Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 06/2020

Bản tin thuế

Quản lý thuế

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14

Ngày 13/06/2019, Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Nội dung thay đổi nổi bật của Luật Quản lý thuế được thể hiện như sau:

a) Về đăng ký thuế

Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

b) Về thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế

Thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế. Trường hợp bị mất, rách, nát, cháy thì cơ quan thuế cấp lại trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

c) Thay đổi thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm như sau

+ Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm,

+ Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.

d) Thay đổi thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý như sau:

Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

e) Luật hóa quy định về hóa đơn điện tử

Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2022; Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01/07/2022.

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2020.

 

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)

Nâng hạn mức hạch toán lãi vay có giao dịch liên kết lên 30%

Ngày 24/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, một số nội dung thay đổi đáng chú ý so với Nghị định số 20/2017 như sau:

Nội dung Nghị định số 68/2020/NĐ-CP Nghị định số 20/2017/NĐ-CP
Cách tính chi phí lãi vay Cho phép bù trừ lãi tiền gửi, lãi cho vay với lãi tiền vay Không cho phép bù trừ lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay với lãi tiền vay
Mức khống chế chi phí lãi vay 30% 20%
Xử lý chi phí lãi vay vượt mức không chế Chi phí lãi vay cho năm tài chính 2019 trở đi được chuyển tiếp liên tục trong vòng năm (05) năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

 

Chi phí lãi vay cho năm tài chính 2017, 2018: Không được áp dụng chuyển tiếp.

Không được mang sang các năm sau

Đồng thời, người nộp thuế cần lưu ý:

a) Trường hợp người nộp thuế phát sinh tiền thuế TNDN nộp thừa sau khi xác định lại chi phí lãi vay được trừ theo NĐ68/2020 cho các năm tài chính 2017 đến 2019 thì được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa không quá 05 năm kể trừ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, cơ quan thuế không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.

b) Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017, năm 2018 trước ngày 01/01/2021.

c) Trường hợp cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế, đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc đang giải quyết theo trình tự khiếu nại thì không điều chỉnh lại số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.

 

Ưu đãi thuế TNDN

Ngày 20/04/2020 Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 1564/TCT-CS hướng dẫn áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN, cụ thể như sau:

Trường hợp, Công ty thuê lại toàn bộ nhà xưởng của doanh nghiệp khác cùng ngành nghề để hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời doanh nghiệp cho thuê ngừng hoạt động sản xuất chính. Theo đó, việc thuê nhà xưởng này được coi là trường hợp kế thừa tài sản, địa điểm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp cho thuê. Vì vậy, Công ty không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 5 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC.

 

Chi phí lương của lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động do ảnh hưởng của Covid 19

Ngày 25/06/2020 Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 2099/CT-TTHT hướng dẫn chi phí lương của lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động tính vào chi phí tính thuế TNDN, cụ thể như sau:

Trường hợp, Công ty có phát sinh khoản chi trả tiền lương cho lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc sau thời gian tự cách ly theo quy định, thì khoản chi phí tiền lương Công ty đã chi trả cho lao động nước ngoài thực hiện theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10/03/2020 của Chính phủ chưa được cấp Giấy phép lao động, nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN theo quy định.

 

Mua “mã code” vận chuyển của Grab phải có hóa đơn

Ngày 23/6/2020 Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 55967/CT-TTHT về chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

Khi Công ty mua “mã code” để nhận lấy các dịch vụ như vận chuyển, bưu chính, giao hàng; để các chi phí này được tính là chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN thì Công ty phải yêu cầu bên bán phát hành hóa đơn (bán mã code).

 

Chứng từ điện tử

Ngày 06/05/2020 Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 4447/CT-TTHT về chính sách thuế, cụ thể như sau:

Chứng từ điện tử được lập và sử dụng theo Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và các luật có liên quan thì các chứng từ đó được cho là hợp pháp để ghi nhận chi phí khi tính thuế TNDN.

Về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, tham khảo Luật Giai dịch điện tử số 51/2005/QH11.

Về chứng từ kế toán điện tử, tham khảo Điều 17, 18 Luật Kế toán số 88/2015/QH13.

Về chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại, tham khảo quy định chi tiết tại Điều 9 – 14 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

 

Xác định hoạt động sản xuất phần mềm để hưởng ưu đãi thuế TNDN

Ngày 03/07/2020 Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT thay thế Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT ngày 18 tháng 11 năm 2014, hướng dẫn việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm đáp ứng quy trình làm căn cứ xác định ưu đãi thuế TNDN. Nội dung nổi bật của Thông tư được thể hiện như sau:

– Hoạt động sản xuất một sản phẩm phần mềm của tổ chức, doanh nghiệp được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình khi đối với sản phẩm đó tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế quy định trong bảy (07) công đoạn trong quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm.

– Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đề xuất ưu đãi thuế cho hoạt động sản xuất phần mềm và tự xác định hoạt động sản xuất phần mềm đáp ứng quy trình.

– Chi tiết tài liệu để người nộp thuế chứng minh hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm.

– Các hoạt động sản xuất phần mềm đã được xác định đáp ứng quy trình theo quy định trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực vẫn tiếp tục được coi là đáp ứng quy trình sản xuất phần mềm cho đến khi hết thời hạn của dự án đầu tư đã được phê duyệt.

Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 19/08/2020.

 

Ưu đãi thuế TNDN đối với dự án mở rộng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Ngày 22/05/2020 Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 2111/TCT-CS hướng dẫn về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án mở rộng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, cụ thể như sau:

Dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng trước ngày 01/01/2015 của Công ty không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Dự án đầu tư mở kể từ ngày 01/01/2015 của Công ty nếu đáp ứng các tiêu chí về đầu tư mở rộng theo quy định và được Bộ Công thương cấp Giấy xác nhận ưu đãi thì phần thu nhập của dự án đầu tư mở rộng của Công ty được hưởng ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế (không được ưu đãi về thuế suất) bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN.

Công ty phải xác định riêng thu nhập từ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được hưởng ưu đãi thuế TNDN với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác không được hưởng ưu đãi để tính hưởng ưu đãi theo quy định.

 

Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”)

Thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản chi đóng góp quỹ phòng chống thiên tai

Ngày 18/5/2020 Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 2014/TCT-DNNCN hướng dẫn chính sách thuế TNCN đối với khoản chi đóng góp quỹ phòng chống thiên tai, cụ thể như sau:

Trường hợp người lao động tại các tổ chức đóng góp vào Quỹ phòng chống thiên tai được thành lập theo quy định tại Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ thì được giảm trừ các khoản đóng góp nêu trên vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.

 

Tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN

Ngày 23/06/2020 Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2546/TCT-DNNCN về việc tổ chức triển khai Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14. Mặc dù Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 đã nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng, áp dụng từ kỳ tính thuế 2020. Tuy nhiên, do Nghị quyết này đến ngày 01/07/2020 mới có hiệu lực nên thu nhập từ tháng 7/2020 trở về sau mới áp dụng theo mức giảm trừ mới.

Thu nhập của các tháng từ 1 – 6 năm 2020 sẽ được tính lại mức giảm trừ gia cảnh mới khi quyết toán vào cuối năm.

Tổng cục Thuế lưu ý: chỉ những tờ khai TNCN tháng từ tháng 7/2020 (hạn nộp ngày 20/08/2020) hoặc tờ khai thuế TNCN quý 3 (hạn nộp ngày 30/10/2020) mới áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới.

 

Thu nhập chịu thuế TNCN đối với tiền nghỉ khách sạn do dịch Covid – 19

Ngày 12/06/2020, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 1518/CT-TTHT hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế TNCN đối với tiền nghỉ khách sạn do dịch Covid-19, cụ thể như sau:

Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/03/2020 và  Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19, Công ty yêu cầu chuyên gia nước ngoài đang cư trú tại Hà Nội chuyển sang lưu trú ở khách sạn tại Bắc Ninh từ ngày 31/03/2020 đến 17/04/2020. Công ty có phát sinh chi phí khách sạn cho thời gian lưu trú của chuyên gia nước ngoài. Chi phí này không thuộc trường hợp người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng, nên không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của chuyên gia nước ngoài.

 

Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”)

Thuế GTGT hàng nhập khẩu không được gia hạn vì lý do ảnh hưởng dịch Covid-19

Ngày 29/05/2020 Bộ Tài chính ban hành Công văn số 6399/BTC-CST về việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu đối với dây chuyền giặt ủi, cụ thể như sau:

Việc gia hạn nộp thuế GTGT theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP (do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19) không áp dụng đối với thuế GTGT của hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nhập khẩu bị thiệt hại về vật chất (tính được bằng tiền) do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh thì có thể xin gia hạn nộp thuế theo quy định tại Khoản 8 Điều 5 Nghị định 12/2015/NĐ-CP. Số thuế GTGT được gia hạn trong trường hợp này phải là số thuế phát sinh trước khi xảy ra thiệt hại, đồng thời không vượt quá trị giá của phần thiệt hại.

 

Thuế và các khoản phải nộp khác

Chính sách tiền thuê đất

Ngày 22/05/2020, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 2116/TCT-CS giải đáp chính sách tiền thuê đất, cụ thể như sau:

Cơ quan tài chính xác định tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền thuê đất phải nộp và chuyển cho cơ quan thuế làm cơ sở xác định tiền thuê đất phải nộp. Người sử dụng thực hiện nộp đầy đủ, đúng thời hạn các khoản nghĩa vụ tài chính theo Thông báo của cơ quan thuế và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế nếu không thực hiện nộp tiền thuê đất đúng thời hạn quy định. Trường hợp tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng Sở Tài chính xác định lớn hơn tiền thuê đất phải nộp thì cơ quan thuế chỉ cho khấu trừ tiền bồi thường, hỗ trợ vào tiền thuê đất phải nộp không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp. Số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng còn lại chưa được trừ vào tiền thuê đất phải nộp (nếu có) thì được tính vào vốn đầu tư của dự án.

 

Hóa đơn

UBND Thành phố Hà Nội giục các doanh nghiệp sớm áp dụng hóa đơn điện tử

Ngày 27/05/2020 UBND Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 1978/UBND-KT về việc đẩy mạnh triển khai Hóa đơn điện tử, biên lai điện tử năm 2020, cụ thể như sau:

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố chủ động, tích cực áp dụng hóa đơn điện tử. Các cơ quan Thuế tại Thành phố Hà Nội sẽ đôn đốc doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử. Các cơ quan Nhà nước cũng được yêu cầu sớm áp dụng biên lai điện tử để thu các loại phí dịch vụ công.

 

Hải quan

Điều kiện về giám sát hải quan khi thành lập Doanh nghiệp chế xuất (“DNCX”)

Ngày 09/06/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 3778/TCHQ-GSQL hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện xác nhận khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký đầu tư cho mục đích cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư đề nghị thành lập DNCX theo hướng dẫn tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ.

Theo đó, việc thực hiện kiểm tra được tiến hành sau khi dự án đầu tư thành lập DNCX đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, chuẩn bị đi vào hoạt động để sản xuất hàng xuất khẩu. Khi nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan đăng ký đầu tư, Chi cục Hải quan quản lý địa bàn nơi nhà đầu tư đề nghị thành lập DNCX thực hiện việc kiểm tra các nội dung dưới đây để xác nhận khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan:

– Tường rào cứng bao quanh, ngăn cách với khu vực bên ngoài.

– Hệ thống camera giám sát hiển thị rõ hình ảnh hàng hóa đi vào, đi ra doanh nghiệp. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ) và dữ liệu về hình ảnh camera được lưu giữ tại doanh nghiệp tối thiểu 12 tháng. Hệ thống camera được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.

– Hệ thống quản lý nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có thể kết xuất được số liệu nhập – xuất – tồn nguyên liệu, vật tư và sản phẩm để báo cáo quyết toán tình hình sử dụng với cơ quan hải quan.

Doanh nghiệp cần lưu ý rằng các chế độ, chính sách thuế và hải quan của DNCX sẽ chỉ được áp dụng khi tình trạng DNCX được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư (trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Do vậy, trong thời gian tình trạng DNCX chưa được quy định cụ thể trong văn bản hợp pháp nào thì doanh nghiệp vẫn chưa được công nhận là DNCX, theo đó sẽ áp dụng các chính sách thuế và hải quan như các doanh nghiệp nội địa.

 

Chuyển nhượng nhà xưởng của Doanh nghiệp chế xuất (“DNCX”)

Ngày 04/05/2020 Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 2869/TCHQ-GSQL về việc chuyển nhượng nhà xưởng của DNCX, cụ thể như sau:

Trường hợp DNCX này bán nhà xưởng cho DNCX khác thì các thiết bị được bán kèm theo có nguồn gốc nhập khẩu hoặc mua từ nội địa phải thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 51 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

Đối với thiết bị mua từ nội địa (được miễn làm thủ tục nhập khẩu) hoặc thiết bị có nguồn gốc nhập khẩu nhưng đã thực hiện đầy đủ chính sách thuế, chính sách quản lý tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu, khi doanh nghiệp chuyển loại hình từ DNCX sang doanh nghiệp thường sẽ được miễn khai hải quan và kê khai nộp thuế.

Đối với thiết bị có nguồn gốc nhập khẩu (bao gồm: nhập khẩu từ nước ngoài, từ nội địa, từ DNCX) chưa thực hiện đầy đủ chính sách thuế, chính sách quản lý tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu, trước khi chuyển nhượng cho DNCX khác phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.