Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 03/2021

Bản tin thuế

Quản lý thuế

Nghị định số 31/2021/NĐ-CP Thay mới danh mục, điều kiện và chính sách ưu đãi đầu tư

Ngày 26/3/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Theo đó, Nghị định đã:

Ban hành mới các Danh mục gồm:

  • Danh mục ngành nghề cấm và đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (Phụ lục I): Xuất khẩu lao động; Kinh doanh chuyển khẩu; Kinh doanh tạm nhập – tái xuất; Kiểm định xe; Sản xuất vũ khí; Lĩnh vực độc quyền nhà nước; Bưu chính công ích; Báo chí; Khai thác hải sản…
  • Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư (Phụ lục II)
  • Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư (Phụ lục III)

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các Nghị định: số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015, số 37/2020/NĐ-CP ngày 30/3/2020, số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015, số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007, số 69/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, số 79/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Điều 2 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018.

 

Kê khai thuế của đơn vị phụ thuộc trước và sau thời điểm Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực

Ngày 02/02/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 154/CTBNI-TTHT hướng dẫn về kê khai thuế của đơn vị phụ thuộc. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp chi nhánh của Công ty không trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ thì thực hiện kê khai như sau:

  • Từ khi chi nhánh thành lập đến trước ngày 05/12/2021:

Chi nhánh thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT tập trung tại trụ sở chính theo hướng dẫn tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

  • Kể từ ngày 05/12/2020:

Chi nhánh thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT và kê khai quyết toán thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính, trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh phân cấp nguồn thu cho địa bàn cấp huyện nơi phát sinh nguồn thu thì chi nhánh thực hiện tính thuế, phân bổ thuế phải nộp cho địa bàn cấp huyện đó theo hướng dẫn tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Cũng liên quan đến kê khai thuế TNDN của chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh, thành phố với trụ sở chính thì ngày 05/4/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 10142/CTHN-TTHT. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp chi nhánh Công ty tại Hà Nội là đơn vị hạch toán phụ thuộc có trụ sở khác tỉnh, thành phố với trụ sở chính thì Chi nhánh thực hiện kê khai thuế TNDN tập trung tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Từ năm 2022, người nộp thuế phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 11, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

 

Không phải cấp lại mã số thuế (“MST”) khi chuyển đổi Chi nhánh độc lập sang phụ thuộc

Ngày 1/3/2021 Cục Thuế TP. Hà Nội ban hành Công văn số 6268/CTHN-TTHT thay thế cho Công văn số 95835/CT-TTHT ngày 2/11/2020 về việc kê khai thuế TNDN tập trung của chi nhánh.

Theo đó, Cục thuế TP. Hà Nội đã sửa đổi quan điểm về thủ tục đăng ký thuế khi Chi nhánh chuyển đổi hình thức hạch toán từ độc lập sang phụ thuộc. Chi tiết như sau: chỉ yêu cầu Chi nhánh thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế, không cần cấp lại MST mới. Trước đó, tại Công văn số 95835/CT-TTHT ngày 2/11/2020, Cục thuế TP. Hà Nội đã hướng dẫn theo hướng Chi nhánh phải đóng MST cũ và đăng ký lại MST mới.

 

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)

Chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Co-vid 19 được trừ

Ngày 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành nghị định số 44/2021/NĐ-CP hưỡng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Nội dung cụ thể như sau:

  • Đối tượng áp dụng: tổ chức, doanh nghiệp (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

 

  • Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ bao gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

 

  • Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện từ) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và năm 2021.

 

Chi phí được trừ đối với khoản thanh toán cho người lao động những ngày phép chưa nghỉ

Ngày 09/2/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 5169/CTHN-TTHT về việc chi phí được trừ đối với khoản thanh toán cho người lao động những ngày phép chưa nghỉ. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp doanh nghiệp chi trả khoản tiền lương cho những ngày chưa nghỉ hằng năm của người lao động phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi nêu trên nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 4 và không thuộc Khoản 3, Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015.

 

Được sử dụng chữ ký điện tử trên hợp đồng kinh tế

Ngày 11/3/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 7306/CTHN-TTHT về việc sử dụng chữ ký điện tử trên hợp đồng kinh tế. Nội dung cụ thể như sau:

Trường hợp Công ty thỏa thuận với khách hàng, nhà cung cấp nước ngoài sử dụng chứng từ điện tử (hợp đồng điện tử, văn bản điện tử…) trong các giao dịch, nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, Nghị định số 165/2018/NĐ-CP, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, phù hợp với hướng dẫn tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì được xác định là chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.

 

Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”)

Chính sách thuế đối với tiền thuê nhà cho chuyên gia

Ngày 17/3/2021, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 7799/CTHN-TTHT về chính sách thuế đối với tiền thuê nhà cho chuyên gia. Nội dung cụ thể như sau:

  • Về thuế GTGT:

Trường hợp Công ty có các chyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác; giữ các chức vụ quản lý tại Việt Nam, hưởng lương tại Việt Nam theo hợp đồng lao động ký với Công ty tại Việt Nam thì Công ty không được khấu trừ thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài này.

Trường hợp các chuyên gia nước ngoài vẫn là nhân viên của doanh nghiệp ở nước ngoài, chịu sự điều động của doanh nghiệp ở nước ngoài, được doanh nghiệp nước ngoài trả lương và hưởng các chế độ ở nước ngoài trong thời gian sang Việt Nam công tác, giữa doanh nghiệp nước ngoài và cơ sở kinh doanh tại Việt Nam có hợp đồng bằng văn bản nêu rõ doanh nghiệp tại Việt Nam phải chịu các chi phí về chỗ ở cho các chuyên  giá nước ngoài trong thời gian công tác ở Việt Nam thì thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài này được khấu trừ.

  • Về thuế TNDN:

Trường hợp Công ty ký hợp đồng lao động với người nước ngoài lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động, khoản chi này có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp Công ty Việt Nam ký hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài trong đó nêu rõ Công ty Việt Nam phải chịu các chi phí về chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài trong thời gian công tác ở Việt Nam thì tiền thuê nhà cho các chuyên gia do doanh nghiệp Việt Nam chi trả được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Điều kiện kê khai thuế GTGT với dự án đầu từ mới để được hoàn thuế GTGT

Ngày 1/4/2021 Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 944/TCT-CS về việc hoàn thuế GTGT đầu vào đối với dự án đầu tư mới. Theo đó, số thuế GTGT chưa khấu trừ hết khi kết thúc giai đoạn đầu tư, Tổng cục Thuế lưu ý, trên tờ khai mẫu 02/GTGT của kỳ kết thúc đầu tư, doanh nghiệp phải khai số thuế chưa khấu trừ hết vào chỉ tiêu “Thuế GTGT đầu vào còn lại của dự án đầu tư đề nghị hoàn”.

Trường hợp chưa kê khai chỉ tiêu nêu trên, doanh nghiệp phải khai bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP .

Doanh nghiệp được lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư khi đáp ứng đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định.

 

Khác

Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao

Ngày 16/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/QĐ-TTg về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Nội dung cụ thể như sau:

Doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 của Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đáp ứng 3 tiêu chí sau:

  • Thứ nhất, doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm của doanh nghiệp.

 

  • Thứ hai, tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hàng năm đạt mức nhất định tùy vào quy mô và doanh thu.

Trong đó, với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%. Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp này và có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng, tổng số lao động từ 200 người trở lên, tỷ lệ phải đạt ít nhất 1%. Đối với doanh nghiệp không thuộc hai trường hợp trên tỷ lệ phải đạt ít nhất 2%.

  • Thứ ba, tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động đạt các mức nhất định.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 1%. Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp này và có tổng  doanh nghiệp không thuộc cả hai trường hợp trên phải đạt tỷ lệ ít nhất 5%.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30/4/2021, thay thế Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15/6/2015.

 

Hải quan

Nghị định số 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về Luật thuế Xuất khẩu, Nhập khẩu

Ngày 11/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Theo đó, một số điểm mới đáng lưu ý của Nghị định 18/2021/NĐ-CP như sau:

  • Nguyên liệu nhập sản xuất xuất khẩu cũng được miễn thuế nhập khẩu khi doanh nghiệp nhập khẩu có thuê gia công lại. Tuy nhiên, việc miễn thuế nhập khẩu chỉ được cho phép nếu người nhập khẩu tuân thủ các thủ tục hải quan liên quan. Như vậy, Nghị định 18/2021/NĐ-CP đã giải quyết được bất cập, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu và hoạt động XNK tại chỗ.

 

  • Bổ sung quy định mới liên quan đến doanh nghiệp chế xuất (DNCX). Cụ thể, DNCX cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+Có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; Có cổng/cửa ra vào đảm bảo việc đưa hàng hóa ra, vào DNCX chỉ qua cổng/cửa,

+Có hệ thống camera quan sát được các vị trí tại cổng/cửa ra, vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày. Dữ liệu hình ảnh camera được kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp và được lưu giữ tại DNCX tối thiểu 12 tháng,

+Có phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế của DNCX để báo cáo quyết toán nhập – xuất – tồn về tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu.

 

  • Độc giả có thể tham khảo bảng so sánh tóm tắt Nghị định 18/2021/NĐ-CP với Nghị định 134/2016/NĐ-CP được Công bố tại Cổng thông tin điện tử, Cục Hải quản tỉnh Bình Dương.

Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/4/2021.