BẢN TIN THUẾ THÁNG 12/2017
Nghị định số 146/2017/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015
Ngày 15/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2017/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015. Nội dung cụ thể như sau:
Quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm
Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác.
Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên trừ các trường hợp sau:
– Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Luật thuế giá trị gia tăng.
– Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Luật thuế giá trị gia tăng.
– Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác) do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Luật thuế giá trị gia tăng.
Quy định về hoàn thuế GTGT
Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp:
Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.
Trường hợp vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa nếu sau khi bù trừ với số thuế phải nộp, số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế giá trị gia tăng đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.
Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN
Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;
Khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định tại khoản này còn phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty;”.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2018.
Công văn số 78209/CT-THHT về thuế GTGT đối với hàng mẫu
Ngày 01/12/2017, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 78209/CT-THHT về thuế GTGT đối với hàng mẫu để khách hàng dùng thử, nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty xuất hàng mẫu để khách hàng dùng thử nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì Công ty phải lập hóa đơn kê khai, tính nộp thuế GTGT như bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính. Công ty được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng mẫu nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 15 Thông tư số 219/2003/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 173/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Công văn số 78925/CT-THHT về hóa đơn, chứng từ
Ngày 06/12/2017, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 78925/CT-THHT về hóa đơn, chứng từ hạch toán chi phí. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp đơn vị có các chi phí phát sinh tại nước ngoài, nếu các chi phí này có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của nước sở tại và đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, đồng thời các chứng từ này phải được dịch ra tiếng Việt theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 5 Thông tư số 156/2013/TT-BTC thì các khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Công văn số 79331/CT-THHT về thuế GTGT khi nhận tiền hỗ trợ
Ngày 08/12/2017, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 79331/CT-THHT về thuế GTGT khi nhận tiền hỗ trợ. Nội dung cụ thể như sau:
Căn cứ vào các quy định trên, trường hợp Công ty ký hợp đồng hợp tác với Công ty đối tác thì khi nhận khoản tiền hỗ trợ của Công ty đối tác để chi trả chi phí tiền lương cho nhân viên bán hàng, Công ty không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với khoản tiền hỗ trợ nhận được. Công ty khi nhận khoản tiền hỗ trợ thì lập chứng từ thu theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
Trường hợp, theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, Công ty đối tác sẽ thanh toán cho Công ty một khoản tiền hỗ trợ để thực hiện hoạt động quảng cáo về sản phẩm dịch vụ của Công ty đối tác, các chương trình khuyến mãi thì khi nhận khoản tiền hỗ trợ này Công ty có trách nhiệm lập hóa đơn GTGT và kê khai nộp thuế theo quy định.
Công văn số 79003/CT-TTHT về thuế TNCN
Ngày 06/12/2017, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 79003/CT-TTHT về thuế TNCN đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty mẹ tại Nhật Bản cử cá nhân lao động nước ngoài sang làm việc tại Công ty Việt Nam, tiền lương của các cá nhân này do Công ty Việt Nam chi trả theo phương thức (đã được quy định tại thư biệt phái và hợp đồng ủy quyền chi lương và thanh toán chi phí): một phần Công ty Việt Nam trả thẳng vào tài khoản của cá nhân tai Việt Nam; một phần do Công ty mẹ chi trả vào tài khoản người lao động tại Nhật Bản sau đó Công ty Việt Nam sẽ trả lại đúng số tiền mà Công ty mẹ đã chi trả hộ thì:
- Về kê khai thuế TNCN:
Công ty Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ, kê khai nộp thuế TNCN trên tổng thu nhập chịu thuế trả cho cá nhân lao động nước ngoài theo Tờ khai mẫu số 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.
- Đối với khoản chi phí tư vấn thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài:
Trường hợp Công ty ký hợp đồng thuê tư vấn về thuế thu nhập cá nhân cho đích danh cá nhân hoặc một nhóm cá nhân.
- Về thuế TNDN: Khoản chi phí này không phục vụ sản xuất kinh doanh đồng thời không được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi do đó không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
- Về thuế TNCN: Khoản chi này phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Công văn số 79109/CT-TTHT về việc hạch toán chi phí
Ngày 07/12/2017, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 79109/CT-TTHT về việc hạch toán chi phí khi mua bánh trung thu tặng khách hàng và nhân viên. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty nhân dịp tết Trung thu có hoạt động tri ân khách hàng và khuyến khích động viên tinh thần làm việc của người lao động trong Công ty (theo quy chế nội bộ đã ban hành) dưới hình thức mua bánh trung thu để tặng khách hàng và cho người lao động thì:
Về thuế GTGT:
Khi trao tăng bánh trung thu cho khách hàng và nhân viên, Công ty phải xuất hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hóa đơn xuất bán hàng hóa cho khách hàng. Trong đó, giá tính thuế GTGT là giá tính thuế của hàng hóa cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.
Về thuế TNDN:
Khoản chi phí mua bánh trung thu tặng khách hàng và cho nhân viên của Công ty sẽ được trừ vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Công văn số 83303/CT-THHT về ưu đãi thuế TNDN
Ngày 28/12/2017, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 83303/CT-THHT về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng không thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Nội dung cụ thể như sau:
Về việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư để được hưởng ưu đãi thuế TNDN:
Về nguyên tắc, việc xác định ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng căn cứ theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN và điều kiện thực tế đáp ứng của doanh nghiệp để xác định ưu đãu thuế thuế theo quy định.
Về ưu đã thuế đối với dự án đầu tư mở rộng của Công ty:
Theo trình bày năm 2015 Công ty có dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động bằng cách mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất tại khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội (không nằm trên địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hôi thuận lợi), tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định tăng thêm 20% so với tổng nguyên giá tài sản cố định trước khi đầu tư thì Công ty được lựa chọn hưởng ưu đãi thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại (không được hưởng mức thuế suất ưu đãi) bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn, cụ thể: miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính, Điều 6 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính.