Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 08/2019

Bản tin thuế

Thông tư số 60/2019/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ngày 30/08/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 60/2019/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Nội dung thông tư có một số điểm mới như sau:

Bổ sung quy định về Tiêu chí xây dựng Danh sách doanh nghiệp có rủi ro về trị giá hải quan, cụ thể:

Thứ nhất, tại thời điểm đánh giá, doanh nghiệp bị cơ quan hải quan đánh giá là không tuân thủ pháp luật.

Thứ hai, tại thời điểm đánh giá, doanh nghiệp bị cơ quan hải quan phân loại là doanh nghiệp rủi ro cao hoặc doanh nghiệp rủi ro rất cao hoặc doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa dưới 365 ngày.

Thứ ba, trong thời gian 730 ngày (02 năm) trở về trước tính đến ngày đánh giá, doanh nghiệp bị cơ quan hải quan xử lý vi phạm về hành vi khai sai trị giá hải quan dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, với mức độ xử phạt và số tiền xử phạt theo quy định của Bộ Tài chính hoặc bị cơ quan quản lý Nhà nước xử lý vi phạm về hành vi gian lận, trốn thuế.

Thông tư này cũng sửa đổi quy định về nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu; Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu; Cơ sở dữ liệu trị giá hải quan tại Thông tư 39/2015/TT-BTC.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.

 

Thông tư số 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.

Ngày 08/08/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2019/TT-BTC hướng dẫn về việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng tại doanh nghiệp. Nội dung thông tư có một số điểm mới như sau:

Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư, dự phòng tổn thất nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng làm cơ sở xác định khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.Việc trích lập các khoản dự phòng cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính của các tổ chức kinh tế thực hiện theo pháp luật về kế toán.

Nguyên tắc chung trong trích lập các khoản dự phòng:

Thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm lập báo cáo tài chính năm. Theo hướng dẫn quy định cũ (Thông tư 228/2009/TT-BTC): thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm cuối kỳ kế toán năm.

Dự phòng giảm giá hàng tồn kho:

Không có thay đổi đáng kể.

Dự phòng nợ phải thu khó đòi:

Về căn cứ chứng từ trích lập, trong trường hợp doanh nghiệp không có đối chiếu công nợ thì phải có văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát).

Bổ sung thêm mức trích lập riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng hóa, khoản nợ phải thu cước dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình trả sau và khoản nợ phải thu do bán lẻ hàng hóa theo hình thức trả chậm/trả góp của các đối tượng nợ là cá nhân đã quá hạn thanh toán.

Dự phòng các khoản đầu tư tài chính:

Doanh nghiệp không trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư ra nước ngoài. Chỉ được trích lập rủi ro đối với các khoản đầu tư tài chính trong nước.

Không được trích lập dự phòng trong trường hợp tổ chức kinh tế nhận vốn góp không lập báo cáo tài chính cùng thời điểm với doanh nghiệp trừ trường hợp tổ chức kinh tế nhận vốn góp đã ngừng hoạt động và đang chờ xử lý hoặc được phép lập báo cáo tài chính khác với thời điểm lập báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp góp vốn thì căn cứ vào báo cáo tài chính quý gần nhất của tổ chức kinh tế nhận vốn góp.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2019 và áp dụng cho năm tài chính 2019.

Thông tư này làm hết hiệu lực Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của Bộ Tài chính, Thông tư 34/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011; Thông tư 89/2013/TT-BTC ngày 28/06/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 và các văn bản khác quy định về trích lập và sử dụng các khoản dự phòng trái với quy định của Thông tư này.

 

Công văn số 1520/CT-TTHT về chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào nội địa

Ngày 05/08/2019, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Công văn số 1520/CT-TTHT về chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào nội địa. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp, ngoài hoạt động sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, Doanh nghiệp chế xuất còn được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại tại Việt Nam, thì hàng hóa mua, bán trong kinh doanh thương mại thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Công ty phải thực hiện đăng ký, kê khai nộp thuế GTGT, sử dụng hóa đơn như doanh nghiệp nội địa; nếu không thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại, thì Công ty phải hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại và bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa riêng, ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế xuất.

