Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 05/2020

Bản tin thuế

Quản lý thuế

Hướng dẫn triển khai một số nội dung của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế

Ngày 20/5/2020, Bộ Tài chính (“BTC”) ban hành Công văn số 5977/BTC-TCT về việc triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP.

– Gia hạn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”):

Số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 được gia hạn không bao gồm số thuế TNDN tạm nộp theo quý quy định hiện hành. Theo đó, số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 tối đa bằng 20% tổng số thuế phải nộp cả năm theo quyết toán.

Trường hợp doanh nghiệp có kỳ tính thuế TNDN theo năm tài chính không trùng năm dương lịch thì thời hạn nộp thuế được gia hạn xác định phù hợp với kỳ tính thuế TNDN của doanh nghiệp.

Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2019 theo quy định của Luật Quản lý thuế làm tăng số thuế TNDN phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn xác định theo nguyên tắc trên, trong đó số thuế phải nộp cả năm theo quyết toán căn cứ vào hồ sơ khai bổ sung.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra quyết toán thuế TNDN năm 2019 và ban hành kết luận trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn nộp thuế thì tổng số thuế được gia hạn (theo hồ sơ quyết toán doanh nghiệp tự khai và phần tăng thêm qua thanh tra kiểm tra) được xác định theo nguyên tắc trên, trong đó số thuế phải nộp cả năm theo quyết toán căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra. Thời gian gia hạn là 05 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN của kỳ tính thuế năm 2019.

– Gia hạn nộp thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”)

Doanh nghiệp, tổ chức là đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất được gia hạn số thuế GTGT phải nộp bao gồm số thuế GTGT tại trụ sở chính và số thuế GTGT phải nộp tại địa phương nơi có hoạt động kinh doanh xây dựng vãng lai ngoại tỉnh, xây dựng công trình liên tỉnh.

Kho bạc nhà nước chưa thực hiện khấu trừ thuế GTGT (trong thời gian gia hạn) trên số tiền thanh toán khối lượng các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các khoản thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế GTGT đối với trường hợp nhà thầu thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT.

 

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)

Giảm 30% thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) phải nộp của năm 2020

Ngày 19/06/2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết giảm 30% thuế Thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng.

Nghị quyết có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Chi tiết các hướng dẫn áp dụng sẽ được ban hành tại các Văn bản sau khi Nghị quyết có hiệu lực.

Chi phí lương của người lao động nước ngoài chỉ có thư bổ nhiệm, không được tính là chi phí được trừ

Ngày 07/05/2020, BTC gửi Bộ Kế hoạch đầu tư Công văn số 5476/BTC-CST để trả lời kiến nghị của Doanh nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2019. Công văn có nội dung đáng chú ý sau:

BTC không đồng ý về kiến nghị sửa đổi các quy định về Thuế TNDN bổ sung thư bổ nhiệm lao động nước ngoài là một tài liệu chứng minh để tính vào chi phí hợp lý hợp lệ cho mục đích tính Thuế TNDN. Nội dung này thống nhất với Công văn số 5200 ngày 12/12/2019 của Tổng cục thuế gửi Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu EuroCham.

 

Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”)

Tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế Thu nhập cá nhân

Ngày 02/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế Thu nhập cá nhân.

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 như sau:

–  Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

– Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 được xác định lại số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Nghị quyết này khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.

 

Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”)

Thuế GTGT áp dụng đối với dịch vụ cung cấp cho khách hàng của đối tác nước ngoài

Ngày 12/5/2020, Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 34316/CT-TTHT về việc thuế GTGT dịch vụ cung cấp cho khách hàng của đối tác nước ngoài. Theo đó:

Trường hợp Công ty ký hợp đồng với tổ chức ở nước ngoài cung cấp dịch vụ sửa chữa cho khách hàng của tổ chức nước ngoài là doanh nghiệp nội địa Việt Nam, doanh nghiệp chế xuất (bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp chế xuất không nằm trong khu chế xuất) thì thuế suất thuế GTGT được xác định theo nguyên tắc sau:

Trường hợp dịch vụ cung cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam thì thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.

Trường hợp dịch vụ cung cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan thì được xác định là dịch vụ xuất khẩu và áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu thỏa mãn điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC. Khu phi thuế quan được xác định theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Thông tư  số 219/2013/TT-BTC.

Thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ sửa chữa khuôn cho doanh nghiệp chế xuất (“DNCX”)

Ngày 20/5/2020, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 1286/CT-TTHT về thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ sửa chữa khuôn cho doanh nghiệp chế xuất. Theo đó:

Trường hợp Công ty thực hiện sản xuất trên cơ sở sử dụng khuôn do DNCX cung cấp. Quá trình sử dụng khuôn để sản xuất hàng hóa cho DNCX, phát sinh hư hỏng phải sửa chữa, thì dịch vụ sửa chữa khuôn do Công ty thực hiện cho DNCX nếu đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% (do khuôn được dùng trong quá trình tham gia sản xuất hàng hóa cho DNCX).

 

Thuế Nhà thầu nước ngoài (“FCT”)

Thuế nhà thầu đối với dịch vụ cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam

Ngày 18/5/2020, Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 37026/CT-TTHT về nhà thầu đối với dịch vụ cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.  Theo đó:

Trường hợp Công ty ký hợp đồng với tổ chức tại nước ngoài (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) để thực hiện các dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng tại nước ngoài hoăc thực hiện các dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế từ nước ngoài về Việt Nam thì không thuộc đối tượng phải tính thuế nhà thầu theo quy định tại Điều 2, Điều 12 và Điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC.

 

Giá giao dịch liên kết

Ngày 02/06/2020, BTC công bố dự thảo Nghị định về giá giao dịch liên kết để lấy ý kiến từ phía doanh nghiệp. Dự thảo có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Chấp nhận sử dụng cơ sở dữ liệu thương mại để thực hiện phân tích nghiên cứu so sánh

– Cơ sở dữ liệu thương mại được xem như là một nguồn cơ sở dữ liệu được xác minh và tin cậy cho mục đích thực hiện phân tích so sánh điểm chuẩn đối với cả người nộp thuế và cơ quan thuế.

– Với việc chấp nhận cơ sở dữ liệu thương mại trong phân tích nghiên cứu so sánh, dự thảo Nghị định cũng nhằm mục đích hạn chế việc sử dụng cơ sở dữ liệu nội bộ (tức là dữ liệu so sánh mật) khi cơ quan thuế soát xét và đánh giá bản chất giao dịch độc lập của các giao dịch liên kết của người nộp thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế vẫn có quyền sử dụng cơ sở dữ liệu nội bộ để ấn định và thực hiện các điều chỉnh về giá giao dịch liên kết nếu người nộp thuế không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tuân thủ có liên quan.

Nâng và áp dụng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay

Ngưỡng khống chế chi phí lãi vay được nâng từ 20% lên 30% của tổng lợi nhuận thuần cộng chi phí lãi vay và khấu hao (EBITDA). Ngưỡng khống chế chi phí lãi vay áp dụng đối với chi phí lãi vay thuần (tức là được phép bù trừ doanh thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay với chi phí lãi vay khi so sánh với ngưỡng khống chế).

Chi phí lãi vay vượt ngưỡng khống chế không được khấu trừ có thể được chuyển tiếp sang những năm tính thuế tiếp theo, và được khấu trừ nếu tỷ suất tổng chi phí lãi vay thuần/EBITDA của những năm tiếp theo đó thấp hơn 30%. Thời hạn chuyển tiếp tối đa là năm (05) năm.

Một số khoản vay tài chính không thuộc đối tượng áp dụng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay bao gồm các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ, các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước.

Dự thảo Nghị định không quy định có hay không áp dụng hồi tố với mức không chế chi phí lãi vay các năm từ khi Nghị định số 20/2017 có hiệu lực đến khi Nghị định này có hiệu lực.

Thay đổi khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn

Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn được đề xuất tăng lên khoảng 10% so với Nghị định 20 (Tập hợp các giá trị từ bách phân vị thứ 35 đến bách phân vị thứ 75 so  với Nghị định 20 là từ tứ phân vị thứ nhất đến tứ phân vị thứ ba).

 

Giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Ngày 29/05/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, một số nội dung cần chú ý như sau:

– Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước;

– Gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp; cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam;

– Cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Lao động, tiền lương, bảo hiểm, kinh phí công đoàn

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Ngày 27/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2020/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Doanh nghiệp trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được đề xuất áp dụng mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức đóng bằng 0,3% (mức đóng bình thường là 0,5%) quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu bảo đảm các điều kiện sau đây:

– Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội;

– Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất;

– Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.

Thời hạn thực hiện mức đóng thấp hơn là 36 tháng, kể từ tháng quyết định áp dụng mức đóng có hiệu lực. Trong vòng 60 ngày trước ngày hết thời hạn áp dụng mức đóng thấp hơn, nếu người sử dụng lao động vẫn có nhu cầu tiếp tục mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động thì lập 01 bộ hồ sơ theo quy định để gia hạn.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2020.

 

Đầu tư

Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

Ngày 28/5/2020, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 1338/CT-TTHT về việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Theo đó:

Trường hợp Công ty có phát sinh lợi nhuận từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì Công ty được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài để trả cho nhà đầu tư vốn sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam (bao gồm các loại thuế phải nộp theo quy định của pháp luật Việt Nam: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, thuế TNCN …)

Trường hợp nhà đầu tư vốn là công ty TNHH một thành viên do một cá nhận hoặc một tổ chức làm chủ, khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài để trả cho nhà đầu tư, không thuộc đối tượng chịu thuế TNCN từ hoạt động đầu tư vốn.

 

Hải quan

Hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch bệnh

Ngày 27/5/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC hướng dẫn về thời hạn, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch bệnh. Cụ thể, doanh nghiệp được:

– Khai, nộp bổ sung C/O trong thời hạn hiệu lực;

– Chấp nhận C/O dùng chữ ký và con dấu điện tử, C/O scan.

Thông tư số 47/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố dịch COVID-19 (ngày 23/1/2020), áp dụng cho các tờ khai hải quan nhập khẩu đăng ký từ ngày 23/1/2020. Căn cứ diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ công bố chấm dứt hiệu lực của Thông tư này.