Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 08/2015

Bản tin thuế

Thông tư về Mã số doanh nghiệp và Cơ quan quản lý thuế

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 127/2015/TT-BTC ngày 21/08/2015 (“Thông tư 127”) hướng dẫn về việc cấp mã số doanh nghiệp mới thanh lập và phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp.

Theo đó, Thông tư 127 có những điểm quan trọng như sau:

Trình tự thực hiện cấp mã số doanh nghiệp tự động

Kể từ ngày 10/10/2015, căn cứ thông tin giao dịch điện tử về doanh nghiệp đăng ký thành lập mới do Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp truyền sang, Hệ thống Đăng ký thuế của Tổng cục Thuế tự động thực hiện kiểm tra tính đầy đủ, chính xác, hợp pháp của các thông tin liên quan trên hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý thuế. Nếu thông tin đầy đủ và đúng quy định, hệ thống sẽ tự động tạo mã số doanh nghiệp và thực hiện phân công cơ quan Thuế trực tiếp quản lý đối với doanh nghiệp.

Theo Hệ thống mới này, không còn quy định phải đăng ký riêng mã số thuế. Theo quy định tại Điều 30, Luật Doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện “các nghĩa vụ thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác”.

Về phân công cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp:

Cục Thuế trực tiếp quản lý đối với các doanh nghiệp:

  • Doanh nghiệp nhà nước.
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Doanh nghiệp dự án BOT, BTO, BT.
  • Doanh nghiệp hạch toán toàn ngành, doanh nghiệp hoạt động trên nhiều địa bàn (như thủy điện, bưu chính, viễn thông, xây dựng cơ bản…); doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn; doanh nghiệp có số thu ngân sách được phân bố cho nhiều địa bàn cấp tỉnh hoặc nhiều địa bàn cấp huyện trên cùng tỉnh, thành phố được thụ hưởng theo quy định của pháp luật;
  • Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thuộc ngành, nghề kinh doanh đặc thù, có tính chất pháp lý phức tạp như: hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, kế toán, kiểm toán, hoạt động pháp luật, khai khoáng.

Chi cục Thuế trực tiếp quản lý các doanh nghiệp còn lại có địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn cấp huyện.

 

Các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế cảnh báo trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp gồm:

  • Cá nhân là người quản lý doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã bị cơ quan Thuế chuyển cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về thuế.
  • Doanh nghiệp có cá nhân là “người quản lý doanh nghiệp” hoặc thành viên của Hội đồng thành viên, thành viên của Hội đồng quản trị hoặc thành viên hợp danh mà trước đó các cá nhân này là Chủ doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp tư nhân); Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần); thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh) và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã bị cơ quan thuế thông báo doanh nghiệp không còn kinh doanh ở địa chỉ đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
  • Doanh nghiệp thành lập trái với các quy định của Luật Doanh nghiệp như: cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh thì không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân và ngược lại; thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác.

Thông tư số 127/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2015.

 

Công văn về thuế đối với nguyên vật liệu thừa tồn kho của Doanh nghiệp Chế xuất

Ngày 24/07/2015, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 6790/TCHQ-TXNK về việc không thu thuế đối với nguyên vật liệu thừa tồn kho của Doanh nghiệp Chế xuất.

Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 21, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 của Chính phủ thì: “Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 2, Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/08/2010 của Chính phủ thì: “Hàng hóa từ khu phi thuế quan xuất khẩu ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa đưa từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác” thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.”

Căn cứ quy định tại khoản 20, Điều 5, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12 thì: “Hàng hóa dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.”

Căn cứ quy định tại Điều 39, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11, cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:

“a) Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai báo căn cứ tính thuế, tính và kê khai số thuế phải nộp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các căn cứ tính thuế làm cơ sở cho việc tính thuế;

  1. b) Người khai thuế từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài quá thời hạn quy định việc cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan hải quan để xác định chính xác số thuế phải nộp;
  2. c) Cơ quan hải quan có đủ bằng chứng về việc khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế;
  3. d) Người khai thuế không tự tính được số thuế phải nộp.”

Căn cứ các quy định nêu trên, việc xử lý thuế đối với lượng nguyên liệu thừa tồn kho lớn hơn báo cáo quyết toán nguyên liệu với cơ quan hải quan, được thực hiện như sau:

  1. Về thuế nhập khẩu

Trường hợp nguyên liệu thừa của DNCX vẫn được lưu tại kho, chưa chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp không vi phạm quy định tại Điều 39, Luật Quản lý Thuế, thì số nguyên liệu thừa này không thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định tại Nghị định số 87/2010/NĐ-CP. Do đó, cơ quan hải quan chưa thực hiện ấn định thuế nhập khẩu đối với số nguyên liệu này.

  1. Về thuế giá trị gia tăng

Trường hợp DNCX không vi phạm quy định tại Điều 39 Luật Quản lý thuế thì số nguyên liệu thừa này không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định tại Điều 5, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12, cơ quan hải quan chưa thực hiện ấn định thuế GTGT đối với số nguyên liệu này.

Trường hợp phát hiện doanh nghiệp tự ý tiêu thụ nội địa hoặc có hành vi gian lận, trốn thuế thì thực hiện ấn định thuế nhập khẩu và thuế GTGT theo đúng quy định.

 

Công văn về thuế nhà thầu

Ngày 30/06/2015, Tổng Cục thuế đã có Công văn số 2652/TCT-HTQT về thuế nhà thầu nước ngoài đối với việc bán hàng hóa từ kho ngoại quan vào thị trường nội địa.

Khoản 5, Điều 1 và Điều 2, Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chính sách thuế đối với nhà thầu nước ngoài quy định về:

– Đối tượng áp dụng như sau:

“5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại.”

– Đối tượng không áp dụng như sau:

“5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa (ICD) làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công.”

Căn cứ vào quy định trên thì trường hợp doanh nghiệp sử dụng kho ngoại quan làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công thì sẽ thuộc đối tượng không áp dụng theo Thông tư số 103/2014/TT-BTC nêu trên.

Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài duy trì hàng hóa trong kho ngoại quan tại Việt Nam cho mục đích giao hàng và bán cho khách hàng Việt Nam sẽ thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu nước ngoài theo Thông tư số 103/2014/TT-BTC nêu trên.

 

Công văn số 3159/CT-TTHT ngày 15/04/2015 của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn về thuế GTGT – Thuế nhà thầu đối với chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ và quyền sử dụng tài sản trí tuệ.

Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (gọi tắt là thuế nhà thầu):

Trường hợp Công ty ký hợp đồng với nhượng quyền nhãn hiệu có kèm theo chuyển quyền sở hữu trí tuệ thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, Công ty không phải khấu trừ thuế GTGT của nhà thầu nước ngoài. Nếu là hợp đồng nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu có thời hạn thì Công ty phải khấu trừ thuế GTGT nhà thầu để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC.