Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 06/2018

Bản tin thuế

Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế

Ngày 22/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế. Theo đó, chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế cụ thể như sau:

  1. Khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo pháp luật về đầu tư. Khu công nghiệp được thành lập tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư.
  2. Khu kinh tế là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư.
  3. Đối tượng, nguyên tắc và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư của dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư.
  4. Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế là chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế được hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.

  1. Nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án.

Đồng thời, trong khu công nghiệp, khu chế xuất không cho phép dân cư sinh sống, chỉ người nước ngoài (gồm nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia) được tạm trú trong trường hợp cần thiết.

Việc tạm trú của người nước ngoài phải đáp ứng điều kiện sau:

– Để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

– Không kèm theo gia đình và người thân;

– Phải tuân thủ thủ tục đăng ký và khai báo tạm trú theo quy định hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

– Nơi ở của nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia nước ngoài phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng; cam kết đảm bảo an ninh, trật tự và không ảnh hưởng đến hoạt động của khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nghị định 82/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/7/2018, thay thế các nghị định số 29/2008/NĐ-CP, 164/2013/NĐ-CP, 114/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

 

Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về thủ tục hải quan áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Ngày 22/04/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về thủ tục hải quan áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Những thay đổi đáng chú ý như sau:

Kiểm tra trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm thông quan

  1. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 21. Kiểm tra, xác định trị giá hải quan

  1. Việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan căn cứ trên hồ sơ hải quan, các chứng từ tài liệu có liên quan, thực tế hàng hóa.
  2. Trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông báo, đề nghị người khai hải quan thực hiện khai bổ sung trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo và giải phóng hàng theo quy định. Nếu người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Quá thời hạn mà người khai hải quan không khai bổ sung thì cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
  3. Trường hợp nghi vấn về trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông báo cơ sở nghi vấn, mức giá, phương pháp do cơ quan hải quan dự kiến xác định và giải phóng hàng hóa theo quy định, người khai hải quan thực hiện tham vấn với cơ quan hải quan nhằm làm rõ về tính chính xác của trị giá khai báo.

a) Trường hợp người khai hải quan đồng ý với mức giá, phương pháp do cơ quan hải quan dự kiến xác định thì thực hiện khai bổ sung theo quy định trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày đến cơ quan hải quan thực hiện tham vấn, cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Trường hợp người khai hải quan không khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.

b) Trường hợp bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan đề nghị người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tham vấn. Nếu người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Quá thời hạn mà người khai hải quan không khai bổ sung thì cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.

c) Trường hợp chưa đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo trị giá khai báo.

Được giải phóng hàng hóa trong trường hợp bị bác bỏ trị giá hải quan

  1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 32 như sau:

“1. Giải phóng hàng hóa được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật hải quan. Các trường hợp được giải phóng hàng bao gồm:

b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai và người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở giá do người khai hải quan tạm tính;

d) Người khai hải quan chưa có đủ thông tin, tài liệu để xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì được giải phóng hàng hóa nếu được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định.

Việc thực hiện kiểm tra cơ sở áp dụng đối với các đối tượng thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 3 Điều 39 như sau:

“1. Các trường hợp kiểm tra:

a) Tổ chức, cá nhân lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu;

b) Khi phát hiện có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân thay đổi thông tin về địa chỉ, ngành hàng, quy mô, năng lực sản xuất nhưng không thông báo với cơ quan hải quan;

c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để gia công cho thương nhân nước ngoài nhưng thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công lại toàn bộ hợp đồng gia công;

d) Khi phát hiện dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân lưu giữ nguyên liệu vật tư, linh kiện nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu ngoài các địa điểm đã thông báo với cơ quan hải quan;

đ) Các trường hợp khác kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.

  1. Xử lý kết quả kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất:

a) Trường hợp không có cơ sở gia công, sản xuất thì tổ chức, cá nhân phải nộp đủ các loại thuế, tiền chậm nộp kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đến ngày thực nộp thuế và bị xử phạt vi phạm theo quy định đối với số lượng nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu không được ưu đãi thuế theo quy định;

b) Trường hợp có đủ căn cứ xác định tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị vượt quá năng lực sản xuất hoặc thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật mà tổ chức, cá nhân không xuất trình được giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc nhập khẩu nguyên liệu vật tư, máy móc, thiết bị không phù hợp với ngành nghề sản xuất đã thông báo với cơ quan hải quan thì cho phép tổ chức, cá nhân được giải trình, chứng minh; trường hợp tổ chức, cá nhân không giải trình hoặc giải trình, chứng minh không hợp lý thì xử lý theo quy định và thực hiện kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành.”

Nghị định 59 sẽ có hiệu lực từ ngày 05/6/2018.

 

Công văn số 5120/BCT-KH hướng dẫn thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa.

Ngày 28/6/2018, Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 5120/BCT-KH hướng dẫn thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa. Nội dung cụ thể như sau:

  1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn sau khi đăng ký thực hiện các hoạt động này tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 09/2018. Theo đó, đối với hàng hóa thuộc danh mục xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối theo giấy phép, theo điều kiện, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn tương ứng sau khi đã được cấp giấy phép hoặc đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật.

  1. Nghị định số 09/2018/NĐ-CP không có quy định bắt buộc kê khai danh mục hàng hóa đăng ký thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối theo mã HS. Việc xác định phạm vi danh mục hàng hóa và kê khai danh mục hàng hóa theo mã HS, theo tên gọi hay theo chương… là quyền của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế trên cơ sở tự cân đối nhu cầu, năng lực kinh doanh và khả năng tài chính, sự thuận tiện khi thực hiện các thủ tục thông quan, kê khai thuế phù hợp với quy định pháp luật về thuế, tài chính, thủ tục hải quan có liên quan.
  2. Việc kê khai mã HS của hàng hóa trong hồ sơ khai báo Hải quan thực hiện theo quy định pháp luật về thủ tục hải quan. Trong trường hợp gặp vướng mắc về việc kê khai hồ sơ khai báo Hải quan, đề nghị Công ty liên hệ với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để được hướng dẫn thực hiện theo đúng thẩm quyền.

 

Công văn số 2171/TCT-CS trả lời chính sách thuế GTGT.

Ngày 4/6/2018, Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 2171/TCT-CS trả lời chính sách thuế GTGT. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp công ty cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ cho khách hàng ở nước ngoài và máy chủ được đặt tại công ty (Việt Nam) thì dịch vụ này không được coi là dịch vụ xuất khẩu và thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.

 

Công văn số 2233/TCT-CS trả lời chính sách thuế GTGT.

Ngày 5/6/2018, Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 2233/TCT-CS trả lời chính sách thuế GTGT. Nội dung cụ thể như sau:

Từ ngày 01/7/2016 đến trước ngày 01/02/2018, sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản thì thuộc đối tượng tính tỷ lệ trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

Từ ngày 01/02/2018, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ, sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác) do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Luật thuế giá trị gia tăng.

 

Công văn số 2301/TCT-CS về chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Ngày 11/6/2018, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 2301/TCT-CS về việc hoàn thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu của Doanh nghiệp xuất khẩu. Nội dung cụ thể như sau:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên thì chỉ có “trường hợp phía nước ngoài (bên nhập khẩu) ủy quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán; bên thứ ba yêu cầu tổ chức ở Việt Nam (bên thứ tư) thanh toán bù trừ công nợ với bên thứ ba bằng việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền bên nhập khẩu phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu” mới được coi là thanh toán qua ngân hàng và được chấp thuận khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu.

Trường hợp Doanh nghiệp xuất khẩu xuất 1 lô hàng trị giá bằng ngoại tệ USD cho đối tác nước ngoài, lô hàng đã thực xuất và được thông quan, việc thanh toán được bên nhập khẩu là đối tác nước ngoài ủy quyền cho bên thứ ba là Ngân hàng TNHH một thành viên Shinhan tại Việt Nam thanh toán cho bên xuất khẩu là Doanh nghiệp xuất khẩu theo thỏa thuận tại Phụ lục hợp đồng giữa hai bên thì hình thức thanh toán này là chưa phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên.

 

Công văn số 2351/TCT-CS về Doanh nghiệp chế xuất thực hiện gia công cho Doanh nghiệp nội địa.

Ngày 13/06/2018, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 2351/TCT-CS về Doanh nghiệp chế xuất thực hiện gia công cho Doanh nghiệp nội địa. Nội dung cụ thể như sau:

Tham khảo ý kiến đóng góp của Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc doanh nghiệp chế xuất có được thực hiện gia công cho doanh nghiệp nội địa hay không, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Ngày 30/11/2017, Bộ Công thương đã có công văn số 11372/BCT-KH có nội dung như sau:

“1. Hoạt động gia công thuộc phạm vi quy định tại Chương VI Luật Thương mại năm 2005.

Quy định pháp luật hiện hành không hạn chế việc doanh nghiệp chế xuất đã có ngành nghề thực hiện hoạt động gia công thì được quyền nhận gia công cho các thương nhân nước ngoài, nhận gia công và gia công lại cho thương nhân trong nước.

2.Theo đó, trường hợp doanh nghiệp chế xuất đã có Giấy chứng nhận đầu tư sản xuất sản phẩm thì có quyền nhận gia công cho doanh nghiệp nội địa. Trong trường hợp này, doanh nghiệp chế xuất là bên nhận gia công và doanh nghiệp nội địa là bên đặt gia công”.

Căn cứ các quy định và hướng dẫn trên, trường hợp Công ty (là doanh nghiệp chế xuất nằm trong khu chế xuất) nhận sản xuất và gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nội địa thì Tổng cục Thuế thống nhất với ý kiến xử lý về việc kê khai, nộp thuế GTGT đối với doanh thu từ hoạt động gia công với các doanh nghiệp nội địa. Việc đăng ký phương pháp tính thuế và hóa đơn thực hiện theo quy định.

 

Công văn số 2453/TCT-CS về hoàn thuế GTGT.

Ngày 20/06/2018, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 2453/TCT-CS về hoàn thuế GTGT. Nội dung cụ thể như sau:

Căn cứ quy định tại tiết 3 khoản 6 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ về các trường hợp không được hoàn thuế GTGT (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016);

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ, đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu (có hiệu lực từ ngày 01/02/2018);

Căn cứ quy định trên, từ ngày 01/07/2016 đến trước ngày 01/02/2018, trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu thì không thuộc trường hợp được hoàn thuế GTGT.

 

Công văn số 37304/CT-TTHT về nghĩa vụ thuế liên quan đến các khoản thanh toán và tiền bồi thường cho nhà thầu nước ngoài.

Ngày 4/6/2018, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 37304/CT-TTHT về nghĩa vụ thuế liên quan đến các khoản thanh toán và tiền bồi thường cho nhà thầu nước ngoài. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp ngày 26/6/2014, Đơn vị ký Hợp đồng mua bán cổ phần cho Nhà thầu nước ngoài, Đơn vị đã nhận đủ tổng giá trị chuyển nhượng cổ phần sau đó đến ngày 28/9/2017 do các điều kiện của Hợp đồng không được hoàn tất (theo đơn vị trình bày thì Nhà thầu nước ngoài không nằm trong WTO nên không được chấp thuận đầu tư vào lĩnh vực phân phối tại Việt Nam) dẫn đến Đơn vị và Nhà thầu nước ngoài phải ký Thỏa thuận hủy bỏ Hợp đồng mua bán cổ phần ngày 26/6/2014, Đơn vị phải hoàn trả lại tổng giá trị chuyển nhượng cổ phần là 199 tỷ VND và bồi thường đền bù thiệt hại là 60 tỷ VND cho Nhà thầu nước ngoài thì:

1/ Về thuế nhà thầu:

– Đối với khoản tiền hoàn trả cho Nhà thầu nước ngoài không phải là thu nhập của Nhà thầu nước ngoài nên không thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu.

– Đối với khoản tiền bồi thường cho Nhà thầu nước ngoài, khi Đơn vị chi trả khoản tiền bồi thường cho Nhà thầu nước ngoài thì khoản tiền bồi thường Nhà thầu nước ngoài nhận được phải nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam. Cụ thể:

– Về thuế GTGT: thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

– Về thuế TNDN: áp dụng tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế 2%.

2/ Về hạch toán chi phí khoản tiền bồi thường:

Do khoản tiền bồi thường không tương ứng với doanh thu tính thuế của Đơn vị nên không được hạch toán vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính.

 

Công văn số 37322/CT-TTHT về chính sách thuế GTGT đối với hoạt động cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất. 

Ngày 4/6/2018, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 37322/CT-TTHT về chính sách thuế GTGT đối với hoạt động cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng, nếu dịch vụ tiêu dùng trong khu phi thuế quan và đáp ứng điều kiện tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì được áp dụng thuế suất GTGT 0% theo quy định.

Trường hợp Công ty cung cấp cho khách hàng các dịch vụ: Quan hệ với phương tiện truyền thông, theo dõi và báo cáo về các phương tiện truyền thông để quản lý việc quảng bá hình ảnh; PR các sự kiện và kiểm soát thông tin về khách hàng tại các phương tiện truyền thông ở Việt Nam thì các dịch vụ này được thực hiện và tiêu dùng tại Việt Nam (ngoài khu phi thuế quan) thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 10%.

 

Công văn số 41659/CT-TTHT trả lời thuế TNDN, TNCN đối với chi phí phúc lợi.

Ngày 19/6/2018, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 41659/CT-TTHT trả lời thuế TNDN, TNCN đối với chi phí phúc lợi. Nội dung cụ thể như sau:

  1. Về thuế TNDN:

Trường hợp Công ty có quy định chi tiền nghỉ mát trực tiếp cho người lao động là khoản chi có tính chất phúc lợi đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, đồng thời tổng số chi nghỉ mát và các khoản chi có tính chất phúc lợi khác của Công ty không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế, thì các khoản chi tiền nghỉ mát này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

  1. Về thuế TNCN:

Trường hợp khoản chi nghỉ mát do Công ty chi trả cho người lao động nếu nội dung chi trả ghi rõ tên các cá nhân được hưởng thì tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động theo quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

 

Công văn số 43767/CT-TTHT trả lời chính sách thuế.

Ngày 26/6/2018, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 43767/CT-TTHT trả lời chính sách thuế. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty có quan hệ liên kết với Công ty mẹ ở nước ngoài, theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP có phát sinh giao dịch liên kết (giao dịch Công ty mẹ bảo lãnh cho khoản vay của Công ty tại các ngân hàng) và giao dịch phát sinh với các bên độc lập (giao dịch giữa Công ty và các ngân hàng) thì Công ty xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Trong đó chi phí lãi vay xác định theo nguyên tắc nêu trên là tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của Công ty (không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ các bên liên kết hay từ các bên độc lập).