BẢN TIN THUẾ THÁNG 01/2019
Công văn số 170/CT-TT&HT về hoàn thuế GTGT
Ngày 08/01/2019, Cục thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 170/CT-TT&HT về hoàn thuế GTGT. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế đang thực hiện hoạt động kinh doanh thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp chế xuất có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết đối với tài sản, hàng hóa, dịch vụ mua vào của giai đoạn trước khi chuyển đổi và tài sản, hàng hóa, dịch vụ đó tiếp tục được sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chế xuất thì doanh nghiệp được hoàn số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết của tài sản, hàng hóa, dịch vụ mua vào cho giai đoạn trước khi chuyển đổi.
Doanh nghiệp phải làm thủ tục quyết toán thuế, xác định nghĩa vụ về thuế GTGT cho giai đoạn trước khi chuyển đối loại hình.
Về hồ sơ hoàn thuế: Hồ sơ hoàn thuế được thực hiện như quy định tại Điều 55 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế, phí nộp thừa đối với người nộp thuế sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chấm dứt hoạt động được quy định, trong đó văn bản của cấp có thẩm quyền về việc xác nhận doanh nghiệp là doanh nghiệp chế xuất (Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh ghi loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp chế xuất) được thay thế cho quyết định của cấp có thẩm quyền về việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chấm dứt hoạt động.
Công văn số 650/CT-TT&HT về chính sách thuế TNDN
Ngày 16/01/2019, Cục thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 650/CT-TT&HT về chính sách thuế TNDN. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp doanh nghiệp có tổ chức làm thêm giờ do nhu cầu thực tế phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh thì Cục thuế phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội để xem xét tình hình thực tế tại doanh nghiệp. Trường hợp, vì các lý do chính đáng doanh nghiệp phải tăng thời gian làm thêm giờ và được cơ quan có thẩm quyển là Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho phép thì khoản chi phí làm thêm giờ doanh nghiệp thực chi trả cho người lao động có đủ chứng từ theo định của các văn bản thuế TNDN thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.
Trường hợp doanh nghiệp không tổ chức bữa ăn giữa, ăn trưa ca cho người lao động dưới các hình thức như: Trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn mà hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động để người lao động tự túc thì mức chi sẽ do chủ doanh nghiệp quyết định nhưng tối đa không vượt quá mức áp dụng quy định tại điều 22 Thông tư số 26/2016/TT-BLDTBXH ngày 01/09/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Nếu doanh nghiệp chi cho người lao động số tiền ăn ca vượt mức quy định thì không được đưa vào chi phí được trừ phần tiền ăn ca vượt mức khi xác định thuế TNDN.
Trường hợp, nếu doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong hợp đồng có ghi khoản chi về tiền ăn, ở do doanh nghiệp trả cho người lao động, khoản chi này có tính chất tiền lương, tiền công và có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Công văn số 942/CT-TT&HT về chính sách thuế
Ngày 22/01/2019, Cục thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 942/CT-TT&HT về chính sách thuế. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty vừa có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khấu, vừa có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong nước, Công ty có phát sinh hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh, đã kê khai nộp thuế tại địa phương nơi phát sinh hoạt động thì việc xác định số thuế còn phải nộp, số thuế còn được khấu trừ như sau:
Số thuế GTGT phải nộp/ số thuế GTGT còn được khấu trừ (=) số thuế GTGT bán ra của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước (-) số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước (-) số thuế GTGT đã nộp của hoạt động vãng lai ngoại tỉnh.
Trường hợp Công ty phát sinh số thuế GTGT phải nộp của hoạt động trong nước thì được bù trừ với số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì Công ty được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) 10% theo quy định tại Điều 2 Thông tư 25/2018/TT-BTC.
Trường hợp Công ty phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết của doanh thu tiêu thụ trong nước hoặc số thuế đã nộp vãng lai ngoại tỉnh thì Công ty không được cộng số chưa khấu trừ hết này với số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để đề nghị hoàn thuế theo trường hợp xuất khẩu; Công ty được chuyển tiếp số thuế GTGT còn được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước sang kỳ tính thuế tiếp theo.
Công văn số 1107/CT -TT&HT về chuyển nhượng vốn
Ngày 24/01/2019, Cục thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 1107/CT-TT&HT về chuyển nhượng vốn. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty được thành lập 100% vốn nước ngoài do hai nhà đầu tư góp vốn: nhà đầu tư thứ nhất và nhà đầu tư thứ hai.
Trường hợp nhà đầu tư thứ hai (Bên mua) mua lại số cổ phần của nhà đầu tư thứ nhất (Bên bán) và theo điều khoản của hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có quy định Bên mua cổ phần sẽ kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Bên bán và Bên mua sẽ thanh toán trực tiếp bằng chuyển khoản cho Bên bán, nếu trong quá trình chuyển nhượng vốn có phát sinh thu nhập (kể cả thu nhập phát sinh từ chênh lệch tỷ giá), thì thu nhập này thuộc đối tượng chịu thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn. Trường hợp hợp đồng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng.
Công ty có trách nhiệm xác định, kê khai và nộp thay số thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài theo hướng dẫn tại Khoản 7, Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính không phân biệt có hay không phát sinh thu nhập.
Công văn số 1329/CT-TT&HT về chính sách thuế đối với tiền bồi thường hợp đồng
Ngày 28/01/2019, Cục thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 1329/CT-TT&HT về chính sách thuế đối với tiền bồi thường hợp đồng. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty nhận bồi thường do đối tác vi phạm và hủy hợp đồng thì trường hợp này, các khoản chi về tiền phạt, bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế với khách hàng nếu bồi thường bằng tiền thì lập phiếu thu và phiếu chi, nếu bồi thường bằng hàng hóa thì phải lập hóa đơn và kê khai theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5 Chương I Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, bên nhận khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng ghi nhận vào thu nhập khác và kê khai thuế theo quy định.
Công văn số 2866/CT-TTHT về việc tính vào chi phí được trừ với hóa đơn xuất sai thời điểm
Ngày 18/01/2019, Cục thuế thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2866/CT-TTHT về việc tính vào chi phí được trừ với hóa đơn xuất sai thời điểm. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty mua hàng hóa, dịch vụ mà bên bán lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định tại Điêm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, nếu việc mua hàng hóa, dịch vụ để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; đúng thực tế; có đủ hóa đơn, chứng từ; Công ty có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên) thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với hóa đơn nêu trên.
Trường hợp qua xác minh nếu cơ quan thuế phát hiện Công ty không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì Công ty không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với số hóa đơn này.
Đối với bên bán hàng hóa, dịch vụ: Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, bị xử phạt vi phạm lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định tại Thông tư số 10/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Công văn số 2779/CT-TTHT về chính sách thuế TNCN đối với người nước ngoài
Ngày 23/01/2019, Cục thuế thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2779/CT-TTHT về chính sách thuế TNCN đối với người nước ngoài. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp các nhân có thu nhập từ nước ngoài từ tiền lương, tiền công do làm việc ban đêm, làm thêm giờ, phần thu nhập nhận được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ là thu nhập được miễn thuế TNCN.
Cách xác định phần thu nhập nhận được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ tương tự cách xác định đối với phần thu nhập được trả cao hơn do làm việc ban đêm, làm thêm giờ tại Việt Nam. Cá nhân nhận thu nhập có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế các chứng từ liên quan đến việc xác định phần thu nhập miễn thuế TNCN.
Công văn số 79/HQ-TXNK về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu
Ngày 03/01/2019, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 79/HQ-TXNK về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Nội dung cụ thể như sau:
– Về việc miễn thuế nhập khẩu:
Từ ngày 01/09/2016, trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không trực tiếp sản xuất toàn bộ hàng hóa xuất khẩu mà giao một phần hoặc toàn bộ hàng hóa đã nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công hoặc sản xuất một hoặc một số công đoạn sau đó nhập lại sản phẩm để tiếp tục sản xuất và xuất khẩu sản phẩm; trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu, đã đưa hàng hóa nhập khẩu vào sản xuất, sau đó thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công hoặc sản xuất một hoặc một số công đoạn và nhận lại sản phẩm để tiếp tục sản xuất hoặc xuất khẩu sản phẩm thì không đủ cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế theo quy định của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP (không đáp ứng điều kiện có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu) nên phần hàng hóa nhập khẩu đã đưa cho doanh nghiệp khác sản xuất hoặc gia công không thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa thực hiện kê khai trên tờ khai hải quản mới. Chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.
Trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện khai thay đổi mục đích sử dụng theo hướng dẫn trên, cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế theo quy định. Căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế, tỷ giá tính thuế, trị giá tính thuế của nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thực hiện theo tờ khai nhập khẩu ban đầu. Ngoài ra, cơ quan hải quan thực hiện tính tiền chậm nộp và xử lý vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định đối với số hàng hóa này.
– Về việc hoàn thuế nhập khẩu:
Trường hợp Công ty sau khi khai thay đổi mục đích sử dụng đã nộp thuế nhập khẩu cho phần hàng hóa nhập khẩu nhưng giao cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công hoặc sản xuất một hoặc một số công đoạn sau đó nhận lại sản phẩm để tiếp tục sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thì không đáp ứng quy định về cơ sở xác định hàng hóa được hoàn thuế tại điểm a khoản 3 Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP nên không được hoàn thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, vật tư đã giao cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công hoặc sản xuất một hoặc một số công đoạn.