóa đơn điện tử không được phép đính kèm bảng kê như hóa đơn giấy; trường hợp đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, giao nhận hàng hóa cung ứng dịch vụ vận tải , giao nhận hàng hóa thường xuyên cho Công ty, thì đơn vị đó có thể lập hóa đơn điện tử vào ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động cung ứng dịch vụ. Trên hóa đơn điện tử đơn vị vận tải, giao nhận hàng hóa phải lập đầy đủ danh mục hàng hóa bán ra đảm bảo nguyên tắc thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài Chính.

 

Hướng dẫn lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế Giá trị gia tăng (‘GTGT”)

Ngày 29/10/2021, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 4153/TCT-CS hướng dẫn việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT. Theo đó, mức giảm 30% thuế GTGT sẽ được trừ trực tiếp ngay trên mỗi hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng.

Cụ thể, đối với hóa đơn GTGT, tại cột “Thuế suất GTGT”, sẽ ghi thuế suất 5% hoặc 10% (tùy mặt hàng) và nhân (x) với 70%; tại cột “Tiền thuế GTGT” và “Tổng giá thanh toán” sẽ ghi theo số thuế GTGT và số tiền thanh toán đã giảm 30%.

Đối với hóa đơn bán hàng, tại dòng “Thành tiền” sẽ ghi số tiền hàng trước khi giảm; tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ”, ghi theo mức đã giảm 30% thuế GTGT, đồng thời, ghi chú rõ số tiền thuế đã giảm 30%.

Công văn có ví dụ minh họa cho từng trường hợp (lập hóa đơn GTGT và hóa đơn bán hàng).

 

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)          

Không được ưu đãi thuế TNDN khi bổ sung ngành nghề kinh doanh hoặc tăng công suất mà không thực hiện đầu tư mở rộng

Ngày 27/09/2021, Cục thuế Thành phố Hải Phòng ban hành Công văn số 2469/CTHPH-TTHT về việc ưu đãi thuế TNDN khi bổ sung ngành nghề kinh doanh và tăng công suất trên Giấy chứng nhận đầu tư mới. Nội dung cụ thể như sau:

Việc thay đổi tên sản phẩm từ “Đồng hồ đo gas” thành “Các bộ phận của đồng hồ đo gas”, từ “Đồng hồ đo nước điện tử” thành “Các bộ phận của đồng hồ đo nước điện tử”, gộp chung sản phẩm “Bộ phận hiển thị đồng hồ đo nước cơ học” thành “Các bộ phận đồng hồ đo nước cơ học” theo Giấy chứng nhận Đầu tư thay đổi lần thứ 1 ngày 26/05/2016 mà không làm thay đổi việc đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế của dự án đầu tư ban đầu thì thu nhập của Công ty từ sản xuất các sản phẩm nêu trên vẫn được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 24/12/2014 cho thời gian còn lại.

Thu nhập của Công ty từ bổ sung ngành nghề sản xuất “Đồng hồ đo nước cơ học” tại Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ 02 ngày 23/08/2016 và thu nhập từ việc tăng công suất sản xuất của sản phẩm theo Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ 03 ngày 04/12/2018 không thuộc thu nhập của dự án đầu tư lần đầu, đồng thời cũng không có dự án đầu tư mở rộng đáp ứng điều kiện theo quy định thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

 

Ưu đãi thuế TNDN với dự án đầu tư mới có sử dụng một phần máy móc của dự án đầu tư cũ

Ngày 21/10/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 3689/CTBNI-TTHT về việc ưu đãi thuế TNDN khi chuyển giao tài sản cố định từ dự án cũ sang dự án mới. Nội dung cụ thể như sau:

Công ty có dự án đầu tư được Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 29/06/2015, địa điểm thực hiện tại KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội (Dự án số 01). Ngày 16/08/2018, Công ty được Ban quản lý các KCN Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu về việc thành lập dự án sản xuất tại KCN Yên Phong (khu mở rộng), huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (Dự án số 02).

Trường hợp Dự án số 02 sử dụng máy móc, thiết bị được điều chuyển của Dự án số 01 (sau khi dự án số 01 kết thúc vào tháng 11/2020) nếu đáp ứng điều kiện là đầu tư mở rộng cũng không được ưu đãi thuế TNDN như hướng dẫn tại Khoản 4, Điều 10, Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài Chính nêu trên.

 

Chi trả tiền lương cho những ngày chưa nghỉ hằng năm

Ngày 22/10/2021, Cục thuế tỉnh Hưng Yên ban hành Công văn số 4818/CTHYE-TTHT về chính sách thuế khi thanh toán tiền lương cho người lao động làm việc trong những ngày chưa nghỉ hằng năm. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty trả tiền lương cho người lao động làm việc trong những ngày chưa nghỉ hằng năm phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 và thanh toán tiền lương cho những ngày này theo hình thức làm thêm giờ, nếu khoản chi này được ghi tại một trong các hồ sơ quy định tại Tiết b, Điểm 2.6, Khoản 2, Điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2, Điều 3, Thông tư 25/2018/TT-BTC) thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng các quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính.

 

Chính sách thuế TNDN, TNCN đối với chi phí phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 27/10/2021, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 4110/TCT-DNNCN về chính sách thuế đối với chi phí phòng, chống dịch Covid-19 . Nội dung cụ thể như sau:

Đối với các khoản chi phí cách ly y tế do dịch Covid – 19 ở trong nước và tại nước ngoài đối với trường hợp đi công tác tại nước ngoài (chi phí tiền ăn, tiền ở; chi phí xét nghiệm Covid – 19; chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam hoặc từ nơi phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế; chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế; …) để thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản chi phí xét nghiệm Covid – 19 hoặc mua kit xét nghiệm Covid – 19 cho người lao động, chi phí mua các thiết bị cho người lao động nhằm bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc và các chi phí ăn, ở của người lao động ở tại doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” thì các khoản chi phí này được tính vào chi phí được trừ khi thuế thu nhập doanh nghiệp và không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) xin lưu ý rằng các khoản chi phí nêu trên phản ánh thực tế phát sinh và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật.

 

Hóa đơn đầu vào lập sau hóa đơn đầu ra không được tính vào Chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và bị xử phạt vi phạm hành chính

Ngày 01/11/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 43222/CTHN-TTHT hướng dẫn chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN khi hóa đơn đầu vào lập sau ngày trên hóa đơn đầu ra. Nội dung cụ thể như sau.

Trường hợp qua kiểm tra, xác minh phát hiện Công ty phát sinh khoản chi phí đầu vào hóa đơn lập sau ngày lập hóa đơn đầu ra nếu không đáp ứng đủ điều kiện nêu trên thì Công ty không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp bên bán hàng hóa, dịch vụ có hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định thì bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

 

Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”)

Thuế TNCN đối với khoản thu nhập nhận được từ việc giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Ngày 25/10/2021, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 4102/TCT-DNNCN về chính sách thuế Thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập nhận được từ việc giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống Covid-19 theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thì khoản tiền hỗ trợ này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

 

Xử lý hồ sơ trường trường hợp cá nhân có hai mã số thuế

Ngày 14/10/2021, Cục thuế Thành phố Hải Phòng ban hành Công văn số 2655/CTHPH-TTHT về quy định trong trường hợp cá nhân có hai mã số thuế và nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp độc giả có hai (02) mã số thuế (do sử dụng chứng minh thư và căn cước công dân để đăng ký) thì phải chấm dứt hiệu lực mã số thuế thu nhập cá nhân được cấp sau và chỉ sử dụng mã số thuế được cấp lần đầu tiên để thực hiện kê khai nộp thuế hoặc khấu trừ các thu nhập phát sinh theo quy định về thuế hiện hành. Cá nhân đến cơ quan thuế nơi cấp mã số thuế theo căn cước công dân mới để được hướng dẫn cách thủ tục về chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế mới và thay đổi thông tin đăng ký thuế theo đúng quy định.

Trường hợp độc giả có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức trả thu nhập cuối cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân; đồng thời tại nơi trả thu nhập cuối cùng độc giả không ký hợp đồng lao động, hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng, hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ đã khấu trừ 10% thì độc giả nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN tại cơ quan thuế nơi độc giả cư trú.

 

Chính sách Thuế TNCN liên quan đến tiền ăn trưa, làm thêm giờ và thời điểm khấu trừ thuế.

Ngày 05/10/2021, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 3823/TCT-DNNCN về chính sách thuế Thu nhập cá nhân. Nội dung cụ thể như sau:

– Khoản thu nhập từ khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do Công ty chi trả phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại tiết g.5, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

– Khoản thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ Luật Lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.

– Trường hợp người lao động của công ty là cá nhân cư trú và Công ty chi trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai triệu (2.000.000) đồng lần trở lên cho người lao động kỷ hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng hoặc chi trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai triệu (2.000.000) đồng/1ần trở lên cho người lao động vào thời điểm sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động thì Công ty phải thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10% trên tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của người lao động. Trường hợp người lao động chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của người lao động sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì người lao động có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi Công ty để Công ty làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

 

Hải quan

Doanh nghiệp FDI không được phép bán lại nguyên vật liệu nhập khẩu cho Doanh nghiệp chế xuất

Ngày 22/10/2021, Cục hải quan tỉnh Đồng Nai trả lời trực tiếp trên website câu hỏi của độc giả về thủ tục bán lại nguyên vật liệu nhập khẩu cho Doanh nghiệp chế xuất. Nội dung cụ thể như sau:

Nếu Công ty là Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì sản phẩm xuất bán phải do chính Công ty sản xuất (nguyên liệu nhập khẩu đã qua gia công, chế biến). Do việc xuất bán nguyên liệu nhập khẩu chưa qua gia công, chế biến cho Doanh nghiệp chế xuất là hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, doanh nghiệp FDI không được thực hiện.

Công ty bán hàng cho Công ty A (đối tác tại Mỹ) nhưng lại xuất hóa đơn GTGT cho Công ty C (Công ty tại Việt Nam, được Công ty A chỉ định giao hàng): nghiệp vụ kinh tế này chỉ có thể thực hiện được khi có điều khoản quy định tương ứng nêu trong hợp đồng thương mại giữa Công ty với Công ty A và Công ty C.

 

Lao động, Bảo hiểm

Sửa đổi một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ngày 08/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về việc sửa đổi bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/07/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Nội dung cụ thể như sau:

Điều kiện nhận tiền hỗ trợ do tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương như sau:
– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương;
– Có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021;
– Thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19;
+ Do người sử dụng lao động tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19;
+ Hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19.
Mức hỗ trợ một lần như sau:
– Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng: 1.855.000 đồng/người;
– Từ 01 tháng trở lên: 3.710.000 đồng/người.

 

Luật doanh nghiệp

Thay đổi tiêu thức xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tiêu thức xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa thay đổi từ ngày 15/10/2021 theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

– Đối với doanh nghiệp thương mại, dịch vụ:

Doanh nghiệp Tiêu chí 1 Tiêu chí 2
Lao động tham gia BHXH bình quân năm Doanh thu năm Hoặc tổng nguồn vốn của năm
Siêu nhỏ Không quá 10 người Không quá 10 tỷ Không quá 3 tỷ
Nhỏ Không quá 50 người Không quá 100 tỷ Không quá 50 tỷ
Vừa Không quá 100 người Không quá 300 tỷ Không quá 100 tỷ

 

– Đối với doanh nghiệp khác (Nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng…)

Doanh nghiệp Tiêu chí 1 Tiêu chí 2
Lao động tham gia BHXH bình quân năm Doanh thu năm Hoặc tổng nguồn vốn của năm
Siêu nhỏ Không quá 10 người Không quá 3 tỷ Không quá 3 tỷ
Nhỏ Không quá 100 người Không quá 50 tỷ Không quá 20 tỷ
Vừa Không quá 200 người Không quá 200 tỷ Không quá 100 tỷ

 

Theo đó, số người tham gia bảo hiểm năm, nguồn vốn và doanh thu được xác định như sau:

Tiêu thức DN hoạt động trên 1 năm DN hoạt động dưới 1 năm
Lao động tham gia BHXH bình quân năm Lao động tham gia bảo hiểm năm trước liền kề/12 tháng Lao động tham gia bảo hiểm năm/Số tháng trong năm
Tổng nguồn vốn Số cuối kỳ theo bảng CĐKT đã nộp năm trước liền kề Bảng cân đối kế toán cuối quý trước liền kề
Doanh thu Số kỳ trước theo BCTC đã nộp năm trước liền kề Hoặc trên 1 năm nhưng chưa có doanh thu: Căn cứ vào nguồn vốn.