BẢN TIN THUẾ THÁNG 12/2020
Quản lý thuế
Thông tư số 105/2020/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế số 39/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế.
Ngày 03/12/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 105/2020/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế số 30/2020/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế.
Thông tư số 105/2020/TT-BTC thay thế Thông tư số 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 của bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế; Điều 9 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 01 năm 2021.
Người nộp thuế đã được cấp mã số thuế trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì vẫn được tiếp tục sử dụng mã số thuế đã được cấp.
Các hồ sơ đăng ký thuế, thay đổi thông tin đăng ký thuế, chấm dứt hiệu lực ãm số thuế, khôi phục mã số thuế đã được nộp đến cơ quan thuế trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì cơ quan thuế tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế tại thời điểm nộp hồ sơ.
Công văn hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ
Ngày 16/11/2020, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 4868/TCT-PC hướng dẫn một số điểm mới của Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ. Một số nội dung đáng chú ý như sau:
- Hóa đơn giấy được phép sử dụng tiếp đến ngày 30/06/2022.
- Hóa đơn điện tử được áp dụng bắt buộc kể từ ngày 01/07/2022.
- Giai đoạn trước 01/07/2022, khi cơ quan thuế có thông báo buộc sử dụng Hóa đơn điện tử nếu doanh nghiệp chưa đáp ứng hạ tầng công nghệ thì vẫn được sử dụng tiếp hóa đơn giấy nhưng phải gửi giữ liệu hóa đơn kèm theo tờ khai thuế GTGT.
- Sau ngày 01/07/2022, các đối tượng bắt buộc mua hóa đơn của cơ quan thuế vấn được mua và sử dụng hóa đơn giấy.
- Chứng từ khấu trừ thuế TNCN được cấp điện tử.
- Hóa đơn điện tử có ngày ký sau ngày lập vẫn được chấp nhận, nhưng bắt buộc khai thuế theo ngày lập.
Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)
Chính phủ sẽ cho phép các khoản đóng góp cho phòng ngừa và kiểm soát Covid-19 vào chi phí được khấu trừ cho mục đích tính thuế TNDN
Ngày 12/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 178/NQ-CP. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Nghị định hướng dẫn việc bổ sung khoản đóng góp phòng, chống Covid-19 vào chi phí được trừ cho mục đích tính thuế TNDN của doanh nghiệp, tổ chức khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đến năm 2020 và năm 2021. Nghị định dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào tháng 1 năm 2021.
Chi phí trong thời gian tạm ngừng sản xuất do ảnh hưởng dịch Covid-19 được trừ
Ngày 01/02/2020, Cục thuế tỉnh Hưng Yên ban hành Công văn số 7301/CTHYE-TTHT hướng dẫn về chính sách thuế. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty phải tạm ngừng sản xuất do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì các khoản chi phí để duy trì hoạt động của Công ty trong thời gian tạm ngừng sản xuất như chi phí tiền lương tiền công, chi phí phân bổ tiền thuê đất, chi phí phân bổ công cụ dụng cụ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng quy định tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Về chi phí khấu hao TSCĐ, trường hợp Công ty phải tạm ngừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tài sản cố định phải tạm dừng hoạt động dưới 9 tháng trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì thuộc trường hợp tạm dừng so sản xuất theo mùa vụ tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Công ty mẹ ở nước ngoài chuyển nhượng vốn, Công ty con ở Việt Nam phải tính nộp thuế chuyển nhượng vốn
Ngày 19/11/2020, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 4950/TCT-TTKT về việc kê khai, nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn.
Cụ thể, trường hợp các nhà đầu tư vào Công ty mẹ ở ngoài Việt Nam chuyển nhượng toàn bộ vốn cho bên thứ ba thì Công ty con tại Việt Nam phải kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với hoạt động chuyển nhượng vốn nêu trên (mặc dù chủ thể đầu tư vào Công ty con ở Việt Nam không thay đổi).
Thuế nhà thầu (“FCT”)
Không chịu thuế nhà thầu nếu chỉ nhận các khoản do chi hộ từ Công ty Việt Nam
Ngày 16/12/2020, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 5333/TCT-CS về chính sách thuế nhà thầu. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp nhà thầu nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận với tổ chức, cá nhân Việt Nam thì thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu.
Trường hợp Công ty nước ngoài cử chuyên gia sang làm việc tại Việt Nam theo thỏa thuận chia sẻ và hoàn trả phí nhân sự, nếu phát sinh thu nhập tại Việt Nam thì sẽ thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu, nếu không phát sinh thu nhập, chỉ là khoản thu hộ, chi hộ thì không thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu.
Bán phế liệu hộ Công ty nước ngoài phải tính thuế nhà thầu
Ngày 01/12/2020, Cục thuế tỉnh Đồng Nai đã ban hành Công văn số 12168/CT-TTHT hướng dẫn về việc chính sách thuế nhà thầu đối với việc bán phế liệu, phế phẩm thay cho khách hàng nước ngoài.
Theo đó, trường hợp Công ty ở Việt Nam (Công ty nhận gia công) ký hợp đồng gia công với Công ty đối tác ở nước ngoài (Công ty giao gia công) mà phát sinh phế liệu, phế phẩm, Công ty nhận gia công bán phế liệu, phế phẩm trên cho doanh nghiệp khác (tại Việt Nam), sau đó sẽ cấn trừ vào số tiền bán phế liệu, phế phẩm trên vào số tiền gia công hoặc chuyển khoản thanh toán cho Công ty giao gia công theo thỏa thuận giữa hai bên thì:
- Khi Công ty nhận gia công bán phế liệu, phế phẩm trong quá trình gia công cho doanh nghiệp khác (ở Việt Nam) thì Công ty nhận gia công phải phát hành hóa đơn GTGT, kê khai thuế GTGT và ghi nhận doanh thu theo quy định của pháp luật, đồng thời Công ty nhận gia công phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của cơ quan Hải quan.
- Số tiền bán phế liệu phế phẩm trong quá trình gia công, Công ty nhận gia công cấn trừ vào số tiền gia công hoặc chuyển khoản thanh toán cho Công ty giao gia công thì Công ty giao gia công thuộc đối tượng nộp thuế nhà thầu theo quy định tại khoản 1, Điều 1, Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính.
Thuế xuất nhập khẩu
Miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa nhập sản xuất xuất khẩu sau đó thuê gia công lại
Ngày 12/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 178/NQ-CP. Theo đó, Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ Tài Chính cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu, sau đó được doanh nghiệp nhập khẩu thuê gia công lại.
Chính phủ giao Bộ Tài chính: Chỉ đạo cơ quan hải quan hoàn trả số tiền thuế ấn định mà doanh nghiệp đã nộp theo quy định, không truy thu thuế đối với các trường hợp chưa nộp tiền thuế ấn định; Có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách; Khẩn trương rà soát, bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
Ngày 04/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Nghị định này thay thế Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ và Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, một số nội dung mới nổi bật của Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
- Mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp (Quy định tại Khoản 1 Điều 8) (Nghị định 78/2015/NĐ-CP không đề cập đến vấn đề này).
- Các trường hợp cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng (Quy định tại Khoản 1 Điều 13) (Nghị định 78/2015/NĐ-CP không đề cập đến vấn đề này).
Theo đó, cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng là việc cấp đăng ký doanh nghiệp không thực hiện thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp nếu không được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Quy định tại Điều 35) (Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Nghị định 108/2018/NĐ-CP không đề cập vấn đề này).
- Bổ sung thêm 02 trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp (Điều 12).
- Quy định rõ các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Điều 41), như đang hoạt động, tạm ngừng kinh doanh, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đang làm thủ tục giải thể,… (Nghị định 78/2015/NĐ-CP không có quy định rõ về các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp).
- Thêm trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện (Điều 77).
- Thêm trường hợp không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Điều 65).
Lao động
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019
Ngày 14/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Nghị định có một số nội dung đáng chú ý sau:
- Báo cáo sử dụng lao động
Thủ tục khai trình việc sử dụng lao động được thực hiện theo quy định của Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
Theo đó, Cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ khai trình việc sử dụng lao động và chia sẻ thông tin về tên, mã số, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện, ngành, nghề kinh doanh chính và tổng số lao động dự kiến của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập trên địa bàn cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp) nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở.
Báo cáo tình hình thay đổi lao động có thể được thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngưởi sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6) và hàng năm (trước ngày 05 tháng 12) đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo Mẫu số 01/PLI ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trường hợp người sử dụng lao động không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì gửi báo cáo bằng bản giấy.
- Hướng dẫn cách tính ngày nghỉ hằng năm trong một số trường hợp đặc biệt
- Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 113 của Bộ luật Lao động được tính như sau:
Số ngày nghỉ = [(Số ngày nghỉ hằng năm + số ngày nghỉ được tăng thêm theo thâm niên (nếu có)): 12] x Số tháng làm việc thực tế
- Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.
- Lao động nữ nuôi con dưới 01 tuổi được nhận thêm tiền trong trường hợp sau:
Lao động nữ đang nuôi con dưới 01 tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
Ngoài ra, Nghị định còn hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về quản lý lao động, hợp đồng lao động, cho thuê lại lao động; tổ chức đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, tiền lương, tThời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, lao động là người giúp việc gia đình, giải quyết tranh chấp lao động.
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2020.