Hoạt động kinh doanh thương mại, Công ty đã thực hiện đăng ký tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, thì thuế GTGT của hoạt động kinh doanh thương mại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế GTGT. Cụ thể như sau:

– Khi mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại:

Trường hợp, mua từ doanh nghiệp nội địa: Bên bán hàng, cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn có thuế tương ứng (5% hoặc 10%) với hàng hóa, dịch vụ giao cho Công ty làm căn cứ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào;

Mua hàng hóa của các DNCX (hàng hóa do DNCX sản xuất), Công ty thực hiện thủ tục hải quan, nộp thuế GTGT khi nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan. Chứng từ nộp thuế GTGT khi nhập khẩu là căn cứ kê khai khấu trừ thuế GTGT;

Nguyên tắc, điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi bổ sung theo quy định Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC;

– Áp dụng thuế suất:

Khi xuất khẩu ra nước ngoài, bán hàng hóa dịch vụ sản xuất hàng xuất khẩu cho DNCX khác được áp dụng thuế suất 0% theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính;

Khi bán hàng hóa cho doanh nghiệp nội địa Công ty sử dụng hóa đơn GTGT, áp dụng thuế suất thuế GTGT theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC;

– Hoàn thuế GTGT: Trường hợp, hoạt động kinh doanh thương mại của Công ty trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/03/2018 của Bộ Tài chính.

 

Công văn số 17082/CT-TT&HT về hóa đơn điện tử

Ngày 22/08/2019, Cục thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 17082/CT-TT&HT về hóa đơn điện tử. Nội dung cụ thể như sau:

Nội dung của hóa đơn điện tử quy định tại khoản 1, Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính cũng như khoản 1, Điều 6 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ không bắt buộc nội dung ngày ký hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử đáp ứng đủ quy định tại khoản 5 Điều 3, các Điều 6, 7, 8 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/92018 và bảo đảm tính toàn vẹn của thông tin là hóa đơn hợp pháp.

Trường hợp hóa đơn điện tử có ngày ký hóa đơn thì Công ty phải lập, ký và gửi hóa đơn điện tử cho người mua trong cùng một ngày, ngày lập hóa đơn điện tử thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 7 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018. Trường hợp do đặc thù hoạt động mà ngày ký hóa đơn điện tử thực hiện sau ngày lập hóa đơn điện tử thì Công ty phải căn cứ vào ngày lập hóa đơn điện tử để xác định nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và hạch toán.

 

Công văn số 2262/CT-TTHT về chính sách thuế

Ngày 20/08/2019, Cục thuế thành phố Hải Phòng đã ban hành Công văn số 2262/CT-TTHT về chính sách thuế. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty là doanh nghiệp chế xuất ngoài hoạt động sản xuất, gia công để xuất khẩu, Công ty có sản xuất, gia công hàng hóa để tiêu thụ tại thị trường nội địa và bổ sung thêm chức năng: Cung cấp dịch vụ sửa chữa, kiểm hàng cho doanh nghiệp nội địa thì sử dụng hóa đơn, nghĩa vụ thuế GTGT và ưu đãi thuế TNDN đối với doanh thu, thu nhập phát sinh trong trường hợp này được thực hiện như sau:

–  Về sử dụng hóa đơn và nghĩa vụ thuế GTGT

Đối với hoạt động bán hàng hóa do Công ty sản xuất cho doanh nghiệp nội địa hoặc gia công, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất thì Công ty sử dụng hóa đơn bán hàng để lập và giao cho khách hàng (mẫu 07KPTQ-Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính) và không phải kê khai nộp thuế GTGT. Doanh nghiệp nội địa mua hàng hóa của Công ty thực hiện thủ tục hải quan và kê khai nộp thuế với cơ quan Hải quan theo quy định.

Đối với hoạt động gia công hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp nội địa (doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp chế xuất), Công ty phải hạch toán riêng hoạt động này và đăng ký kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định, theo đó:

Trường hợp Công ty đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ cho hoạt động này thì Công ty sử dụng hóa đơn GTGT, áp dụng mức thuế suất thuế GTGT theo Điều 10, Điều 11 Thông tư số 219/013/TT-BTC.

Trường hợp Công ty đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp cho hoạt động này thì Công ty sử dụng hóa đơn bán hàng để lập và giao cho khách hàng (Mẫu số 07KPTQ-Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính) và thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp tại Tờ khai thuế GTGT mẫu số 04/GTGT; trong đó tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu gia công và cung ứng dịch vụ là 5%.

