Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 09/2015

Bản tin thuế

Nghị định mới về đăng ký doanh nghiệp

Ngày 14/09/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, Nghị định có những điểm quan trọng như sau:

  • Quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh. Đồng thời quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp.
  • Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp giảm từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc. Việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được kỳ vọng như một công cụ tiện lợi, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh.
  • Việc thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện được quy định theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo đánh giá của tổ chức quốc tế.
  • Bổ sung quy định nhằm đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư áp dụng đối với các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).

 

Nghị định số 78/2015/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2015 và thay thế Nghị định số 43/2010/NĐ-CP, Nghị định số 05/2013/NĐ-CP.

 

Quyết định về thành lập Phòng thanh tra giá chuyển nhượng

Ngày 01/09/2015, Tổng Cục thuế – Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1574/QĐ-TCT và Quyết định số 1575/QĐ-TCT hướng dẫn về quy định chức năng, nhiệm vụ Phòng thanh tra giá chuyển nhượng thuộc thanh tra Tổng Cục thuế và các Cục thuế tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Theo đó, Tổng Cục thuế quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Phòng thanh tra giá chuyển nhượng như sau:

– Lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng hàng năm theo quy định;

– Tiếp nhận yêu cầu và hồ sơ đề nghị thanh tra giá chuyển nhượng của Phòng Thanh tra thuế, Phòng Kiểm tra thuế và Chi cục Thuế chuyển đến.

– Tổ chức triển khai quy trình nghiệp vụ, quy trình thanh tra giá chuyển nhượng; biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động giá chuyển nhượng.

– Tổ chức thu thập thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

– Tổ chức thực hiện công tác thanh tra giá chuyển nhượng theo chương trình kế hoạch thanh tra của Cục Thuế; thanh tra giá chuyển nhượng các trường hợp do Phòng Thanh tra thuế, Phòng Kiểm tra thuế, Chi cục Thuế đề nghị hoặc theo yêu cầu của cơ quan thuế cấp trên và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Kiến nghị xử lý theo quy định đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thuế phát hiện được khi thanh tra giá chuyển nhượng;

– Đôn đốc tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện nộp tiền thuế, tiền phạt theo đúng quyết định xử lý.

– Phối hợp với các phòng chức năng của Cục Thuế và các cơ quan chức năng khác trong việc thanh tra giá chuyển nhượng.

– Trực tiếp đề xuất, tiếp nhận hỗ trợ của Tổng cục Thuế trong quá trình thanh tra giá chuyển nhượng.

– Cung cấp thông tin, kết luận sau thanh tra giá chuyển nhượng cho các bộ phận chức năng có liên quan để phối hợp quản lý thuế.

– Thanh tra xác minh, giải quyết các tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế liên quan đến giá chuyển nhượng.

– Tham gia quá trình giải quyết các thỏa thuận song phương về thuế liên quan đến giá chuyển nhượng theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

– Tham gia quá trình giải quyết các thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) và thanh tra việc tuân thủ thực hiện các thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế sau khi các thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) đã ký kết theo yêu cầu của cơ quan thuế cấp trên hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Tổng hợp, báo cáo, đánh giá chất lượng công tác thanh tra giá chuyển nhượng.

– Nghiên cứu đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra giá chuyển nhượng.

– Tham gia biên soạn tài liệu đào tạo và tham gia đào tạo công chức thuế về giá chuyển nhượng thuộc phạm vi quản lý của Tổng Cục thuế, Cục thuế.

– Thực hiện việc bảo quản và lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ, tài liệu và các văn bản pháp quy của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của phòng theo quy định.

 

Công văn về việc chi trả trợ cấp mất việc làm

Ngày 21/09/2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 3772/LĐTBXH-LĐTL về việc chi trả trợ cấp mất việc làm.

Theo đó, căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 45 Bộ luật Lao động thì: “Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động; trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46, nếu người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.”

Tại điều 49 của Bộ luật Lao động cũng quy định cụ thể như sau:

Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.”

Theo đó, việc tính trả trợ cấp mất việc làm cho lao động bị mất việc làm, trong đó có người lao động bị mất việc làm có thời gian để tính trợ cấp mất việc làm sau khi trừ thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng được hưởng trợ cấp mất việc làm ít nhất bằng 02 tháng tiền lương là đúng quy định của Bộ luật Lao động.

 

Công văn về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Ngày 21/09/2015, Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 3865/TCT-KK về việc việc hoàn thuế GTGT.

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014:

“Điều 8. Nghĩa vụ của doanh nghiệp:

  1. Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và đảm bảo duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh”

Căn cứ hướng dẫn tại điểm 7 Công văn số 10492/BTC-TCT ngày 30/7/2015 của Bộ Tài chính:

“7. Không thực hiện hoàn thuế đối với:

– Doanh nghiệp kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.”

Căn cứ theo những quy định nếu trên, những doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ có điều kiện, nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì không được hoàn thuế GTGT.

 

Công văn về chính sách thuế đối với các khoản phúc lợi trực tiếp cho lao động

Ngày 29/09/2015, Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 4005/TCT-CS về chính sách thuế đối với những khoản phúc lợi trực tiếp cho người lao động.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Khoản chi có đủ hoá đan, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  • Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”

 

Theo quy định tại Điều 1 Chương I Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điểm 2.31 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp”

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài hướng dẫn về nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì:

“Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hoá chịu thuế GTGT bị tổn thất…”.

Căn cứ các hướng dẫn trên, trường hợp doanh nghiệp có khoản chi phúc lợi mà người lao động được thụ hưởng trực tiếp thì khoản chi đó được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động nếu có đầy đủ hoá đơn chứng từ và tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế theo quy định, đồng thời doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đối với những khoản chi phúc lợi tương ứng với khoản tiền được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nêu trên nếu đáp ứng được các điều kiện về khấu trừ theo quy định.