Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 04/2015

Bản tin thuế

Công văn về chính sách thuế Thu nhập cá nhân

Ngày 13/04/2015, Bộ Tài chính đã có công văn số 1348/CT-TNCN về chính sách thuế Thu nhập cá nhân khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế.

Tại Điều 1, Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“Điều 1. Người nộp thuế

Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:

Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.”

Tại điểm đ, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

đ1) Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có).

Khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ những không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị.”

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp người lao động Nhật Bản được công ty mẹ tại Nhật Bản cử sang Việt Nam làm việc (người lao động này không còn giữ chức vụ hay đảm nhiệm công việc gì tại công ty mẹ) và hàng tháng được công ty mẹ trả thu nhập. Công ty con tại Việt Nam không phải thanh toán lại khoản thu nhập này cho công ty mẹ, đồng thời hàng tháng công ty con tại Việt Nam trả tiền lương, tiền công và trả thay tiền thuê nhà cho người lao động thì khoản tiền thuê nhà do công ty con tại Việt Nam trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế tại công ty mẹ ở Nhật Bản và công ty con ở Việt Nam chi trả (chưa bao gồm tiền thuê nhà).

 

Công văn về chính sách thuế thu nhâp doanh nghiệp đối với 1 số khoản chi cho người lao động

Ngày 22/04/2015, Bộ Tài chính đã có công văn số 1542/TCT-CS về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại khoản 2.6, Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định về chi phí không được trừ bao gồm:

“2.6. Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ; phần chi trang phục bằng tiền, bằng hiện vật cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.

Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động thì mức chi tối đa để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm”.

Tại Điều 1, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi điểm 2.31, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định về các khoản chi không được trừ, trừ các khoản chi sau:

“- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp”.

Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC và Thông tư số 151/2014/TT-BTC nêu trên thì khoản chi trang phục và khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức quy định nêu trên.

 

Công văn về chính sách thuế thu nhâp doanh nghiệp

Ngày 07/04/2015, Bộ Tài chính đã có công văn số 1224/TCT-CS về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại điểm o Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

“o) Phần chi vượt mức 01 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định tại khoản này còn phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty;”.

Khoản 7, Điều 1, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 15/2/2015 của Chính phủ sửa đổi Điểm o, Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP như sau:

“o) Phần chi vượt mức 01 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;

Phần chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động được tính vào chi phí được trừ quy định tại khoản này phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty;”

Như vậy, kể từ ngày 01/01/2015, theo quy định tại Khoản 7, Điều 1, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP nêu trên đã bỏ quy định khống chế mức chi 01 triệu đồng/tháng/người của doanh nghiệp khi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp có chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

 

Công văn về chính sách thuế giá trị gia tăng

Ngày 14/04/2015, Bộ Tài chính đã có công văn số 1387/TCT-KK về chính sách kê khai nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Đối với việc kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và kê khai thuế GTGT đầu ra của hoạt động kinh doanh (cho thuê văn phòng) không thuộc ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Căn cứ vào Khoản 14, Điều 14, Khoản 1,2 Điều 15 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012; Khoản 15  Điều 14, Khoản 1,2 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về trường hợp không được khấu trừ và điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào quy định:

“14. Cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:

– Hoá đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hoá đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT);

– Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán;

– Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 11 Điều này);

– Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo), Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi. “;

“1 .Có hoá đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

  1. Có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hoá nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT.”

Theo đó, trường hợp Công ty kinh doanh ngành, nghề không thuộc ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì nếu ngành, nghề kinh doanh của Công ty không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc ngành, nghề bị cấm kinh doanh thì chấp nhận việc kê khai thuế GTGT đầu vào đối với hoạt động kinh doanh ngành, nghề không thuộc ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty. Cục thuế hướng dẫn Công ty bổ sung ngành, nghề theo quy định.

 

Công văn về chính sách thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn

Ngày 17/03/2015, Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 917/TCT-TNCN về chính sách thuế TNCN.

Theo nội dung hướng dẫn tại Công văn này, đối với trường hợp cá nhân là chủ công ty TNHH một thành viên nhận được khoản lợi tức phân chia của công ty TNHH một thành viên sau khi nộp thuế TNDN được thực hiện như sau:

  1. Thời điểm trước ngày 01/01/2015:

Căn cứ Điều 3, Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007; Điều 3, Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định thu nhập chịu thuế TNCN:

“3. Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:

  1. a) Tiền lãi cho vay;
  2. b) Lợi tức cổ phần;
  3. c) Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, danh tiếng, quyền sử dụng đất, phát minh, sáng chế; trừ thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu Chính phủ.”

Tại Khoản 3, Điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“3. Thu nhập từ đầu tư vốn

Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:

c) Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên),… “

Căn cứ quy định trên thì, trường hợp khoản lợi nhuận mà cá nhân là chủ Công ty TNHH một thành viên được chia sau khi nộp thuế TNDN theo quy định của Luật thuế TNDN phải chịu thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn.

  1. Thời điểm từ ngày 01/01/2015:

Tại Điều 6, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế quy định điều khoản thi hành:

“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.”

Tại Khoản 4, Điều 2, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế quy định:

3. Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:

…c) Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, danh tiếng, quyền sử dụng đất, phát minh, sáng chế; trừ thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu Chính phủ, thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân và của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ”

Tại Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP quy định:

“Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế ngày 26 tháng 11 năm 2014 có hiệu lực thi hành”.

Căn cứ quy định trên, từ ngày 01/01/2015 lợi nhuận được chia của cá nhân là chủ công ty TNHH một thành viên sau khi đã nộp thuế TNDN không phải nộp thuế TNCN.

Công văn này thay thế công văn số 4568/TCT-TNCN ngày 16/10/2014.

 

Công văn về chính sách trả lương ngày nghỉ hàng năm

Ngày 13/04/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có công văn số 1287/LDDTBXH-LĐTL về tính trả lương ngày nghỉ hằng năm.

Theo quy định tại Điểm c, Điều 97, Bộ luật Lao động và Điểm c, Khoản 2, Điều 25, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương theo ngày.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 26, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên thì tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.

Căn cứ vào quy định nêu trên, trường hợp người sử dụng lao động sử dụng người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng năm đã được người sử dụng lao động quy định thì người lao động được trả lương làm thêm theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP (ít nhất bằng 300% tiền lương thực trả chưa kể tiền lương ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương theo ngày); trường hợp người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán tiền lương theo quy định tại khoản 4, Điều 26, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên (100% tiền lương theo hợp đồng).