Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 12/2021

Bản tin thuế

Quản lý thuế

Không có quy định miễn khống chế lãi vay với doanh nghiệp liên kết

Ngày 29/12/2021, Bộ Tài chính ban hành Công văn 14938/BTC-TCT trả lời kiến nghị về vướng mắc chi phí lãi vay theo Nghị định 132/2020/ND-CP đối với các dự án trong lĩnh vực xây lắp, chế tạo cơ khí. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp người nộp thuế có quan hệ liên kết phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ thì tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN được tính theo mức khống chế quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP), từ ngày 20/12/2020 áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Không áp dụng miễn trừ áp dụng quy định pháp luật cá biệt đối với một người nộp thuế cụ thể.

 

Ngành thuế có kế hoạch tập trung kiểm tra thi hành pháp luật về ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp trong năm 2022

Ngày 31/12/2021, Tổng cục thuế ban hành Quyết định 2032/QĐ-TCT về kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật thuế năm 2022.

Theo Kế hoạch này, năm 2022, ngành Thuế sẽ triển khai công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về ưu đãi thuế TNDN, bao gồm quy định về chính sách miễn, giảm thuế TNDN tại các văn bản sau:

– Nghị định 218/2013/NĐ-CP và Thông tư 78/2014/TT-BTC ;

– Nghị định 114/2020/NĐ-CP ;

– Nghị định 59/2012/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 32/2020/NĐ-CP ).

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thông tư có một số điểm nổi bật như sau:

Nội dung Điểm mới của Thông tư số 100/2021/TT-BTC Quy định cũ trong Thông tư số 40/2021/TT-BTC
Thuế đối với cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm. Cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc diện không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng).

Doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản.

Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân: Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự;

 

 

 

Cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân là người nộp thuế trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Tổ chức tại Việt Nam là đối tác của nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) thực hiện chi trả thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số cho cá nhân theo thỏa thuận với nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài;

 

Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo ủy quyền của pháp luật dân sự.

 

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

 

Hóa đơn

Những lưu ý khi triển khai áp dụng Hóa đơn điện tử (“HĐĐT”) mới

Ngày 27/12/2021, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5113/TCT-CS hướng dẫn một số số nội dung về hóa đơn điện tử, bao gồm:

– Thủ tục cấp mã cho HĐĐT mới thay thế HĐĐT bị sai, sót;

– Ngừng, hủy hóa đơn cũ sau khi được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng HĐĐT mới;

– Phần mềm lập HĐĐT có nhất thiết phải kết nối với phần mềm kế toán;

– Đăng ký sử dụng đồng thời HĐĐT có mã và không có mã;

– Doanh nghiệp đang bị cưỡng chế một lần đề nghị cấp nhiều HĐĐT để phát hành cho nhiều khách hàng;

– Doanh nghiệp có được chọn sử dụng HĐĐT không có mã nếu cơ quan thuế gửi thông báo áp dụng HĐĐT có mã;

– Sử dụng HĐĐT đối với công ty mẹ – con sử dụng chung phần mềm kế toán và phần mềm lập hóa đơn.

Theo đó, sau khi được cơ quan chấp thuận sử dụng HĐĐT, doanh nghiệp phải dừng sử dụng và tiêu hủy ngay các hóa đơn giấy còn tồn. Thủ tục tiêu hủy thực hiện theo Điều 27 Nghị định 123/2020/NĐ-CP .

Riêng trong thời gian Thông tư 39/2014/TT-BTC còn hiệu lực, doanh nghiệp có thể gửi Thông báo hủy hóa đơn Mẫu số TB03/AC và Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn Mẫu BC26 để cơ quan thuế nhập vào ứng dụng.

Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC đều không có quy định bắt buộc phần mềm lập HĐĐT phải kết nối với phần mềm kế toán của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp sử dụng HĐĐT có mã thì phần mềm lập HĐĐT chỉ cần có kết nối mạng đáp ứng việc lập, gửi HĐĐT đến cơ quan thuế và bảo đảm việc truyền dữ liệu HĐĐT đến người mua.

Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh nhiều lĩnh vực, có lĩnh vực thuộc diện được và không được sử dụng HĐĐT không có mã theo khoản 2 Điều 91 Luật Quản lý thuế thì doanh nghiệp sẽ được sử dụng đồng thời HĐĐT có mã và không có mã. Trước mắt, cơ quan thuế sẽ hướng dẫn doanh nghiệp tạm đăng ký HĐĐT theo phân loại của cơ quan thuế cho đến khi nâng cấp ứng dụng. 

 

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)          

Không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế 2021 giảm so với 2019 đối với trường hợp doanh nghiệp có kỳ tính thuế đầu tiên là năm 2020

Ngày 18/12/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 4172/CTBNI-TTHT hướng dẫn giảm thuế TNDN năm 2021 theo Nghị định 92/2021/NĐ-CP. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp kỳ tính thuế TNDN đầu tiên của Công ty là kỳ tính thuế năm 2020 (từ 26/11/2019 đến 31/12/2020) phù hợp với kỳ kế toán năm đầu tiên theo đúng quy định tại Khoản 3, Điều 3, Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài Chính và Khoản 4, Điều 12, Luật kế toán 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015 của Quốc hội, Công ty thuộc trường hợp được giảm 30% thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế 2021 nếu có doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2021 không quá 200 tỷ đồng. Không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế 2019 để xem xét do kỳ tình thuế TNDN đầu tiên của Công ty là 2020.

 

Chi phí cháy nổ chưa được bảo hiểm thanh toán có thể coi là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN

Ngày 31/12/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 4329/CTBNI-TTHT hướng dẫn hạch toán chi phí cháy nổ chưa được bảo hiểm thanh toán. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp, trong năm tính thuế bị thiệt hại do hỏa hoạn, Công ty chưa được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường thì Công ty căn cứ vào hồ sơ để tính vào chi phí được trừ đối với tổng giá trị tổn thất. Khi được cơ quan bảo hiểm chấp nhận và chi trả tiền bồi thường, Công ty tính khoản thu từ bồi thường và thu nhập khác khi quyết toán thuế TNDN năm được chi trả tiền bồi thường.

 

Được ghi nhận chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam được quy định trong hợp đồng phái cử

Ngày 23/11/2022, Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 48930/CTHN-TTHT về chính sách thuế TNDN, TNCN cho người nước ngoài. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp trong hợp đồng phái cử giữa Công ty mẹ và Công ty Công ty con tại Việt Nam quy định rõ tất cả các khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam và thuế TNCN phát sinh từ nguồn thu tại Nhật Bản do công ty con chi trả thì các khoản chi phí nêu trên được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công nêu được xác định là khoản lợi ích được hưởng của người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Trường hợp các khoản chi nêu trên đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính thì được xác định là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

 

Chi phí thanh toán ngày phép chưa sử dụng trong năm là chi phí không hợp lệ

Ngày 04/01/2022, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 05/CTBNI-TTHT về chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và thuế TNCN đối với thanh toán những ngày phép chưa sử dụng cho người lao động. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp doanh nghiệp chi trả khoản tiền lương của những ngày chưa nghỉ phép trong năm cho người lao động đang làm việc tại Công ty là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 113, Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 của Quốc hội (việc chi trả những ngày chưa nghỉ phép trong năm chỉ quy định trong trường hợp lao động thôi việc, bị mất việc làm) và chưa đáp ứng đầy đủ quy định đối với các khoản chi tiền lương, tiền thưởng cho người lao động để Công ty được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Tuy nhiên, đây là khoản lợi ích do Công ty chi trả mà người lao động được hưởng phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

 

Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”)

Khấu trừ 10% thuế TNCN đối với người lao động nước ngoài cư trú nhưng không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng.

