BẢN TIN THUẾ THÁNG 03/2018
Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.
Phạt đến 20 triệu đồng nếu lập không đủ các báo cáo tài chính. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp lập không đầy đủ các báo cáo tài chính sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, mức phạt đối với tổ chức khi thực hiện các hành vi vi phạm trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính có một số thay đổi cụ thể như sau:
– Không lập báo cáo tài chính theo quy định: phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu (hiện nay mức phạt là 10 triệu đến 20 triệu).
– Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật: phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu (hiện nay mức phạt từ 40 đến 60 triệu).
– Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính: phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu (hiện nay phạt tiền lên đến 60 triệu).
Phạt đến 05 triệu đồng khi ký chứng từ kế toán bằng mực đỏ, mực phai màu. Theo đó, cá nhân có hành vi ký chứng từ kế toán bằng mực đỏ, mực phai màu sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
Mức phạt nêu trên cũng áp dụng đối với các hành vi vi phạm sau:
– Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định;
– Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán;
– Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn;
– Chứng từ chi tiền không ký theo từng liên.
Nghị định 41/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2018.
Thông tư số 25/2018/TT-BTC Hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ
Ngày 16/3/2018, Bộ Tài chính đã ban hành số Thông tư số 25/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến các khoản chi phí được trừ tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính), Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, cụ thể như sau:
– Bổ sung quy định: “Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng một phần vốn hoặc chuyển nhượng toàn bộ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật, nếu có chuyển giao tài sản thì doanh nghiệp nhận chuyển nhượng chỉ được trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ đối với các tài sản chuyển giao đủ điều kiện trích khấu hao theo giá trị còn lại trên sổ sách kế toán tại doanh nghiệp chuyển nhượng”.
– Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động vượt định mức quy định (03 triệu đồng/tháng/người) hoặc không ghi cụ thể điều kiện được hưởng trong hồ sơ sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.
– Tăng mức chi được trừ khi tính thuế TNDN đối với các khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động,… lên tối đa 03 triệu đồng/tháng/người, nhưng phải đảm bảo yêu cầu sau:
+ Được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng Công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng Công ty;
+ Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về nghĩa vụ bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018.
Công văn số 8382/CT-TTHT về hướng dẫn chính sách thuế GTGT và hóa đơn
Ngày 5/3/2018, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 8382/CT-TTHT hướng dẫn chính sách thuế GTGT và hóa đơn. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty là doanh nghiệp chế xuất có phát sinh hoạt động chuyển nhượng hợp đồng thuê đất và nhà xưởng trên đất cho Công ty nội địa, nếu hoạt động chuyển nhượng này phù hợp với quy định của Pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì:
– Về thuế GTGT: Hoạt động chuyển nhượng nêu trên thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT 10%.
– Về hóa đơn: Trường hợp Công ty không có hóa đơn GTGT thì đề nghị Công ty liên hệ với Cục thuế Thành phố Hà Nội để được cấp 01 hóa đơn lẻ là hóa đơn GTGT để Công ty lập và giao cho Công ty nội địa. Công ty phải thực hiện nộp thuế trước khi Cục thuế Thành phố Hà Nội cấp hóa đơn lẻ.
– Về thuế TNDN: Thời điểm xác định doanh thu tính thuế là thời điểm Công ty bàn giao bất động sản (nhà xưởng) cho Công ty nội địa.
Công văn số 9841/CT-TTHT về chính sách thuế TNCN đối với cá nhân cư trú người Nhật Bản
Ngày 15/3/2018, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 9841/CT-TTHT về chính sách thuế TNCN đối với cá nhân cư trú người Nhật Bản. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp cá nhân cư trú người Nhật Bản có thu nhập phát sinh tại Nhật Bản, cơ quan chi trả ở Nhật Bản đã khấu trừ thuế theo quy định của pháp luật Nhật Bản (bao gồm khoản thuế cư trú địa phương) thì được trừ số thuế TNCN đã nộp ở Nhật Bản vào số thuế TNCN phải nộp ở Việt Nam, số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại Nhật Bản và tổng thu nhập chịu thuế.
Cá nhân phải cung cấp bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã nộp ở nước ngoài khi quyết toán thuế TNCN. Trường hợp, theo quy định của luật pháp nước ngoài, cơ quan thuế nước ngoài không cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp, người nộp thuế có thể nộp bản chụp giấy chứng nhận khấu trừ thuế hoặc thư xác nhận của cơ quan chi trả ghi rõ số thuế TNCN đã khấu trừ và đã nộp thuế theo tờ khai thuế thu nhập nào trong hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN.
Công văn số 10384/CT-TTHT về lập hóa đơn GTGT đối với khoản chi hộ khách hàng
Ngày 19/3/2018, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 10384/CT-TTHT về lập hóa đơn GTGT đối với khoản chi hộ khách hàng. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty ký hợp đồng dịch vụ đại lý hàng hải với khách hàng, trong hợp đồng thỏa thuận với khách hàng nhận chi hộ các khoản chi phí phát sinh tại cảng như: Phí, lệ phí hàng hải, phí kiểm định…thì khi chi trả các khoản chi phí này, các nhà cung cấp phải lập hóa đơn, ghi tên và mã số thuế của khách hàng, Công ty không kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hàng hóa mang tên khách hàng. Khi thu lại số tiền chi hộ, Công ty không phải lập hóa đơn, chỉ lập chứng từ thu theo quy định.
Trường hợp, các nhà cung cấp đã lập hóa đơn ghi tên, mã số thuế của Công ty, thì Công ty đề nghị nhà cung cấp thu hồi hóa đơn đã lập để lập lại hóa đơn mang tên khách hàng thuê Công ty chi hộ. Trường hợp, Công ty và khách hàng không thực hiện thu hồi hóa đơn đã lập thi khi thu lại tiền Công ty phải lập hóa đơn GTGT, tính thuế GTGT theo quy định.
Công văn số 11499/CT-TTHT về xác định chi phí được trừ trong trường hợp phạt vi phạm hợp đồng
Ngày 26/3/2018, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 11499/CT-TTHT về xác định chi phí được trừ trong trường hợp phạt vi phạm hợp đồng. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty có phát sinh các khoản chi về tiền phạt, bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế với khách hàng thì khi chi tiền Công ty lập chứng từ chi tiền. Căn cứ vào hợp đồng kinh tế, chứng từ chi tiền Công ty thực hiện xác định tính vào chi phí được trừ theo quy định của thuế thu nhập doanh nghiệp.
Công văn số 12423/CT-TTHT về chi phí trả hộ và điều kiện ghi nhận
Ngày 29/3/2018, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 12423/CT-TTHT về chi phí trả hộ và điều kiện ghi nhận. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp trước khi thành lập công ty các sáng lập viên của công ty có văn bản ủy quyền cho Chủ đầu tư của Công ty và một công ty khác tại Việt Nam (gọi tắt là các tổ chức được ủy quyền) thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư thì với các hóa đơn mua hàng mang tên tổ chức được ủy quyền, Công ty không phải điều chỉnh hóa đơn (thông tin đơn vị mua hàng) và được coi là chứng từ hợp lý, hợp lệ để hạch toán vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu các hóa đơn này đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC. Công ty được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo các hóa đơn GTGT đứng tên tổ chức được ủy quyền theo hướng dẫn tại Điểm b Khoản 12 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC. Công ty phải thực hiện thanh toán cho tổ chức được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.
Trường hợp chủ đầu tư của Công ty tại nước ngoài không kinh doanh tại Việt Nam hoặc không phát sinh thu nhập tại Việt Nam và không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC nêu trên thì không phải nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam.