Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 11/2020

Bản tin thuế

Quản lý thuế

Công văn hướng dẫn một số điểm mới của Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Ngày 12/11/2020, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 4818/TCT-PC hướng dẫn một số điểm mới của Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Nội dung cụ thể như sau:

  1. Về quy định chung có 11 điểm được nêu ra như: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; Giải thích một số cụm từ sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; Nguyên tắc xử phạt tổ chức, cá nhân cùng một thời điểm thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; Nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi áp dụng tình tiết tang nặng, giảm nhẹ; Hình phạt bổ sung; Biện pháp khắc phụ hậu quả; Thời hạn truy thu thuế; Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
  2. Về xử phạt hành vi vi phạm hành chính về thuế có 10 điểm được nêu ra như: Hành vi vi phạm thời hạn đăng ký, thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn; Hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế; Hành vi khai sai, khai không đầy đủ cá nội dung trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế; Hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định; Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế; Hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn….
  3. Về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn có 12 điểm được nêu ra như: Vi phạm về tự in và khởi tạo hóa đơn điện tử; vi phạm về hóa đơn đặt in; vi phạm về in hóa đơn đặt in; Hành vi về cho, bán hóa đơn; Hành vi về phát hành hóa đơn…
  4. Về thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có 6 điểm được nêu ra như: Thẩm quyền xử phạt; Thủ tục xử phạt; Thi hành quyết định xử phạt; Miễn tiền phạt; Áp dụng văn bản và điều khoản chuyển tiếp; Mẫu biểu sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

 

Công văn hướng dẫn một số điểm mới của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế

Ngày 07/12/2020, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 5189/TCT-CS giới thiệu các nội dung mới của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Nội dung cụ thể Công văn trình bày 17 điểm mới như sau:

– Phạm vi điều chỉnh;

– Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời hạn tạm ngừng hoạt động, kinh doanh;

– Quản lý thu các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước;

– Đăng ký thuế;

– Khai thuế, tính thuế;

– Ấn định thuế;

– Thời hạn nộp thuế đối với các khoản thu từ tiền đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tiền sử dụng khu vực biển;

– Gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất;

– Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh;

– Khoanh tiền thuế nợ;

– Phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương trong việc thực hiện xóa nợ, hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Các biện pháp cưỡng chế nợ thuế;

– Công khai thông tin;

– Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế;

– Nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

– Mua thông tin, tài liệu, dữ liệu của đơn vị cung cấp để phục vụ công tác quản lý thuế;

– Cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

 

Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”)

Tăng đơn giá sau thời điểm thông quan, không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%

Ngày 07/12/2020, Cục thuế tỉnh Long An ban hành Công văn số 3617/CT-TTHT về việc ghi nhận doanh thu xuất khẩu. Nội dung cụ thể như sau:

Công ty ký hợp đồng gia công cho khách hàng nước ngoài, sau khi xuất trả hàng gia công cho khách hàng, hai bên đồng ý tăng đơn giá gia công một số mã hàng nhưng Công ty không điều chỉnh giá gia công trên tờ khai hải quan do thời điểm tăng đơn giá sau thời điểm thông quan. Theo đó, khoản tiền khách hàng nước ngoài thanh toán tăng thêm không đủ điều kiện xác định doanh thu xuất khẩu áp dụng thuế suất thuế GTGT là 0% theo quy định tại Khoản 2a, Điều 9, Thông tư số 219/2013/TT-BTC. Khi nhận tiền từ khách hàng nước ngoài Công ty phải ghi nhận là khoản thu nhập khác và kê khai nôp thuế TNDN theo quy định tại Điều 7, Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính.

 

Thuế Nhà thầu nước ngoài (“NTNN”)

Thuế nhà thầu đối với quyền truy cập dữ liệu

Ngày 23/11/2020, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 101317/CTHN-TTHT về thuế nhà thầu đối với quyền truy cập dữ liệu. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp, Công ty nước ngoài có phát sinh khoản thu nhập được trả cho quyền truy cập dữ liệu thì Công ty nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu.

Thu nhập nhà thầu nước ngoài nhận được do cung cấp quyền truy cập dữ liệu là thu nhập từ tiền bản quyền theo quy định tại Khoản 3, Điều 7, Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính thì tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là 10%.

Việc cung cấp quyền truy cập dữ liệu của Công ty nước ngoài nếu không phải là chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, không phải là sản phẩm/ dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với dịch vụ là 5%.

 

Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”)

Tính vào thu nhập nhập chịu thuế TNCN và chi phí tính thuế TNDN với chi phí cách ly Covid-19

Ngày 26/11/2020, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 5032/TCT-CS về chi phí cách ly phòng chống dịch Covid 19 của chuyên gia nước ngoài. Nội dung cụ thể như sau:

– Về việc xác định thu nhập chịu thuế TNCN:

Trường hợp người lao động nước ngoài được Công ty chi trả khoản chi phí cách ly phòng chống dịch Covid – 19 khi nhập cảnh vào Việt Nam thì khoản chi này là lợi ích được hưởng của người lao động. Do đó, khoản chi nêu trên được tính vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của người lao động.

-Về việc xác định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:

+ Đối với chi phí cách ly khách sạn cho chuyên gia nước ngoài, trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế Thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.

+ Đối với khoản chi phí mua vé máy bay công tác cho chuyên gia nước ngoài, nếu khoản chi phí được thực hiện theo quy định tịa Điểm 2.9, Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi bổ sung tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính) thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.

+ Khoản chi phí xét nghiệm Covid-19 cho chuyên gia nước ngoài được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động, nếu khoản chi phí này được thực hiện theo quy định tại Điểm 2.30, Khoản 2, Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính) thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.

 

Quyết toán thu nhập của nhóm công nhân, không cần khai rõ từng người

Ngày 13/11/2020, Cục thuế Thành phố Hà Nội bàn hành Công văn số 99064/CTHT-TTHT về quyết toán thuế TNCN. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp, Công ty ký hợp đồng giao khoán với cá nhân không kinh doanh là tổ trưởng đại diện cho một nhóm cá nhân để thực hiện công việc xây dựng các nhà máy công nghiệp, Công ty đã khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% khi trả tiền từng lần cho tổ trưởng nhưng không xác định được thu nhập của từng cá nhân trong nhóm thì khi quyết toán thuế TNCN theo mẫu 05/QTT-TNCN, Công ty khai số tiền lương tiền công đã trả cho cá nhân tổ trưởng, số thuế TNCN đã khấu trừ vào bảng kê 05-2/BK-QTT-TNCN. Cuối năm, cá nhân phải tổng hợp toàn bộ thu nhập từ tiền lương tiền công nhận được trong năm tính thuế để quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế nếu thuộc đối tượng phải quyết toán theo quy định.

 

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)

Không được chuyển lỗ trong trường hợp chi nhánh hạch toán độc lập chuyển sang hạch toán phụ thuộc

Ngày 11/11/2020, Cục thuế tỉnh Đồng Nai ban hành Công văn số 11411/CT-TTHT hướng dẫn về chính sách thuế TNDN. Nội dung cụ thể như sau:

Doanh nghiệp được chuyển lỗ khi tính thuế TNDN trong trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; không được chuyển lỗ trong trường hợp chi nhánh hạch toán độc lập chuyển sang hạch toán phụ thuộc.

 

Hải quan

Xuất khẩu tại chỗ không được hoàn thuế nhập khẩu

Ngày 25/11/2020, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 7519/TCHT-TXNK về về việc xử lý hoàn thuế nhập khẩu. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm theo hình thức xuất khẩu tại chỗ (không xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc không xuất khẩu vào khu phi thuế quan) thì không được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp.

 

Lao động

Tự động gia hạn tạm trú cho người nước ngoài do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an về việc tiếp tục thực hiện “tự động gia hạn tạm trú” cho người nước ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa thể xuất cảnh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông báo:

 Người nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực, nhập cảnh bằng thị thực điện tử hoặc thị thực du lịch từ ngày 01/3/2020 đến nay tiếp tục được “tự động gia hạn tạm trú” đến hết ngày 30/11/2020, có thể xuất cảnh trong thời gian trên mà không phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.

 Trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trước ngày 01/3/2020 nếu chứng minh được bị mắc kẹt do dịch Covid-19, được Cơ quan đại diện ngoại giao xác nhận bằng Công hàm (có bản dịch tiếng Việt) hoặc có văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền Việt Nam về việc bị cách ly, điều trị Covid-19 hoặc vì lý do bất khả kháng khác… cũng được xem xét áp dụng “tự động gia hạn tạm trú” đến hết ngày 30/11/2020 (phải xuất trình Công hàm hoặc văn bản xác nhận nêu trên khi xuất cảnh).

–  Người nước ngoài trong thời gian được “tự động gia hạn tạm trú” phải khai báo tạm trú và khai báo y tế theo quy định.

–  Người nước ngoài không thuộc trường hợp nêu trên hoặc có các vi phạm pháp luật khác, thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

 

Quy định chi tiết về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động

Ngày 18/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Điều 169 của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu.

Theo đó, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường như sau:

– Đối với lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028.

– Đối với lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Ngoài ra, người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

– Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB-XH ban hành.

– Có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước 1-1-2021 (vùng KT-XH đặc biệt khó khăn). Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

– Có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và thời gian làm việc ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.

Nghị định 135/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.