Ngày 15/12/2021, Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 54823/CTHN-TTHT về chính sách thuế TNCN và thuế nhà thầu đối với người lao động nước ngoài. Nội dung cụ thể như sau:

  • Về thuế TNCN đối với lao động nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam:

Trường hợp người lao động nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam phát sinh các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công, các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do Công ty tại Việt Nam chi trả theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì khi chi trả,  Công ty tại Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN của người lao động với mức thuế suất 10% theo hướng dẫn tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

  • Về thuế nhà thầu:

Trường hợp đối tác nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận hoặc cam kết giữa đối tác với WWF Việt Nam để thực hiện hoạt động của dự án WWF tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính thì thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu nước ngoài.

 

Hải quan

Hướng dẫn  dẫn tham vấn trị giá hải quan mới

Ngày 12/11/2021, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 5371/TCHQ-TXNK về việc hướng dẫn tham vấn giá trị hải quan. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến người khai hải quan không thể đến tham vấn trực tiếp, cơ quan hải quan có thể phối hợp với người khai hải quan để tổ chức tham vấn trực tuyến. Biên bản tham vấn, Thông báo xác định trị giá, Quyết định ấn định thuế (nếu có) được trao đổi thông qua hình thức gửi qua thư điện tử tài liệu quét có chữ ký số, chứng từ, tài liệu có liên quan gửi lên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc gửi bưu điện.

Trường hợp đã quá thời hạn tham vấn nhưng người khai hải quan không đến tham vấn và người khai hải quan có văn bản giải trình nguyên nhân do không thể di chuyển trong thời gian có dịch bệnh thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố có văn bản thông báo, hướng dẫn người khai hải quan giải trình, cung cấp tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực của trị giá kê khai. Căn cứ giải trình và các tài liệu, chứng từ do người khai hải quan gửi đến Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét, quyết định chấp nhận hoặc bác bỏ trị giá kê khai, thông báo kết quả bằng văn bản và hướng dẫn người khai hải quan thực hiện.

 

Bảng Hỏi – Đáp về các sửa đổi trong chính sách thuế XNK

Ngày 24/11/2021 Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 5529/TCHQ-TXNK về việc xử lý vướng mắc Nghị định số 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Công văn đính kèm Bảng Hỏi – Đáp của Tổng cục Hải quan về các quy định sửa đổi thuế XNK tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP, hiệu lực từ 25/4/2021, gồm:

– Thuế suất ưu đãi đối với hàng nhập khẩu tại chỗ;

– Chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu để gia công xuất khẩu;

– Cách tính thuế khi doanh nghiệp nội địa nhận lại sản phẩm thuê DNCX gia công;

– Khai thay đổi mục đích sử dụng đối với sản phẩm gia công, nguyên liệu, vật tư dư thừa còn lưu kho;

– Khai nộp thuế đối với hàng nhập khẩu để gia công nhưng sau đó làm quà biếu, tặng;

– Trị giá tính thuế sản phẩm trong trường hợp nguyên liệu được nhập tại nhiều thời điểm khác nhau với mức giá khác nhau;

– Mở tờ khai mới, nộp thuế đối với nguyên liệu sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại chỗ;

– Miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo loại hình xuất kinh doanh;

– Thuế nhập khẩu, thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để SXXK;

Theo đó, đối với hàng nhập gia công, nếu doanh nghiệp thông báo cơ sở gia công lại/hợp đồng gia công lại trễ hạn thì vẫn được miễn thuế NK, chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không thông báo thì bị xử phạt đồng thời không được miễn thuế NK.

Trường hợp sản phẩm gia công, nguyên liệu, vật tư dư thừa vẫn còn lưu kho, chưa có nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng thì doanh nghiệp chưa buộc mở tờ khai mới và nộp thuế. Quy định hiện hành cũng không giới hạn thời gian lưu kho tối đa hoặc thời hạn tối đa phải khai thay đổi mục đích sử dụng, tức có thể lưu kho bao lâu cũng được.

 

Doanh nghiệp chế xuất phải mở lại tờ khai và truy nộp thuế trước khi đổi thành doanh nghiệp thường

Ngày 02/12/2021, Tổng cục hải quan ban hành Công văn số 5682/TCHQ-TXNK về việc kê khai nộp thuế khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Doanh nghiệp chế xuất sang Doanh nghiệp không được hưởng chính sách của doanh nghiệp chế xuất. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi loại hình từ doanh nghiệp chế xuất sang doanh nghiệp không hưởng chính sách của doanh nghiệp chế xuất thì doanh nghiệp chế xuất phải kê khai tờ khai hải quan mới, nộp đủ thuế đối với hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất trước khi chuyển đổi.

 

Tổng hợp những điểm mới về xử phạt hải quan từ 1/1/2022

Ngày 10/12/2021, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 5820/TCHQ-PC về việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP. Các nội dung mới bao gồm:

  1. Về khái niệm tái phạm
  2. Về nguyên tắc xử phạt đối với vi phạm hành chính nhiều lần
  3. Về quy định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm đang thực hiện
  4. Về mức phạt đối với một hành vi vi phạm khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
  5. Về hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính
  6. Về việc hủy bỏ, ban hành mới, đính chính, sửa đổi, bổ sung quyết định xử phạt vi phạm hành chính
  7. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
  8. Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
  9. Về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện
  10. Về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu
  11. Về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

 

Điều kiện chậm nộp chứng từ hải quan trong mùa dịch

Ngày 24/12/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 121/2021/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19. Thông tư quy định các nội dung sau:

– Hồ sơ, thủ tục nhập khẩu hàng viện trợ, quà biếu tặng phục vụ phòng chống Covid-19;

– Điều kiện chậm nộp chứng từ giấy đối với hàng thông quan trong giai đoạn dịch Covid-19;

– Kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan.

Theo đó, trường hợp doanh nghiệp hoặc Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai nằm trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa do Covid-19 thì doanh nghiệp được khai chậm nộp các chứng từ bản giấy trong thời hạn tối đa 30 ngày.

Tại thời điểm thông quan, doanh nghiệp được tạm nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số qua hệ thống hải quan điện tử, tuy nhiên phải đính kèm văn bản thông báo của cơ quan thẩm quyền về việc giãn cách, phong tỏa.

Riêng trường hợp thời gian giãn cách, phong tỏa (do Covid-19) kéo dài trên 30 ngày, doanh nghiệp sẽ được nộp chậm chứng từ giấy trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày hết giãn cách, phong tỏa.

 

Lao động, Bảo hiểm

 Nâng mức trần tăng ca đối với lao động ngành gia công, sản xuất

Ngày 15/12/2021, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời gian làm việc, giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng. Theo đó, giới hạn làm việc tiêu chuẩn hằng ngày và làm thêm giờ như sau:

– Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày;

– Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 72 giờ/tuần (Hiện hành là 60 giờ/tuần);

– Tổng số giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng (Hiện hành là 32 giờ/tháng);

– Tổng số giờ làm thêm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ/năm.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.

 

Tăng mức đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài từ năm 2022.

Ngày 22/12/2021, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Thông báo số 4447/TB-BHXH về mức đóng Bảo hiểm xã hội đối với người nước ngoài từ ngày 01/01/2022. Nội dung cụ thể như sau:

Đơn vị sử dụng lao động và người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam trích đóng Bảo hiểm xã hội (“BHXH”), Bảo hiểm y tế (“BHYT”), Bảo hiểm tai nạn lao động (“BHTNLĐ”), Bệnh nghề nghiệp (“BNN”) hàng tháng trên mức tiền lương tháng theo tỷ lệ như sau:

Thời điểm đóng Người sử dụng lao động Người lao động Tổng
BHYT Ốm đau, thai sản TNLĐ, BNN Hưu trí, tử tuất BHYT Hưu trí, tử tuất
Từ 01/12/2018 3% 3% 0,5% 1,5% 8%
Từ 01/01/2022 3% 3% 0,5% 14% 1,5% 8% 30%

Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng, mức đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.