Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 03/2016

Bản tin thuế

Thông tư số 53/2016/TT-BTC ngày 21/03/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

Ngày 21/03/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 53/2016/TT-BTC (“Thông tư 53”) ngày 21/03/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 200/2014/TT-BTC (“Thông tư 200”) ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

Một số điểm đáng chú ý như sau:

Sửa đổi, bổ sung khoản 1.3 Điều 69, Thông tư số 200:

  • Bổ sung quy định về tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ:

Doanh nghiệp có thể lựa chọn tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch. Tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo chênh lệch không vượt quá +/-1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình. Tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình được xác định hàng ngày hoặc hàng tuần hoặc hàng tháng trên cơ sở trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản hàng ngày của ngân hàng thương mại.

Việc sử dụng tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo không làm ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kỳ kế toán.

  • Bổ sung quy định về tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập Báo cáo tài chính:

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng tỷ giá xấp xỉ quy định ở trên để hạch toán các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ, cuối kỳ kế toán doanh nghiệp sử dụng tỷ giá chuyển khoản của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Tỷ giá chuyển khoản này có thể là tỷ giá mua hoặc bán hoặc tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại.

Sửa đổi, bổ sung Điều 120, Thông tư số 200 về dịch chứng từ kế toán ra Tiếng Việt:

–     Các chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài, khi sử dụng để ghi sổ kế toán ở Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt. Những chứng từ ít phát sinh hoặc nhiều lần phát sinh nhưng có nội dung không giống nhau thì phải dịch toàn bộ nội dung chứng từ kế toán. Những chứng từ phát sinh nhiều lần, có nội dung giống nhau thì bản đầu phải dịch toàn bộ, từ bản thứ hai trở đi chỉ dịch những nội dung chủ yếu như: Tên chứng từ, tên đơn vị và cá nhân lập, tên đơn vị và cá nhân nhận, nội dung kinh tế của chứng từ, chức danh của người ký trên chứng từ… Người dịch phải ký, ghi rõ họ tên và chịu trách nhiệm về nội dung dịch ra tiếng Việt. Bản chứng từ dịch ra tiếng Việt phải đính kèm với bản chính bằng tiếng nước ngoài.

–     Các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán như các loại hợp đồng, hồ sơ kèm theo chứng từ thanh toán, hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo quyết toán và các tài liệu liên quan khác không phải dịch ra tiếng Việt trừ trường hợp khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Thông tư 53 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2016. Các doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng tỷ giá hối đoái quy định tại Điều 1 Thông tư này cho Báo cáo tài chính năm 2015.

 

Thông tư 03/2016/TT-NHNN (“Thông tư 03”) ngày 26/02/2016 hướng dẫn một số nội dùng về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Ngày 26/02/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 03 hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp với một số điểm chú ý như sau:

  • Khoản vay trung và dài hạn nước ngoài theo hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không còn thuộc đối tượng phải đăng ký với NHNN như trước đây. Tuy nhiên, việc mở và sử dụng tài khoản và chuyển tiền trả nợ nước ngoài dưới hình thức vay này vẫn phải tuân thủ các quy định tại Thông Tư 03, và doanh nghiệp vẫn phải báo cáo định kỳ với NHNN.
  • Việc đăng ký khoản vay và báo cáo hàng quý có thể được nộp bằng bản in hoặc nộp trực tuyến, được gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho NHNN hoặc thông qua trang điện tử của NHNN www.sbv.gov.vn hoặc www.qlnh-sbv.cic.org.vn.
  • Đối với nội dung hồ sơ đăng ký khoản vay trung, dài hạn nước ngoài, ngoài các tài liệu đã yêu cầu trước đây tại Thông tư 25, Thông tư 03 có thêm một số yêu cầu mới. Ví dụ như đối với khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn trên 1 năm, bên vay phải nộp thêm báo cáo giải trình về việc sử dụng khoản vay ngắn hạn ban đầu đáp ứng quy định về điều kiện vay nước ngoài ngắn hạn (kèm theo các tài liệu chứng minh) và phương án trả nợ khoản vay gia hạn.
  • Trong trường hợp việc rút vốn, trả nợ thực tế thay đổi trong phạm vi 10 ngày so với kế hoạch đã đăng ký với NHNN thì bên đi vay chỉ phải thông báo bằng văn bản cho ngân hàng cung cấp dịch vụ và không phải đăng ký thay đổi với NHNN. Tuy nhiên, kế hoạch thực tế thay đổi trên 10 ngày vẫn phải đăng ký với NHNN.
  • Quy định cụ thể chế độ báo cáo thống kê về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Thông tư 03 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2016, thay thế Thông tư số 09/2004/TT-NHNN và Thông tư số 25/2014/TT-NHNN.

Công văn số 1166/TCT-TNC ngày 21/03/2016 hướng dẫn về thuê thu nhập cá nhân (TNCN) đối với tiền công tác phí, tiền điện thoại.

Tại tiết đ.4 Điểm 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn về các Khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm:

“đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Tại tiết 2.9 Điểm 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về các Khoản chi không được tính vào chi phí của doanh nghiệp bao gồm:

2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ Khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.”.

Tại tiết 2.6 Điểm 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về các Khoản chi không được tính vào chi phí của doanh nghiệp bao gồm:

2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. b) Các Khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty….”

Căn cứ các hướng dẫn nêu trên thì:

– Về khoản tiền công tác phí: Trường hợp các khoản thanh toán tiền công tác phí như tiền vé máy bay, tiền lưu trú, tiền taxi và tiền ăn của các cá nhân đi công tác được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thì các khoản thanh toán tiền công tác phí này là khoản thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

– Về khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân: Trường hợp khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân nếu được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân là thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN. Trường hợp đơn vị chi tiền điện thoại cho người lao động cao hơn mức khoán chi quy định thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.