Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 03/2015

Bản tin thuế

Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan

Theo hướng dẫn tại Thông tư 38/2015/TT-BTC (Thông tư 38) quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, thủ tục hải quan được đơn giản hóa theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Thông tư 38 thay thế hàng loạt thông tư hướng dẫn Luật hải quan cũ, với những thay đổi chính như sau:

– Người khai hải quan không phải nộp hợp đồng thương mại (trừ hàng hóa tạm nhập) và bản kê chi tiết hàng hóa. Trong một số trường hợp, người khai hải quan cũng không cần phải nộp hóa đơn thương mại (ví dụ: doanh nghiệp ưu tiên, gia công hàng hóa, hàng phi mậu dịch, v.v.) trong bộ hồ sơ hải quan. Một tờ khai hải quan được khai tối đa 50 dòng hàng và được khai gộp các mặt hàng có cùng mã số hàng hóa, xuất xứ và thuế suất.

– Việc thay đổi mục đích sử dụng của hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu/nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới.

– Thông tư 38 quy định quy trình tham vấn giá. Đặc biệt, tham vấn một lần có thể áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc cùng một hợp đồng mua bán nhưng được giao theo nhiều chuyến khác nhau.

– Giấy chứng nhận xuất xứ có thể nộp tại thời điểm nhập khẩu hoặc trong thời hạn theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, thuế suất ưu đãi đặc biệt chỉ được áp dụng khi người khai hải quan xuất trình C/O.

– Trường hợp cùng một đối tác đặt gia công và nhận gia công, thương nhân được bù trừ nguyên liệu cùng chủng loại, quy cách, phẩm chất. Không cần làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng nếu nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu không quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập để thực hiện hợp đồng gia công.

– Tổ chức, cá nhân không phải đăng ký định mức sử dụng nguyên liệu đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu, hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài, hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất, nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên vật liệu cho cơ quan hải quan mỗi năm một lần.

– Thủ tục hoàn thuế, không thu thuế cũng được đơn giản hóa do thủ tục hải quan được cải cách (ví dụ: không phải nộp hợp đồng thương mại, thông báo định mức sử dụng, v.v.).

Thông tư 38 cũng hướng dẫn xử lý đối với trường hợp từ chối nhận hàng, quy định thời hạn cụ thể đối với việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp, thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2015, trừ một số quy định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2015.

 

Ngày 31/3/2015, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 2733/TCHQ-GSQL hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về thủ tục hải quan, trong đó có các điểm hướng dẫn cụ thể như sau:

Kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình xếp, dỡ, vận chuyển, lưu giữ tại kho, bãi, cảng, khu vực cửa khẩu; Kiểm tra các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp; Kiểm tra thực tế hàng hóa; Về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu; Biên bản bàn giao hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan; Sử dụng tờ khai hải quan điện tử; Giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; và một số loại hình xuất khẩu, nhập khẩu khác.

 

Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 hướng dẫn về trị giá hải quan, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2015

Thông tư 39 quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với những thay đổi chính như sau:

– Trường hợp trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu được xác định theo trị giá của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự và tại cùng thời điểm xác định được từ hai trị giá của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự trở lên thì áp dụng trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự thấp nhất.

– Chứng từ, tài liệu xác định trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch bao gồm cả hợp đồng mua bán hàng hóa.

– Trường hợp phí bản quyền/phí giấy phép được xác định dựa trên doanh thu bán hàng sau nhập khẩu thì trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày thực trả phí bản quyền/phí giấy phép, người khai hải quan phải khai báo khoản phí này.

– Trường hợp phí bản quyền/phí giấy phép được tính một phần căn cứ vào hàng hóa nhập khẩu, một phần căn cứ vào yếu tố khác không liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và không phân định được phần phí bản quyền/phí giấy phép liên quan đến hàng hóa nhập khẩu thì phương pháp trị giá giao dịch không được áp dụng.

Thông tư 39 cũng quy định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu trong một số trường hợp đặc biệt khi chưa xác định được giá chính thức tại thời điểm nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng đã đăng ký ban đầu và các trường hợp mà người bán và người mua được xem là có mối quan hệ đặc biệt.

 

Công văn về việc điều chỉnh hóa đơn

Ngày 24/03/2015, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 1005/TCT-CS về việc điều chỉnh hóa đơn. Theo đó, trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng ghi đúng mã số thuế của người mua thì người mua và người bán lập biên bản điều chỉnh, không lập hóa đơn điều chỉnh theo hướng dẫn tại điểm b khoản 7 điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015. Các trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót khác thì thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.

 

Công văn về ưu đãi Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Ngày 25/03/2015, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 1029/TCT-CS về ưu đãi thuế TNDN. Theo đó:

– Tại điểm 6 Phần I Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:

“6. Doanh nghiệp đang hoạt động từ năm 2009 có dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì phần thu nhập từ dự án đầu tư này sẽ không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Các dự án đầu tư trước năm 2009 đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (theo diện ưu đãi đầu tư mở rộng) thì tiếp tục được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại và phần thu nhập tăng thêm của các dự án đầu tư mở rộng đang áp dụng thuế suất 28% được chuyển sang áp dụng thuế suất 25%”.

Căn cứ các quy định nêu trên, Công ty được thành lập năm 2008 thì Công ty là cơ sở sản xuất kinh doanh thành lập mới từ dự án đầu tư, Công ty được hưởng ưu đãi thuế TNDN nếu thực tế Công ty đáp ứng điều kiện ưu đãi theo quy định. Trường hợp Công ty đang hoạt động, trong năm 2009 có thực hiện dự án đầu tư mở rộng và đi vào sản xuất kinh doanh sau năm 2009 thì doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ dự án đầu tư mở rộng, không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.