Hỏi đáp

Thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam

Công ty mới thành lập cần đăng ký những thủ tục gì?

Công ty thành lập mới, sau khi nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ sẽ được Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế tự động cấp mã số doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện các nghĩa vụ thuế, các thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác. Sau khi được cấp mã số doanh nghiệp, hệ thống sẽ phân công cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp.
Sau khi có mã số thuế, Công ty phải nộp các tài liệu bên dưới đây cho cơ quan quản lý nhà nước:

– Thông báo đến cơ quan thuế về phương pháp khấu hao tài sản cố định và có thể bao gồm các thông tin về chế độ kế toán áp dụng (nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn áp dụng chế độ kế toán quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC), năm tài chính (nếu Công ty áp dụng năm tài chính khác năm dương lịch), đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán (nếu như Công ty áp dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ kế toán).

– Đồng thời, Công ty cần mở tài khoản ngân hàng sử dụng và mua chữ ký số.

Công ty cũng cần phải nộp thuế môn bài trước ngày 30 tháng 1 của năm tiếp theo năm thành lập .

Tôi có thể thành lập công ty với 100% vốn nước ngoài được không?

Bạn có thể. Tuy nhiên, trong một số ngành nghề nhất định, bạn không được phép đầu tư toàn bộ phần vốn hoặc đầu tư có điều kiện theo các quy định hiện hành về đầu tư và biểu cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.

Người nước ngoài có thể làm Tổng Giám đốc (tương đương với Chủ tịch Tập đoàn hoặc Chủ tịch Công ty) một công ty ở Việt Nam được không?

Bạn có thể. Quốc tịch Việt Nam không phải là điều kiện bắt buộc để trở thành Tổng Giám đốc tại Việt Nam.

Đâu là loại hình doanh nghiệp tốt hơn? Công ty liên doanh hay Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI)?

FDI (Công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài):
Ưu điểm:
– Linh hoạt hơn trong việc hoạch định chiến lược và chính sách riêng của Công ty.
– Quá trình ra quyết định nhanh chóng hơn.
Nhược điểm:
– FDI không được phép đầu tư ở một số lĩnh vực nhất định.
– Không tận dụng nhiều sự kết nối/mối quan hệ ở thời điểm ban đầu.
Liên doanh với Công ty Việt Nam
Ưu điểm:
– Có thể tận dụng các mối quan hệ/kết nối sẵn có.
– Am hiểu môi trường kinh doanh địa phương.
Nhược điểm:
– Mất thời gian trong việc hài hòa quan điểm với Công ty Việt Nam.
– Sự khác biệt trong ý thức tuân thủ và thực hành kinh doanh.

Đâu là hình thức kinh doanh tốt hơn? Thành lập một văn phòng đại diện hay thành lập một công ty tại Việt Nam?

Văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài không được phép thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, cũng như hoạt động của văn phòng đại diện chỉ hạn chế trong việc tìm hiểu thị trường cũng như các hoạt động không mang tính chất giao dịch kinh doanh khác. Trong trường hợp bạn chưa thu thập đầy đủ thông tin để ra quyết định đầu tư vào Việt Nam, văn phòng đại diện là một lựa chọn thích hợp. Nói chung, chi phí thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện thấp hơn nhiều so với chi phí thành lập và hoạt động công ty. Ngược lại, thành lập công ty ở Việt Nam dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn là hình thức tốt hơn để đầu tư cho nhà đầu tư có ý định sản xuất sản phẩm tại Việt Nam hoặc tiến hành hoạt động kinh doanh. Chỉ cần bạn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam, thành lập công ty sẽ mang đến cho bạn nhiều sự linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, chi phí hoạt động sẽ cao hơn.

Nếu xét trên khía cạnh chi phí đóng cửa thì hình thức nào tốt hơn, văn phòng đại diện hay thành lập công ty tại Việt Nam?

Thông thường sẽ mất tầm 3 đến 6 tháng để đóng cửa văn phòng đại diện tính từ thời điểm nộp hồ sơ xin đóng cửa cho đến khi hoàn tất. Quá trình mất nhiều thời gian nhất là thủ tục đóng mã số thuế mà bạn cần làm việc trực tiếp với cơ quan thuế cho đến khi họ chấp thuận việc đóng mã số thuế này. Cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra các tờ khai/ báo cáo thuế bạn đã nộp trong suốt thời gian hoạt động. Trường hợp đóng cửa công ty thành lập tại Việt Nam, bạn có hai sự lựa chọn: bán hoặc đóng cửa. Bán có nghĩa là bạn sẽ chuyển giao phần vốn góp cho một hoặc nhiều bên khác. Sau khi người bán và người mua thống nhất việc chuyển nhượng vốn, cần phải thay đổi thông tin nhà đầu tư trên các giấy phép kinh doanh, người bán phải nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần vốn chuyển nhượng ngay cả khi không có lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn. Đóng cửa nghĩa là chấm dứt hoạt động của công ty. Thông thường sẽ mất thời gian từ 6 tháng trở lên để thực hiện. Cũng giống như thủ tục đóng cửa văn phòng đại diện, việc quyết toán các nghĩa vụ thuế cũng như được sự chấp thuận đóng mã số thuế từ cơ quan thuế mất nhiều thời gian. Trường hợp người bán có thể tìm được người mua, các thủ tục hành chính thường nhanh hơn việc đóng cửa công ty. Ngoài ra, trên khía cạnh thời gian và chi phí hành chính, việc đóng cửa văn phòng đại diện thường được xem là ít tốn kém hơn. Các thông tin nêu trên được căn cứ vào kinh nghiệm thực tế của chúng tôi. Thời gian để thực hiện các thủ tục này có thể ngắn hơn hoặc dài hơn, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Chúng tôi có thể thành lập một công ty tại TP Hồ Chí Minh và các chi nhánh ở các tỉnh khác được không? Các yêu cầu liên quan đến việc kê khai thuế đối với trường hợp này là gì?

Bạn có thể thành lập công ty tại TP Hồ Chí Minh và các chi nhánh tại tỉnh khác. Về mặt thuế, thuế thu nhập cá nhân (PIT) và thuế giá trị gia tăng (VAT) nhìn chung sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế tại địa phương nơi công ty/chi nhánh đặt văn phòng. Do vậy, trường hợp chi nhánh khác tỉnh, thành phố thuộc trung ương với trụ sở chính thì chi nhánh sẽ kê khai và nộp thuế GTGT tại địa phương (trừ một số trường hợp được kê khai tập trung tại trụ sở chính). Thuế TNCN của trụ sở chính được kê khai tại TP Hồ Chí Minh và thuế TNCN của chi nhánh được kê khai và nộp tại địa phương đặt trụ sở của chi nhánh. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) có thể được kê khai theo 1 trong 2 phương pháp: (1) Trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh sẽ kê khai CIT bao gồm cả các chi nhánh tại các tỉnh khác (2) Trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh và các chi nhánh kê khai CIT riêng tại các địa phương nơi trụ sở chính/chi nhánh đặt văn phòng. Trường hợp chi nhánh được thành lập là cơ sở sản xuất thì phải tính phân bổ và nộp CIT tại địa phương nơi cơ sở sản xuất được thành lập.

Số lượng nhân viên địa phương tối thiểu tôi phải tuyển dụng là bao nhiêu?

Không có quy định về số lượng nhân viên địa phương tối thiểu phải tuyển dụng. Công ty hoặc văn phòng đại diện có thể hoạt động với chỉ 1 người nước ngoài.

Hiện nay việc xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài có điều kiện gì không (ví dụ như quy định về quy mô công ty)?

Không. Quy mô của công ty không ảnh hưởng đến việc xin giấy phép lao động cho người nước ngoài. Tuy nhiên, lao động người nước phải có sức khỏe tốt, không có tiền án tiền sự và có kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực mà người đó có dự định nộp đơn xin việc cũng như đáp ứng các yêu cầu khác. Có một số trường hợp được miễn trừ không phải xin giấy phép lao động, ví dụ như thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn với vốn góp từ 3 tỷ đồng trở lên.

Năm tài chính của công ty có nhất thiết phải kết thúc vào 31 tháng 12?

Không. Các công ty tại Việt Nam được phép chọn năm tài chính kết thúc vào 31 tháng 3, 30 tháng 6, 30 tháng 9 và 31 tháng 12. Nếu công ty muốn chọn năm tài chính kết thúc khác 31 tháng 12, công ty phải gửi thông báo đến cơ quan thuế. Nếu không, cơ quan thuế sẽ mặc định năm tài chính của công ty là năm tài chính kết thúc vào 31 tháng 12.

 

EPE là gì?

EPE là tên viết tắt của doanh nghiệp chế xuất (Export Processing Enterprise). Với điều kiện doanh nghiệp EPE phải xuất khẩu toàn bộ sản phẩm sản xuất hoặc bán sản phẩm cho các EPE khác, EPE được miễn thuế GTGT và thuế nhập khẩu. EPE không cần phải kê khai thuế GTGT vì được xem là nằm trong khu vực không chịu thuế GTGT.

Thuế

Hàng tháng và hàng quý thì tôi phải nộp những loại thuế nào?

Thuế GTGT

Thuế GTGT thuộc loại khai theo tháng. Nếu Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí dưới đây thì được lựa chọn khai theo quý:

  • Có tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm dương lịch trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống.
  • Đối với các Doanh nghiệp mới thành lập và bắt đầu hoạt động kinh doanh, được lựa chọn khai thuế GTGT theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng, Doanh nghiệp căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề để quyết định khai thuế theo tháng hay theo quý.

Lưu ý:

  • Việc khai thuế GTGT theo tháng hay theo quý được ổn định trọn năm dương lịch.
  • Trường hợp Doanh nghiệp đang thực hiện khai thuế theo tháng mà đủ điều kiện khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý thì gửi văn bản đề nghị thay đổi kỳ tính thuế chậm nhất là ngày 31/1 của năm bắt đầu khai thuế theo quý.
  • Trường hợp Doanh nghiệp tự phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì thực hiện khai thuế theo tháng từ tháng đầu của quý tiếp theo, không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải xác định và nộp bổ sung số thuế theo quy định.

Thuế TNCN

Thuế TNCN thuộc loại khai theo tháng.

Nếu Doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí dưới đây thì được lựa chọn khai theo quý: Thuế TNCN đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện khấu trừ thuế TNCN mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó thuộc diện khai thuế GTGT theo quý và lựa chọn khai thuế TNCN theo quý.

Thuế TNDN

Theo quy định hiện nay, bạn không phải nộp tờ khai thuế TNDN hàng quý, nhưng vẫn phải nộp thuế nếu có phát sinh nghĩa vụ thuế TNDN.

Thuế nhà thầu nước ngoài

Thông thường, công ty Việt Nam sẽ kê khai thuế nhà thầu khi thực hiện thanh toán cho nhà thầu nước ngoài. Tuy nhiên, thuế nhà thầu có thể được kê khai theo tháng trong trường hợp bên Việt Nam thanh toán cho nhà thầu nước ngoài nhiều lần trong tháng và đã đăng ký kê khai theo tháng với cơ quan thuế.

Theo quy định hiện hành, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp của nhà thầu nước ngoài quyết toán khi kết thúc hợp đồng nhà thầu; thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp hỗn hợp của nhà thầu nước ngoài quyết toán khi kết thúc hợp đồng nhà thầu; thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai của nhà thầu nước ngoài quyết toán theo năm.

Thuế suất phổ thông ở Việt Nam là bao nhiêu?

Thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT):
20%

Thuế thu nhập cá nhân (PIT):
Thuế lũy tiến từ 5-35% được áp dụng cho cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công
Thuế suất 20% được áp dụng đối với cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thuế giá trị gia tăng (VAT):
10% (mức thường được áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ khác ngoài các mục được liệt kê dưới đây)
5% (dịch vụ nước, thiết bị y tế và giáo dục, v.v)
0% (xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ, bán hàng và cung cấp các dịch vụ cho DNCX, dịch vụ vận tải quốc tế v.v)
Miễn thuế: (Quyền sử dụng đất, dịch vụ tài chính, sản xuất phần mềm máy tính, giáo dục và đào tạo, v.v)

Thời hạn kê khai các loại thuế tháng/quý?

Thời hạn khai thuế phải nộp hàng tháng là ngày 20 của tháng sau. Ví dụ, nếu bạn kê khai thuế giá trị gia tăng của tháng 7, thời hạn nộp là sẽ là ngày 20 tháng 8. Thời hạn khai thuế phải nộp hàng quý là ngày 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế. Ví dụ, thời hạn nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân quý II của bạn là 30 tháng 7.

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Cho mục đích tính thuế, ai được xem là đối tượng cư trú lại Việt Nam?

Nói chung, cá nhân (không phải là công dân Việt Nam) được coi là đối tượng cư trú tại Việt Nam cho mục đích tính thuế nếu thỏa mãn một trong các tiêu chí sau đây:
– Một người đã có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam
– Một người có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú tại Việt Nam
– Một người thuê nhà tại Việt Nam để ở có hợp đồng thuê kéo dài từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế (bao gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, v.v được thuê bởi các cá nhân hoặc do người sử dụng lao động thuê)

Quốc gia của chúng tôi có ký hiệp định về thuế với Việt Nam không?

Một số nước có hiệp ước thuế về tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam như sau: Australia, Áo, Bangladesh, Belarus, Bỉ, Brunei, Bulgaria, Canada, Trung Quốc, Cuba, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hồng Kông, Hungary, Iceland, Ấn Độ, Indonesia, Ireland, Israel, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Hàn Quốc, Kuwait, Lào, Luxembourg, Malaysia, Mông Cổ, Ma-rốc, Myanmar, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Oman, Pakistan, Palestine, Philippines, Ba Lan, Qatar, Romania, Nga, Saudi Arabia, Serbia, Seychelles, Singapore, Cộng hòa Slovak, Tây Ban Nha, Sri Lanka, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thái Lan, Tunisia, Ukraine, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Vương quốc Anh, Uzbekistan và Venezuela.

Tôi là công dân của một nước không có hiệp ước về thuế với Việt Nam. Tôi đến Việt Nam vào tháng 5 năm 2021 và ở lại Việt Nam đến hết năm 2021. Tôi có cần phải nộp thuế cho cả phần lương tại đất nước tôi cho thời điểm trước khi đến Việt Nam (tháng 1 năm 2021 đến ngày đến Việt Nam) khi nộp thuế TNCN tại Việt Nam?

Bạn cần phải nộp thuế TNCN cho các khoản thu nhập trên cơ sở thu nhập toàn cầu từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021. Vì vậy, bạn cần phải nộp thuế cho phần thu nhập có được ở đất nước bạn trước khi bạn đến Việt Nam. Tuy nhiên, bạn có thể khấu trừ thuế cá nhân trả cho thu nhập ở nước ngoài với giới hạn nhất định. Nếu bạn được yêu cầu phải trả phí bảo hiểm bắt buộc theo yêu cầu của nước nơi bạn mang quốc tịch hoặc làm việc tương tự như ở Việt Nam, chẳng hạn như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bạn có thể khấu trừ các khoản này khỏi thu nhập chịu thuế.

Tôi là một công dân của một quốc gia đã ký hiệp ước thuế với Việt Nam. Sự khác biệt chính trong việc xử lý thuế được mô tả trong câu hỏi trên là gì?

Nếu bạn là một công dân của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết một thỏa thuận về việc tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam, bạn được tính thuế thu nhập cá nhân từ tháng mà bạn đến Việt Nam (nếu bạn đến Việt Nam lần đầu tiên) đến tháng mà hợp đồng lao động hết hạn và bạn rời khỏi Việt Nam. Vì vậy, bạn không cần phải trả khoản thuế cho khoản thu nhập nhận tại nước ngoài trước khi đến Việt Nam.

Công ty chi trả chi phí đi lại, tiền nhà và trả tiền học phí. Những khoản này sẽ được tính thuế như thế nào?

Chi phí đi lại cho những người nước ngoài đến Việt Nam (không bao gồm chi phí về nước) là không chịu thuế. Tiền thuê nhà Công ty trả thay cho người lao động được tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế, nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà). Nếu học phí được trả trực tiếp bởi người sử dụng lao động và đáp ứng các yêu cầu nhất định, học phí cho con của người lao động nước ngoài tại Việt Nam không phải chịu thuế. Xin lưu ý rằng nếu tiền thuê nhà hay học phí được trả bởi người lao động và được hoàn trả bởi Công ty, chi phí này được coi là thu nhập chịu thuế của người lao động.

Tôi được trả lương bởi công ty mẹ và công ty con tại Việt Nam cho công việc tại Việt Nam. Đối với khoản lương tại Việt Nam, công ty khấu trừ tiền thuế TNCN của tôi trước khi thanh toán. Tôi phải sử dụng mẫu biểu nào để kê khai thuế cho khoản thu nhập nhận được ở nước ngoài?

Bạn cần kê khai theo Mẫu 02/KK-TNCN cho tiền lương nhận được ở nước ngoài và nộp thuế hàng quý (Xin lưu ý rằng, nếu Công ty mẹ trả hộ tiền lương của bạn tại nước ngoài, sau đó yêu cầu công ty con tại Việt Nam thanh toán lại khoản lương này, công ty tại Việt Nam thông thường sẽ kê khai và nộp thuế thay cho bạn bằng một mẫu biểu khác). Sau đó, tại thời điểm cuối năm, bạn cần lập Mẫu 02/QTT-TNCN để quyết toán thuế thu nhập cá nhân của mình trên cơ sở thu nhập toàn cầu. Bạn tự mình chịu trách nhiệm kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân trên cơ sở thu nhập toàn cầu.

Thuế giá trị gia tăng (VAT)

Chu kỳ kê khai thuế GTGT là bao lâu?

Thuế GTGT được kê khai theo quý hoặc theo tháng. Việc thực hiện khai thuế theo quý hay theo tháng phụ thuộc vào doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm dương lịch liền trước và được ổn định trọn năm dương lịch. Chi tiết xem tại mục “Hàng tháng và hàng quý thì tôi phải nộp những loại thuế nào?”.

Thuế GTGT đầu vào cần thỏa mãn điều kiện gì để được khấu trừ?

Điều kiện đối với thuế GTGT đầu vào được khấu trừ như sau:
– Hóa đơn GTGT hợp pháp đối với hàng hóa, dịch vụ mua trong nước hoặc chứng từ nộp thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu, chứng từ nộp thuế GTGT thay cho các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, người nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
– Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa và dịch vụ từ 20 triệu đồng trở lên (bao gồm VAT) trừ một số trường hợp cụ thể “.
– Đối với hàng hóa dịch vụ đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, chứng từ cần có: Hợp đồng, tờ khai hải quan, hóa đơn GTGT, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo theo đúng thời hạn thanh toán nêu trong Hợp đồng.

Tôi có được phép viết tắt trên hóa đơn GTGT không?

Nhìn chung, theo quy định bạn phải ghi đầy đủ thông tin trên hóa đơn GTGT. Tuy nhiên, nếu thông tin quá dài không thể viết đủ trên hóa đơn,bạn có thể viết tắt một số từ thông dụng ví dụ như thành phố (TP), quận (Q.), khu công nghiệp (KCN).

Làm sao để điều chỉnh hóa đơn điện tử sai sót đã phát hành?

TH1: Người bán lập hóa đơn điện tử có mã, chưa gửi người mua, người bán phát hiện sai sót

  • Thông báo Cơ quan thuế theo mẫu 04/SS-HĐĐT, hủy HĐĐT sai;
  • Lập HDĐT mới, ký số gửi Cơ quan thuế cấp mã;

TH2: Người bán lập HDĐT có mã hoặc không mã gửi Cơ quan thuế, đã gửi cho người mua, người bán/người mua phát hiện sai sót

  • Nếu chỉ sai sót tên, địa chỉ thì người bán thông báo cho người mua (không phải lập lại hóa đơn) và thông báo Cơ quan thuế theo mẫu 04/SS-HĐĐT (trừ TH HDĐT không có mã chưa gửi Cơ quan thuế)
  • Nếu sai mã số thuế, thuế suất, tiền thuế, quy cách, chất lượng, thì người bán lựa chọn 1 trong 2 cách sau:

+ Cách 1: Lập HDĐT điều chỉnh (ghi rõ điều chỉnh cho hóa đơn nào);

+ Cách 2: Lập HDĐT thay thế (ghi rõ thay thế cho hóa đơn nào)

Đồng thời thông báo cho cơ quan thuế theo mẫu 04/SS-HĐĐT và lập biên bản ghi rõ sai sót nếu có thỏa thuận giữa 2 bên.

TH3: HDĐT có mã hoặc không có mã của Cơ quan thuế, Cơ quan thuế phát hiện thì thực hiện điều chỉnh theo thống báo hướng dẫn của Cơ quan thuế.

Tôi có thể phát hành hóa đơn bằng tiếng anh và đơn vị tiền tệ là USD được không?

Hóa đơn phải được viết bằng tiếng Việt. Nếu người bán cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài phải được đặt bên phải trong ngoặc đơn hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt, với cỡ chữ nhỏ hơn cỡ chữ tiếng Việt. Trường hợp người bán được bán hàng thu ngoại tệ theo quy định, người bán được ghi số tiền bằng nguyên tệ, phần chữ ghi bằng tiếng Việt. Người bán đồng thời ghi tỷ giá ngoại tệ giữa VND và USD trên hóa đơn.

Thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT)

Các quy định liên quan đến tài sản cố định (nhà cửa, máy móc thiết bị) là gì?

Tài sản phải đáp ứng 3 điều kiện sau đây để được phân loại là tài sản cố định:
– Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó.
– Thời gian sử dụng ước tính trên 1 năm.
– Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy và có giá trị trên 30 triệu VND.
Về phương pháp khấu hao, công ty có thể áp dụng một trong ba phương pháp dưới đây, tuy nhiên có một số hạn chế với việc áp dụng các phương pháp khấu hao ngoài phương pháp khấu hao đường thằng. Do đó, hầu hết các công ty đều lựa chọn áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng:
– Phương pháp khấu hao đường thẳng
– Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh
– Phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm
Việc xác định thời gian sử dụng hữu ích tùy thuộc vào xét đoán của công ty, tuy nhiên Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn về khung khấu hao cho các loại tài sản cố định. Chi phí khấu hao tài sản cố định vượt quá mức khấu hao tương ứng với khung khấu hao quy định bởi Bộ Tài chính sẽ không được xem là chi phí hợp lý hợp lệ cho mục đích xác định thu nhập chịu thuế CIT.

Những loại chi phí nào được xem là không hợp lý hợp lệ cho mục đích thuế CIT? Chi phí tiếp khách có được xem là chi phí hợp lý hợp lệ cho mục đích thuế CIT không?

Chúng tôi lưu ý một số chi phí điển hình sẽ không được xem là chi phí hợp lý hợp lệ cho mục đích thuế như sau:
– Lương, thưởng, trợ cấp và các khoản lợi ích cho người lao động không được ghi trong hợp đồng lao động, nội quy lao động, quy chế tài chính hoặc các quy chế tương đương khác.
– Chi phí không có hóa đơn chứng từ hợp lệ
– Chi phí không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh
– Chi phí khấu hao của tài sản không sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh
– Chi phí khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ tài chính
– Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ. Phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm
– Lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ là tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, và các khoản phải thu.

Chi phí tiếp khách được xem là chi phí được trừ (trừ một vài chi phí như phí hội viên chơi golf) nếu đáp ứng được các yêu cầu về chi phí được khấu trừ cho mục đích thuế. Hiện tại không có ngưỡng giới hạn đối với các chi phí tiếp khách để được khấu trừ cho mục đích thuế.

Các khoản chi phúc lợi nào được khấu trừ cho mục đích thuế CIT?

Các khoản chi phúc lợi như du lịch nghỉ mát của công ty, chi hỗ trợ/chia buồn cho gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tai nạn, ốm đau… Công ty phải thu thập đầy đủ chứng từ như hóa đơn GTGT khi thanh toán cho nhà cung cấp hoặc phải có quy chế nội bộ đối với các khoản chi trực tiếp cho người lao động. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Cần những điều kiện gì để một khoản chi phí được khấu trừ cho mục đích thuế?

Chi phí phải đáp ứng được 3 điều kiện sau để được khấu trừ cho mục đích thuế CIT:
– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Bạn phải lưu giữ hóa đơn VAT, chứng từ thanh toán và các chứng từ khác như hợp đồng. Cần lưu ý rằng các yêu cầu về chứng từ ở Việt Nam chặt chẽ hơn rất nhiều so với các nước khác.

Cần phải chuẩn bị những tài liệu gì để được khấu trừ chi phí nhân công cho mục đích thuế?

Bản chất của các khoản thanh toán cũng như số tiền trả cho người lao động cần phải được ghi rõ trong các tài liệu như hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế tài chính, quy chế thưởng. Nếu có các khoản thanh toán không cố định, ví dụ như tiền thưởng dựa trên hiệu suất công việc, công ty cần phải quy định cụ thể mức hưởng và điều kiện được hưởng để tính toán số tiền thưởng này trong các tài liệu nêu trên.

Thuế nhà thầu nước ngoài

Có phát sinh khoản thuế khấu trừ tại nguồn nào đối với các công ty nước ngoài có hoạt động kinh doanh với công ty Việt Nam không?

Có. Tại Việt Nam, khoản thuế khấu trừ tại nguồn thường được gọi là thuế nhà thầu. Trường hợp công ty nước ngoài ký hợp đồng dịch vụ với công ty Việt Nam và cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, thì công ty Việt Nam trước khi thanh toán tiền cho công ty nước ngoài, phải giữ lại thuế nhà thầu nộp hộ cho bên nước ngoài. Thuế nhà thầu nước ngoài gồm có 2 loại thuế: thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Thuế suất phụ thuộc vào loại hình dịch vụ. Công ty nước ngoài phải chịu thuế nhà thầu cho dù có cơ sở thường trú tại Việt Nam hay không.

Có điều khoản Incoterm nào mà chúng tôi cần phải lưu ý không?

Có. Khi nhập khẩu hàng hóa, bạn cần chú ý đến điều khoản thương mại cũng như các điều khoản dịch vụ. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam dưới các điều khoản như CIF hoặc FOB mà không có thêm dịch vụ kèm theo nào như lắp đặt sẽ không phải chịu thuế nhà thầu. Tuy nhiên, nếu điều kiện giao hàng là DDU hoặc DDP, toàn bộ hợp đồng sẽ là đối tượng chịu thuế nhà thầu. Các điều kiện giao hàng như DDU hoặc DDP chỉ ra rằng người bán sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển vào trong nội địa Việt Nam, và do dó, hợp đồng này sẽ trở thành đối tượng chịu thuế nhà thầu.

Hệ thống kế toán

Tôi có thể sử dụng phần mềm kế toán mà tôi vẫn dùng ở đất nước tôi được không?

Bạn có thể. Tuy nhiên, hệ thống tài khoản kế toán, sổ sách kế toán cũng như báo cáo tài chính chiết xuất từ phần mềm kế toán phải đảm bảo các yêu cầu của Luật kế toán Việt Nam. Do đó, hầu hết các công ty đều chọn sử dụng phần mềm kế toán Việt Nam, đã được lập trình phù hợp với các quy định kế toán hiện hành (bạn có thể sử dụng phần mềm kế toán cả tiếng Việt và tiếng Anh).
Các quy định kế toán tại Việt Nam yêu cầu sử dụng hệ thống sổ kế toán chi tiết cho từng khoản mục tài sản, công nợ, vốn chủ sở hữu, doanh thu và chi phí. Cách thức ghi nhận các giao dịch cụ thể cũng được hướng dẫn chi tiết.

Các nguyên tắc cơ bản để ghi nhận doanh thu?

Với công ty sản xuất và thương mại, doanh thu bán hàng được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn tất cả năm (5) điều kiện sau:
– Công ty đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua;
– Công ty không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hàng hóa hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;
– Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;
– Công ty sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng; và
– Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh thu được ghi nhận khi kết quả của giao dịch đó được xác định một cách đáng tin cậy, tức là khi thỏa mãn 4 điều kiện sau:
– Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;
– Có khả năng thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch cung cấp dịch vụ đó;
– Xác định được phần công việc đã hoàn thành tại ngày của Bảng cân đối kế toán; và
– Xác định được chi phí phát sinh cho giao dịch và chi phí để hoàn thành giao dịch cung cấp dịch vụ đó.

Khi nào thì công ty cần phát hành hóa đơn?

Thời điểm phát hành hóa đơn được hướng dẫn cụ thể trong cac quy định về hóa đơn GTGT. Thời điểm phát hành hóa đơn của một số trường hợp thông thường được trình bày dưới đây:
– Bán hàng hóa: thời điểm lập hóa đơn là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.
– Cung ứng dịch vụ: thời điểm lập hóa đơn là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền . Nếu Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền (ngoại trừ tiền đặt cọc, tạm ứng, dịch vụ kế toán – kiểm toán, tư vấn tài chính, tư vấn giám sát…).
– Xuất khẩu hàng hóa: là thời điểm hoàn thành thủ tục hải quan.

– Xây dựng, lắp đặt: thời điểm lập hóa đơn là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình xây dựng lắp đặt, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa.

– Một số trường hợp thuộc lĩnh vực kinh doanh đặc thù cần thời gian đối soát dữ liệu giữa bên cung cấp và khách hàng thì thời điểm xuất hóa đơn là thời điểm hoàn thành đối soát dữ liệu nhưng không quá 7 ngày của tháng sau tháng cung cấp dịch vụ.

Việt Nam có áp dụng kế toán trên cơ sở dồn tích không?

Có. Kế toán trên cơ sở dồn tích được áp dụng tại Việt Nam.

Công ty nên ghi nhận chi phí hàng hỏng và hàng hủy vào đâu?

Công ty cần ghi nhận chi phí hàng hỏng và hàng hủy phát sinh trong kỳ vào tài khoản Giá vốn hàng bán.

Phương pháp chuyển đổi báo cáo tài chính lập bằng USD sang VND theo hướng dẫn tại Thông tư 200 là như thế nào?

Phương pháp chuyển đổi báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ (USD hoặc ngoại tệ khác) sang VND như sau:
– Các khoản mục tài sản và công nợ được quy đổi sang VND theo tỷ giá chuyển khoản của ngân hàng thương mại nơi công ty thường xuyên có giao dịch tại thời điểm báo cáo.
– Vốn chủ sở hữu (vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác, quyền chọn chuyển đổi trái phiếu) được quy đổi sang VND theo tỷ giá thực tế tại ngày góp vốn.
– Chênh lệch tỷ giá và chênh lệch đánh giá lại tài sản được quy đổi sang VND theo tỷ giá thực tế tại ngày đánh giá.
– Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế được quy đổi sang VND bằng cách tính toán theo các khoản mục của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
– Lợi nhuận và cổ tức đã trả được quy đổi sang VND theo tỷ giá thực tế tại ngày chi trả.
– Các khoản mục thuộc báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ được quy đổi sang VND theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp tỷ giá bình quân kỳ kế toán xấp xỉ với tỷ giá thực tế (chênh lệch không vượt quá 3%) thì có thể áp dụng tỷ giá bình quân.

Phương pháp ghi nhận các nghiệp vụ phát sinh bằng ngoại tệ như thế nào?

Đối với các công ty sử dụng VND làm đồng tiền hạch toán, công ty phải ghi nhận các nghiệp vụ này theo VND bằng cách sử dụng tỷ giá được hướng dẫn trong các quy định hiện hành để quy đổi ngoại tệ sang VND. Theo quy định, Công ty cũng phải theo dõi các giao dịch theo nguyên tệ.

Theo Thông tư 200, các khoản mục ngắn hạn và dài hạn trên Báo cáo tài chính được phân loại như thế nào?

Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, nguyên tắc để phân loại các khoản mục ngắn hạn và dài hạn trên Báo cáo tài chính như sau:

– Các khoản mục tài sản và công nợ được thu hồi hoặc thanh toán trong vòng 12 tháng (hoặc 1 chu kỳ kinh doanh bình thường) kể từ thời điểm báo cáo được phân loại thành ngắn hạn trên Bảng cân đối kế toán.
– Các khoản mục tài sản và công nợ được thu hồi hoặc thanh toán từ 12 tháng trở lên (hoặc dài hơn 1 chu kỳ kinh doanh bình thường) kể từ thời điểm báo cáo được phân loại thành dài hạn trên Bảng cân đối kế toán.

Bộ chứng từ ghi nhận doanh thu bao gồm những gì?

Nhìn chung, bộ chứng từ doanh thu sẽ bao gồm những tài liệu sau:
– Đơn đặt hàng/ Báo giá hoặc Hợp đồng mua bán (tùy từng trường hợp cụ thể)

– Phiếu giao hàng/ biên bản hoàn thành/ biên bản bàn giao

– Hóa đơn GTGT phù hợp theo quy định

– Tờ khai hải quan (trường hợp xuất khẩu)

Chúng tôi có thể hạch toán nghiệp vụ bằng USD hoặc ngoại tệ khác được không?

Công ty có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ (USD hoặc ngoại tệ khác) có thể lựa chọn ngoại tệ này làm đơn vị tiền tệ trong kế toán và ghi nhận các nghiệp vụ theo ngoại tệ đã lựa chọn.

Các tiêu chí để xác định đơn vị tiền tệ trong kế toán được quy định trong Luật kế toán và các quy định hiện hành. Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ khác với VND, Công ty phải gửi thông báo đến cho cơ quan thuế.

Các quy định liên quan đến bổ nhiệm kế toán trưởng là gì?

Tất cả các công ty, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, cần phải bổ nhiệm kế toán trưởng. Nếu công ty quyết định không tuyển dụng kế toán trưởng, công ty có thể thuê kế toán trưởng từ công ty dịch vụ kế toán. Một trong số trường hợp không cần thiết phải có kế toán trưởng là văn phòng đại diện.

Công ty có vốn đầu tư nước ngoài có cần được kiểm toán hay không?

Tất cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cần phải được kiểm toán. Công ty được yêu cầu phải nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho cơ quan thuế và một số cơ quan có thẩm quyền khác trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Các vấn đề liên quan đến nhân sự

Công ty có cần phải nộp bảo hiểm bắt buộc cho người lao động trong thời gian thử việc hay không?

Nếu hợp đồng thử việc được ký tách biệt so với hợp đồng lao động, công ty không cần phải nộp bảo hiểm bắt buộc cho nhân viên trong thời gian thử việc. Sau khi hoàn thành thời gian thử việc, nếu vẫn tiếp tục ký hợp đồng lao động, công ty có thể chọn đóng bảo hiểm bắt buộc từ ngày hợp đồng lao động có hiệu lực hoặc đóng từ ngày hợp đồng thử việc có hiệu lực. Ngược lại, nếu thời gian thử việc được quy định trong hợp đồng lao động, công ty cần phải đóng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động kể từ ngày hợp đồng lao động có hiệu lực.

Mức lương cơ bản để đóng bảo hiểm xã hội là bao nhiêu?

Căn cứ để tính bảo hiểm xã hội là dựa vào mức lương cơ bản đăng ký tại cơ quan bảo hiểm. Mức lương đóng bảo hiểm xã hội được giới hạn là 20 lần mức lương cơ sở hiện hành(29.8 triệu VND từ 1/7/2019). Mức lương vượt quá 29.8 triệu VND sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội. Hiện tại, căn cứ để tính bảo hiểm bắt buộc bao gồm lương và phụ cấp lương được quy định tại hợp đồng lao động. Từ ngày 01/01/2018, mức lương để đóng bảo hiểm xã hội bao gồm lương, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản bổ sung khác được quy định trên hợp đồng lao động.

Người nước ngoài làm việc cho công ty tại Việt Nam có cần phải đóng bảo hiểm bắt buộc không?

Trừ trường hợp di chuyển nội bộ và người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Các loại bảo hiểm phải đóng gồm có:- Bảo hiểm y tế: hiện tại người sử dụng lao động đang phải đóng 3% mức tiền lương tháng và người lao động nước ngoài đóng 1,5%- Bảo hiểm xã hội: người sử dụng lao động đóng 3,5% mức tiền lương tháng từ tháng 12/2018 và 17,5% từ 01/01/2022 và người lao động nước ngoài đóng 8% từ 01/01/2022.

Tài chính

Hiện nay có thể góp vốn dưới hình thức nào?

Nhà đầu tư có thể góp vốn bằng tiền Việt Nam Đồng (VND), các ngoại tệ có thể tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản hữu hình khác có thể định giá bằng VND.

Làm thế nào để chúng tôi có thể nhận được vốn góp từ các nhà đầu tư nước ngoài?

Công ty cần mở một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép hoạt động và nhận vốn góp từ nhà đầu tư nước ngoài thông qua tài khoản này. Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp là tài khoản thanh toán bằng VND hoặc ngoại tệ mà nhà đầu tư nước ngoài mở để thực hiện việc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Số vốn yêu cầu tối thiểu là bao nhiêu?

Không có yêu cầu về số vốn tốn thiểu, ngoại trừ các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực được quy định khác.

Chúng tôi có nhận được tiền vay từ các tổ chức tài chính hoặc công ty nước ngoài không?

Có thể. Công ty có thể nhận được khoản vay nước ngoài từ tổ chức tài chính nước ngoài hoặc từ các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, việc nhận các khoản vay trung hạn và dài hạn cần được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc nhận các khoản vay ngắn hạn có thể được thực hiện thông qua một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc một tài khoản vay nước ngoài. Bạn tham khảo câu hỏi ” Làm thế nào để nhận được vốn góp từ các nhà đầu tư nước ngoài” để biết thêm về định nghĩa của “tài khoản vốn đầu tư trực tiếp”. Với các khoản vay dài hạn, bạn cũng cần phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Có quy định nào về thời hạn góp vốn điều lệ không?

Công ty cần góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Chúng tôi nên xử lý như thế nào đối với các chi phí phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp?

Các nhà đầu tư thường chi trả các khoản chi phí phát sinh để thành lập công ty tại Việt Nam trước khi được cấp giấy phép đầu tư. Trong thực tế, việc chuyển tiền cho các nhà đầu tư nước ngoài thường khó khăn (hãy tham khảo ngân hàng của bạn để biết thêm chi tiết). Để hoàn trả chi phí cho nhà đầu tư, công ty có thể phải bù trừ công nợ phải thu – phải trả với nhà đầu tư, nếu có. Để bù trừ công nợ, công ty cần phải chuẩn bị các chứng từ phù hợp, ví dụ như thỏa thuận hoàn trả và trong hợp đồng bán hàng hiện tại cần bổ sung thêm điều kiện bù trừ công nợ phải thu từ bán hàng với công nợ phải trả. Đối với công ty tại Việt Nam, các khoản chi phí trả hộ bởi nhà đầu tư vẫn được xem là chi phí hợp lý cho mục đích thuế thu nhập doanh nghiệp và được hoàn thuế VAT nếu công ty đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng.