Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 07/2021

Bản tin thuế

Quan lý thuế

Xác định các bên có quan hệ liên kết

Ngày 20/7/2021, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 2687/TCT-TTKT quy định các bên có quan hệ liên kết. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp doanh nghiệp đi vay phát sinh khoản vốn vay chiếm ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị cá khoản nợ trung và dài hạn thì doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

 

Nộp chậm hồ sơ khai thuế do thực hiện giãn cách xã hội không bị xử phạt vi phạm hành chính

Ngày 29/7/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 29592/CTHN-KK về việc nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian thực hiện chỉ thị 17/CT-UBND. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp người nộp thuế là tổ chức, cá nhân có trụ sở doanh nghiệp, địa chỉ (thường trú, tạm trú) nằm trong vùng bị cách ly, khu vực cách ly theo quyết định, thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do dịch bệnh COVID19 nếu phát sinh nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế nhưng trong thời gian cách ly (bao gồm cả thời gian cách ly xã hội theo văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng chính phủ cách ly theo vùng, khu vực theo quyết định của cơ quan chính quyền địa phương, cách ly theo quyết định thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) không thể thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo đúng quy định pháp luật dẫn đến nộp chậm hồ sơ khai thuế thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Nội dung Công văn số 29592/CTHN-KK nêu trên cũng tương tự như Công văn số 6770/CTTPHCM-KK ngày 19/7/2021 của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn

Ngày 26/7/2021, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 2768/TCT-PC gửi Cục thuế tỉnh Hà Nam về việc xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn. Nội dung cụ thể như sau:

– Về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế

Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của cùng một sắc thuế (thuộc nhóm hành vi vi phạm về thủ tục thuế) có hạn nộp trước và sau ngày 05/12/2020 thì cơ quan thuế áp dụng nguyên tắc tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP để xử phạt về 01 hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện với tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần (Cơ quan thuế căn cứ quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP xác định mức phạt tiền tương ứng với hành vi vi phạm từng thời kỳ để xác định hành vi có mức phạt tiền cao nhất).

Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế cùng một sắc thuế (thuộc trường hợp bị xử phạt về hành vi trốn thuế có hạn nộp trước và sau ngày 05/12/2020 thì cơ quan thuế xử phạt về từng hành vi trốn thuế theo quy định. Hành vi trốn thuế thực hiện sau sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần.

– Về hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm

Trường hợp người nộp thuế thực hiện hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo Điều l6 (khai sai dẫn đến thiếu thuế), Điều 17 (trốn thuế) Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì không bị xử phạt theo Điều 28 (hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn) Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Trường hợp người nộp thuế lập hóa đơn không đúng thời điểm thuộc hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn (Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP) và hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì người nộp thuế bị xử phạt về từng hành vi vi phạm theo quy định.

 

Không phải lập hóa đơn khi mượn nguyên vật liệu, hàng hóa nếu có đủ chứng từ

Ngày 26/5/2021, Cục thuế tỉnh Long An ban hành Công văn số 1604/CT-TTHT về việc lập hóa đơn khi mượn nguyên vật liệu, hàng hóa. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty mượn nguyên vật liệu, hàng hóa của công ty khác để phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh, sau đó hoàn trả lại nguyên vật liệu, hàng hóa: Nếu công ty có hợp đồng, chứng từ liên quan đến việc mượn, hoàn trả nguyên vật liệu, hàng hóa thì không phải lập hóa đơn theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC. Trường hợp cho mượn, hoàn trả nguyên vật liệu, hàng hóa không đủ hồ sơ thủ tục thì các bên phải lập hóa đơn theo quy định tại Khoản 7 điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC.

 

Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”)

Áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% khi cung cấp dịch vụ sửa chữa cho doanh nghiệp chế xuất nếu không có hồ sơ hải quan

Ngày 16/7/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 2022/CTBIN-TTHT về thuế suất thuế GTGT cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty là doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ sữa chữa, đóng gói cho doanh nghiệp chế xuất (DNCX). Địa điểm thực hiện dịch vụ là tại nhà xưởng Công ty thì thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ này được áp dụng như sau:

– Trường hợp Công ty nhận khung sườn, thiết bị, hàng lỗi hòng,… từ DNCX về nhà xưởng của Công ty để thực hiện dịch vụ sửa chữa, đóng gói, nếu có đầy đủ hồ sơ hải quan nhằm xác định hàng hóa được đưa ra và nhận lại từ DNCX (xác nhận được dịch vụ cung cấp cho DNCX) thì dịch vụ này được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% khi đáp ứng đủ các điều kiện áp dụng thuế suất 0% theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 9, Thông tư số 219/2013/TT-BTC.

Trường hợp Công ty nhận khung sườn, thiết bị, hàng lỗi hòng,… từ DNCX về nhà xưởng của Công ty để thực hiện dịch vụ sửa chữa, đóng gói, nếu không có hồ sơ hải quan nhằm xác định hàng hóa được đưa ra và nhận lại từ DNCX (không xác định được dịch vụ cung cấp cho DNCX) hoặc không đáp ứng điều kiện áp dụng thuế suất 0% thì dịch vụ này áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% theo quy định.

 

Thay đổi nội dung đã thông báo phát hành hóa đơn

Ngày 04/6/2021, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 1950/TCT-CS về báo cáo hóa đơn điện tử. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp áp dụng hóa đơn điện tử có sự thay đổi về nội dung đã thông báo phát hành như tên và mã số thuế (nếu có) của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử thì tổ chức kinh doanh phải thực hiện thông báo phát hành hóa đơn mới theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính.

 

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)

Ưu đãi thuế TNDN khi sáp nhập doanh nghiệp

Ngày 02/7/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 1911/CTBNI-TTHT về ưu đãi thuế TNDN khi sáp nhập doanh nghiệp. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp cả Công ty A (Công ty bị sáp nhập) sáp nhập và Công ty B (Công ty nhận sáp nhập) đều thực hiện dự án đầu tư tại Khu công nghiệp thuộc địa bàn được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì việc thay đổi giấy chứng nhận đầu tư khi sáp nhập không làm thay đổi việc đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế của các dự án. Công ty nhận sáp nhập được kế thừa ưu đãi thuế TNDN của dự án đầu tư do Công ty bị sáp nhập trước khi bị sáp nhập cho thời gian còn lại, đồng thời tiếp tục hưởng ưu đãi đối với dự án của Công ty nhận sáp nhập đang thực hiện cho thời gian còn lại.

 

Chi phí được trừ, thuế TNCN đối với các chi phí phát sinh liên quan đến dịch Covid-19

Ngày 22/7/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 2076/CTBNI-TTHT về chi phí được trừ, thu TNCN đối với các chi phí phát sinh liên quan đến dịch Covid – 19. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty thực hiện yêu cầu chống dịch của UBND tỉnh để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn. Trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, Công ty phải chi trả các khoản chi phí như: Chi phí bố trí chỗ ăn, ở cho người lao động làm việc tại Công ty; Chi phí xét nghiệm cho người lao động khi vào làm việc, định kỳ và trước khi người lao động trở về địa phương… cho người lao động phải ở lại Công ty thì việc xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và việc xác định thu nhập chịu thuế TNCN như sau:

– Về chi phí được trừ khi tính thuế TNDN: Các khoản chi nêu trên nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ thanh toán không bằng tiền mặt thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

– Về thu nhập chịu thuế TNCN: Nếu khoản chi không ghi rõ tên cá nhân được hưởng mà ghi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

 

Hải quan

Không kiểm tra bảo quản hàng hóa trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp

Ngày 22/7/2021, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 3695/TCHQ-GSQL về việc kiểm tra bảo quản hàng hóa trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Nội dung cụ thể như sau:

Tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hóa theo quy định tại điểm b.1.1 khoản 5 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC cho đến khi Tổng cục Hải quan có thông báo mới.

Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai lần đầu tạm thời không tiến hành kiểm tra địa điểm bảo quản hàng hóa theo quy định tại điểm b.1.3 khoản 5 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các hình ảnh trực tuyến thông qua các thiết bị ghi hình về địa điểm bảo quản hàng hóa để giải quyết thủ tục.

 

Lao động

Trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc do ảnh hưởng của dịch

Ngày 15/7/2021, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương đã ban hành Công văn số 264/QHLĐTL-TL về việc trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Nội dung cụ thể như sau:

 

Trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 99 của Bộ luật Lao động, cụ thể:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

 

Bảo hiểm, kinh phí công đoàn

Thông tư sửa đổi, bổ sung các quy định về Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Ngày 07/7/2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thông tư có một số nội dung nổi bật như sau:

– Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà đồng thời là người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng… thì tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng NLĐ làm việc theo hợp đồng.

– Bổ sung quy định về tiền lương tháng làm căn cứ tính mức hưởng chế độ ốm đau:

Người lao động thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

– Bổ sung quy định về trường hợp được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con trong trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản

Trường hợp người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản này thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Việc xác định thời gian 12 tháng trước khi sinh con đối với người lao động nam, người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH.

– Sửa đổi quy định về cách tính mức hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày

Tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề. Trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng được tính theo công thức dưới đây nhưng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng:

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày của những ngày lẻ không trọn

tháng = (Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày) x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2021.

 

Hồ sơ, thủ tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19

Ngày 07/7/2021, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Quyết định có nội dung nổi bất như sau:

Quyết định này quy định cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục để người lao động và người sử dụng lao động nhận hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 gồm:

  • Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất;
  • Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình hộ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động;
  • Hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương;
  • Hỗ trợ lao động ngừng việc;
  • Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch;
  • Hỗ trợ hộ kinh doanh;
  • Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
  • Hỗ trợ lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các thủ tục để nhận hỗ trợ đều được đơn giản hoá và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ. Chậm nhất sau 07-10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, hồ sơ, thủ tục nhận hỗ trợ đối với lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương:

Hồ sơ:

  • Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
  • Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
  • Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 14 Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 07/7/2021.

 

Khác

Người lao động được giảm mức đóng Quỹ phòng chống thiên tai

Ngày 01/08/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2021 và thay thế cho Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai. Theo đó, Nghị định số 78/2021/NĐ-CP có một số thay đổi nổi bật như sau:

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đóng một phần hai của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động. Người lao động giao kết nhiều hợp đồng với nhiều doanh nghiệp chỉ phải đóng 01 lần theo 01 hợp đồng lao động có thời gian dài nhất. Mức đóng theo Nghị định 94/2014 trước đây là 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp.

Người lao động khác đóng góp 10.000 đồng/người/năm. Mức đóng theo Nghị định 94/2014 trước đây là 15.000 đồng/người/năm.