– Về ưu đãi thuế TNDN

Trường hợp Công ty cung cấp hàng hóa (do Công ty sản xuất) cho các doanh nghiệp theo đúng dự án được cấp ban đầu mà không thuộc dự án đầu tư mở rộng thì thu nhập từ hoạt động này vẫn được hưởng ưu đãi thuế như dự án ban đầu đang được hưởng (nếu còn).

Trường hợp Công ty bổ sung ngành nghề kinh doanh:

Nếu việc bổ sung ngành nghề kinh doanh kể cả có đăng ký trong Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không có dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu từ mở rộng và không tăng vốn đầu tư thì thu nhập từ ngành nghề bổ sung này không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Nếu Công ty bổ sung ngành nghề thuộc dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu tư mở rộng đáp ứng một trong ba tiêu chí quy định tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì Công ty được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế TNDN theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu còn) hoặc được áp dụng thời gian miễn, giảm thuế TNDN đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên địa bàn.

 

Công văn số 1903/CT-TTHT về ưu đãi thuế TNDN

Ngày 22/08/2019, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Công văn số 1903/CT-TTHT về ưu đãi thuế TNDN. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty có dự án đầu tư đang thực hiện tại địa bàn không thuộc điện được ưu đãi thuế, nay di chuyển dự án đến thực hiện tại địa bàn ưu đãi thuế thì thu nhập từ dự án này không thuộc diện được ưu đãi thuế theo điều kiện địa bàn đầu tư.

Trường hợp Công ty sau khi dự án di chuyển đến địa bàn ưu đãi, Công ty có tăng vốn đầu tư để mở rộng dự án, nếu đáp ứng một trong các tiêu chí về dự án đầu tư mở rộng thì phần thu nhập tăng thêm do dự án mở rộng mang lại được được ưu đãi thuế.

 

Công văn số 15889/CT-TT&HT về điều kiện xác định cá nhân cư trú để tính thuế TNCN

Ngày 12/08/2019, Cục thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 15889/CT-TT&HT về điều kiện xác định cá nhân cư trú để tính thuế TNCN. Nội dung cụ thể như sau:

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người nước ngoài có đăng ký tạm trú theo địa chỉ công ty, có thẻ tạm trú trên 1 năm, có giấy phép lao động đầy đủ theo thời hạn trên 1 năm nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế và không chứng minh được là cá nhân cư trú nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm b.2.2, khoản 1, Điều 1, Thông tư số 111/2013 ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

 

Công văn số 2250/CT-TTHT về chính sách thuế

Ngày 20/08/2019, Cục thuế tỉnh Hải Phòng đã ban hành Công văn số 2250/CT-TTHT về chính sách thuế. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty là doanh nghiệp chế xuất có hoạt động cho thuê nhà xưởng, văn phòng thì nghĩa vụ thuế GTGT và thuế TNDN đối với ngành nghề cho thuê nhà xưởng, văn phòng của Công ty được thực hiện như sau:

– Về hóa đơn và thuế GTGT: Đối với hoạt động cho thuê nhà xưởng, văn phòng, Công tư sử dụng hóa đơn bán hàng để lập và giao cho khách hàng (Mẫu số 07KPTQ-Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính) (bao gồm cả khách hàng thuê là doanh nghiệp chế xuất hay doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp chế xuất). Đồng thời, Công ty thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT như sau:

Nếu khách hàng thuê nhà xưởng, văn phòng là doanh nghiệp chế xuất thì doanh thu cho thuê nhà xưởng, văn phòng của công ty thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Nếu khách hàng thuê nhà xưởng, văn phòng không phải là doanh nghiệp chế xuất, không phải tổ chức cá nhân trong khu phi thuế quan thì Công ty thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp tại Tờ khai thuế GTGT mẫu số 04/GTGT, trong đó, tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu cho thuê nhà xưởng, văn phòng là 5%.

– Về thuế TNDN: Trường hợp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty bổ sung ngành nghề cho thuê nhà xưởng, văn phòng cũng như ngành nghề kinh doanh khác với hoạt động sản xuất được ghi trong Giấy chứng nhạn đầu tư lần đầu mà không tăng vốn đầu tư, không gắn với thực hiện dự án đầu tư mở rộng để tăng quy mổ thì khoản thu nhập từ ngành nghề bổ sung này không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.