BẢN TIN THUẾ THÁNG 05/2016
Nghị định mới về xử phạt trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn
Ngày 27 tháng 05 năm 2016, Chính phủđã ban hành Nghị định số 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Theo đó, có các nội dung đáng chú ý như sau:
- Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn (sau đây gọi chung là mất hóa đơn) đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn hoặc hóa đơn đã lập theo bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt từ 4 – 8 triệu đồng (Quy định hiện hành là phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng).
Nếu mất hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị phạt tiền.
- Trường hợp mất hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng), người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hợp đồng, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa thì xử phạt như sau:
-Nếu có một tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung tiền phạt.
-Nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt cảnh cáo.
- Trường hợp mất hóa đơn, trừ liên giao cho khách hàng, trong thời gian lưu trữ thì xử phạt theo pháp luật về kế toán.
- Trường hợp người bán tìm lại được hóa đơn đã mất (liên giao cho khách hàng) khi cơ quan thuế chưa ban hành quyết định xử phạt thì người bán không bị phạt tiền.
Nghị định số 49/2016/ND-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.
Nghị định mới bổ sung những điểm mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Ngày 26 tháng 05 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2016/NĐ-CP được bổ sung nhiều nội dung mới về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Theo đó, có các nội dung đáng chú ý như sau:
- Thêm trường hợp xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế cao hơn so với quy định của pháp luật về thuế áp dụng đối với hành vi không khai hoặc khai sai về tên hàng hóa, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, mã hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan nhưng người nộp thuế đã tự phát hiện và khai bổ sung sau thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ và trước thời điểm thông quan hàng hóa.
- Mức phạt bằng 20% số thuế thiếu hoặc số thuế được miễn, giảm, không thu cao hơn so với quy định của pháp luật đối với việc quản lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm gia công, sản phẩm xuất khẩu, chế xuất dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với chứng từ, sổ sách kế toán, hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không thuộc các trường hợp gian lận, trốn thuế.
- Xử phạt vi phạm về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cảng, kho, bãi.
- Áp dụng mức phạt đến 2 triệu đồng cho hành vi vi phạm thời hạn theo quy định của việc (i) cung cấp báo cáo đối với Doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan; (ii) báo cáo về lượng hàng hóa nhập khẩu phục vụ xây dựng nhà xưởng, hàng hóa gửi ngoài của Doanh nghiệp chế xuất; (iii) một số báo cáo khác theo quy định hành chính.
- Mức phạt đến 20 triệu đồng cho hành vi khai báo hàng hóa nhập khẩu theo loại hình Gia công, sản xuất xuất khẩu mà không có cơ sở thực hiện sản xuất.
- Tăng mức phạt tối thiểu lên 1 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý kho ngoại quan và kho bảo thuế.
Nghị định số 45/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.
Công văn số 1906/TCT-TNCN trả lời về việc cấp hóa đơn lẻ cho hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Ngày 06 tháng 05 năm 2016, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 1906/TCT-TNCN hướng dẫn về việc cấp hóa đơn lẻ đối với cá nhân không kinh doanh có phát sinh bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT. Tổng Cục thuế đưa ra ý kiến như sau:
Tại khoản 1, khoản 3, Điều 13, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“1. Cơ quan thuế cấp hóa đơn cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.
Trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hóa đơn.”
Căn cứ hướng dẫn nêu trên thì trường hợp cá nhân không kinh doanh có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng nhưng tại thời điểm đề nghị cấp hoá đơn lẻ có doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (từ 100 triệu đồng/năm) thì Cơ quan Thuế không cấp hoá đơn lẻ cho cá nhân. Doanh nghiệp khi mua hàng hoá, dịch vụ của những cá nhân này được lập Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính.
Công văn số 1964/TCT-CS hướng dẫn về việc khấu trừ thuế GTGT bị truy thu
Ngày 09 tháng 05 năm 2016, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 1964/TCT-CS về việc khấu trừ thuế GTGT bị truy thu khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đưa ra ý kiến như sau:
Tại Điều 14 Thông tư Số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào:
“8. Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.
Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty có ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài nhưng Công ty không kê khai, nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài theo quy định. Năm 2015, khi Cục Thuế kiểm tra thuế tại trụ sở Công ty và đã truy thu thuế GTGT nộp hộ nhà thầu nước ngoài thì không được kê khai khấu trừ bổ sung số thuế GTGT bị truy thu này.
Công văn số 2337/TCT-CS trả lời về khấu trừ thuế đối với chi phí phúc lợi cho người lao động
Ngày 30 tháng 05 năm 2016, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 2337/TCT-CS hướng dẫn về khấu trừ thuế đối với chi phí phúc lợi cho người lao động.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp:
Căn cứ theo các quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014, có các nội dung đáng chú ý như sau:
- Đối với khoản chi phí tư vấn thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài: Tổng cục Thuế thống nhất với đề xuất nêu tại công văn số 410/CT-TT&HT ngày 21/3/2016 của Cục thuế thành phố Hải Phòng khoản chi phí tư vấn thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài không phục vụ sản xuất kinh doanh đồng thời không được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi do đó không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
- Đối với khoản chi phí tư vấn khám sức khỏe cho người nước ngoài là một khâu trong quá trình chăm sóc sức khỏe từ tư vấn đến khám, chữa bệnh cho người lao động do đó được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi và được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định nêu trên.
Về thuế thu nhập cá nhân:
Căn cứ theo điểm đ.7, khoản 2, Điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính quy định về các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, trường hợp Công ký hợp đồng thuê tư vấn về thuế thu nhập cá nhân cho đích danh cá nhân hoặc một nhóm cá nhân thì khoản chi này phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Công văn số 35839/CT-HTr về thuế suất GTGT 0% của dịch vụ xuất khẩu
Ngày 30 tháng 05 năm 2016, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 35839/CT-HTr hướng dẫn về điều kiện áp dụng thuế suất GTGT 0% của dịch vụ xuất khẩu.
Căn cứ Khoản 10 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT:
+ Tại điểm b khoản 1 Điều 9 quy định về thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu:
“1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:
– Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
– Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;”
Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ cung cho các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ngoài Việt Nam thì thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng đủ điều kiện nêu trên.