Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 01/2024

Bản tin thuế

Chính sách thuế

Quy định về khu công nghệ cao

Ngày 01/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao.

Cơ quan chủ trì trình thành lập, mở rộng khu công nghệ cao:

– Bộ Khoa học và Công nghệ

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trình tự, thủ tục thành lập:

  1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ theo quy định gửi cơ quan chủ trì trình thành lập, mở rộng khu công nghệ cao
  2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ thành lập, mở rộng khu công nghệ cao theo quy định, cơ quan chủ trì gửi hồ sơ và văn bản lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có liên quan;
  3. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và hồ sơ kèm theo, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản đối với nội dung thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình cho cơ quan lấy ý kiến;
  4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ văn bản ý kiến, cơ quan chủ trì trình thành lập, mở rộng khu công nghệ cao đánh giá tổng hợp hồ sơ theo các nội dung quy định tương ứng tại khoản 3 Điều này đối với thành lập, mở rộng khu công nghệ cao.
  5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng khu công nghệ cao đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu (nếu có), cơ quan chủ trì trinh thành lập, mở rộng khu công nghệ cao lập hồ sơ theo quy định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao.

Các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, phát triển khu công nghệ cao:

– Vốn đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao gồm: nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác.

– Nhà nước ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hỗ trợ tín dụng, cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật để chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong khu công nghệ cao.

– Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong khu công nghệ cao theo hình thức dự án đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xã hội hóa và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; tự nguyện ứng trước vốn phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng khu công nghệ cao.

Khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/03/2024.

 

Điều kiện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị định 11/2024/NĐ-CP

Ngày 02/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 11/2024/NĐ-CP quy định về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp

– Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gọi chung là doanh nghiệp) có thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập này.

Thời gian miễn thuế là 05 năm tính từ thời điểm mà doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian Nghị quyết số 98/2023/QH15 có hiệu lực. Sau khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 hết hiệu lực thi hành, thời gian miễn thuế theo quy định tại khoản này chưa kết thúc thì doanh nghiệp tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc thời gian miễn thuế.

Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian miễn hoặc thuộc diện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện hưởng miễn khác với quy định tại Nghị định này thì được lựa chọn hưởng miễn thuế theo điều kiện hưởng miễn thuế khác hoặc miễn thuế theo quy định tại Nghị định này cho thời gian còn lại.

– Trong thời gian Nghị quyết số 98/2023/QH15 có hiệu lực thi hành, tổ chức có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập này.

Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, quyền góp vốn quy định tại khoản này là thu nhập có được từ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cả trường hợp bán doanh nghiệp), trừ thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định.

Miễn thuế thu nhập cá nhân

– Trong thời gian Nghị quyết số 98/2023/QH15 có hiệu lực thi hành, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

 

Công ty đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh có phát sinh lãi tiền gửi ngân hàng thì được bù trừ với lãi tiền vay nếu các khoản thu lãi tiền gửi và chi trả lãi tiền vay này đủ điều kiện vốn hóa

Ngày 23/01/2024, Cục thuế Tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Công văn số 169/CTVPH-TTHT hướng dẫn khoản thu lãi tiền gửi trong giai đoạn đầu tư như sau: Trường hợp dự án đầu tư mới của Công ty đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty có phát sinh khoản thu lãi tiền gửi ngân hàng thì được bù trừ giữa khoản thu lãi tiền gửi và khoản chi trả lãi tiền vay (nếu có) nếu các khoản thu lãi tiền gửi và chi trả lãi tiền vay này đủ điều kiện vốn hóa theo quy định của pháp luật về kế toán. Trường hợp khoản thu lãi tiền gửi phát sinh cao hơn khoản chi lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại Công ty ghi giảm giá trị đầu tư và không được tính vào thu nhập của hoạt động.

 

Không tính tiền chậm nộp thuế đối với hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán

Ngày 22/01/2024, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 269/TCT-QLN về việc không tính tiền chậm nộp như sau: Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán thì không bị tính tiền chậm nộp tiền thuế, số tiền nợ thuế không tính tiền chậm nộp tại từng thời điểm không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán. Thời gian không tính tiền chậm nộp tính từ ngày đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải thanh toán cho người nộp thuế nhưng chưa thanh toán đến ngày đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán cho người nộp thuế.

 

Thuế giá trị gia tăng (Thuế “GTGT”)

Đến hạn thanh toán của hợp đồng, phụ lục hợp đồng xuất khẩu mà không cung cấp được chứng từ thanh toán sẽ thu hồi tiền thuế đã hoàn

Ngày 19/01/2024, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 257/TCT-CS về chính sách thuế như sau: Trường hợp đến hạn thanh toán của hợp đồng, phụ lục hợp đồng xuất khẩu của Công ty mà Công ty không cung cấp được chứng từ đã thanh toán là không đảm bảo điều kiện về khấu trừ, hoàn thuế GTGT. Cục Thuế thực hiện thu hồi số tiền thuế đã hoàn và xử lý theo đúng quy định của Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế.

 

Chính sách thuế GTGT khi sáp nhập doanh nghiệp

Ngày 22/01/2024, Cục thuế Hà Nội ban hành Công văn số 4267/CTHN-TTHT về chính sách thuế GTGT khi sáp nhập doanh nghiệp như sau:

Công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Sau khi công ty nhận sáp nhập đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập theo quy định tại Điều 201 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14.

Trường hợp Công ty nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết thì được hoàn thuế giá trị gia tăng khi thực hiện sáp nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC.

 

Xuất hóa đơn khi tiêu dùng nội bộ

Ngày 08/01/2024, Cục Thuế Tỉnh Bình Dương ban hành Công văn số 207/CTBDU-TTHT hướng dẫn về việc xuất hóa đơn tiêu dùng nội bộ như sau: Trường hợp Công ty mua hàng hóa để phục vụ cho hoạt động tiêu dùng nội bộ thì thực hiện lập hoá đơn theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Trường hợp hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất của Công ty thì không lập hoá đơn.

 

Thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế “TNDN”)

Hành vi không nộp, nộp thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thiếu thuế

Ngày 17/01/2024, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 230/TCT-KK về việc tiền chậm nộp thuế TNDN như sau:

Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại khai quyết toán theo năm, tạm nộp thuế theo quý. Theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, người nộp thuế không có nghĩa vụ khai, nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý. Người nộp thuế phải tự xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý. Số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp khai trên tờ khai quyết toán thuế năm là số tiền thuế thực nộp của người nộp thuế; hành vi không nộp, nộp thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thiếu thuế quy định tại Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.

 

Các khoản truy thu thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (không bị xử phạt về gian lận, trốn thuế) là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Ngày 20/12/2203, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 5824/TCT-CS hướng dẫn cách xác định chi phí được trừ thuế TNDN như sau: Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, các khoản truy thu thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường từ ngày 17/8/2018 2018 đến ngày 15/8/2023 của Công ty cổ phần Mỹ Lan theo Quyết định ấn định của cơ quan hải quan (không bị xử phạt về gian lận, trốn thuế) không thuộc các khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

 

Công ty thành lập trước năm 2014 nhưng chưa đi vào hoạt động, ngày 01/01/2014 có giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP

Ngày 10/01/2024, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 116/TCT-CS hướng dẫn về chính sách thuế TNDN như sau: Trường hợp Công ty thành lập ngày 28/12/2007 để thực hiện dự án đầu tư nhà máy Thép. Theo đó, dự án đầu tư nhà máy thép được cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 01/01/2014 nhưng đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, chưa phát sinh doanh thu và được cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh từ ngày 01/01/2014 thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Thời gian áp dụng ưu đãi về thuế TNDN đối với dự án đầu tư này được xác định kể từ khi dự án nhà máy thép có doanh thu theo quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành.

Đối với khoản thu nhập từ hoạt động cho thuê kho bãi phát sinh năm 2013 và hoạt động kinh doanh sản phẩm thép, kinh doanh nguyên nhiêu liệu phát sinh năm 2014 là hoạt động kinh doanh thương mại không gắn với hoạt động đầu tư của dự án đầu tư của Nhà máy thép thì Công ty không được hưởng ưu đãi về thuế TNDN đối với khoản thu nhập từ hoạt động cho thuê kho bãi và hoạt động kinh doanh sản phẩm thép, kinh doanh nguyên nhiên liệu này.

 

Hải quan

Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan

Ngày 29/01/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 06/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Theo đó, điều chỉnh hạng 7, 8, 9 Điều 14. Phân loại mức độ rủi ro của người khai hải quan như sau:

– Hạng 7: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và chưa từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan và lĩnh vực khác do cơ quan hải quan xử phạt (thay vì “không vi phạm” như hiện hành).

– Hạng 8: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan hải và lĩnh vực khác do cơ quan quan xử phạt, trừ các hành vi quy định đối với Hạng 9 (thay vì “bị xử lý vi phạm trừ các hành vi quy định đối với Hạng 9 tại Điều này” như hiện hành).

– Hạng 9: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý vi phạm thuộc một trong các hành vi quy định tại Mục I, Mục II Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BTC (thay vì “người khai hải quan có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa” như hiện hành).

Điều chỉnh Mức 2, 3, 4 Điều 10. Phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan như sau:

Mức 2: Doanh nghiệp tuân thủ mức rất cao. (thay vì “tuân thủ cao” như hiện hành)

Mức 3: Doanh nghiệp tuân thủ mức cao. (thay vì “tuân thủ trung bình” như hiện hành)

Mức 4: Doanh nghiệp tuân thủ mức trung bình. (thay vì “tuân thủ thấp” như hiện hành)

Bổ sung Điều 15. Tiêu chí phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan, cụ thể như sau:

Mức độ rủi ro người khai hải quan từ Hạng 2 đến Hạng 6 được phân loại theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và quy định sau:

  1. Chứng chỉ phù hợp Tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001.
  2. Kết quả kiểm tra của cơ quan Hải quan đối với các thông tin liên quan đến điều kiện thành lập, công nhận doanh nghiệp cảng, kho, bãi; kết quả kiểm tra của cơ quan Hải quan đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong trong việc thực hiện quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.
  3. Tần suất, tính chất, mức độ vi phạm và việc chấp hành pháp luật về quản lý thuế; tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
  4. Dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm pháp luật quản lý thuế và pháp luật thuế.
  5. Hợp tác với cơ quan hải quan trong việc cung cấp thông tin doanh nghiệp.

Thông tư 06/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/03/2024. Nội dung quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 1 Thông tư 06/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/7/2025.

 

Bảo hiểm

Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH từ ngày 01/01/2024

Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 20/2023/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

– Đối tượng điều chỉnh tiền lương:

+ Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 trở đi, hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/12/2024.

+ Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/12/2024.

– Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm:

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024.

– Điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội x của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng

 

Năm Trước 1995 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004
Mức điều chỉnh 5,43 4,61 4,36 4,22 3,92 3,75 3,82 3,83 3,68 3,57 3,31
Năm 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015
Mức điều chỉnh 3,06 2,85 2,63 2,14 2,0 1,83 1,54 1,41 1,33 1,27 1,27
Năm 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024    
Mức điều chỉnh 1,23 1,19 1,15 1,12 1,08 1,07 1,03 1,0 1,0    

 

Điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội:

Thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm x Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng

 

Năm 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016
Mức điều chỉnh 2,14 2,0 1,83 1,54 1,41 1,33 1,27 1,27 1,23
Năm 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024  
Mức điều chỉnh 1,19 1,15 1,12 1,08 1,07 1,03 1,0 1,0  

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024; các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.