Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 02/2016

Bản tin thuế

Nghị định mới hướng dẫn một số nội dung của Bộ Luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Ngày 03/02/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

 

Theo đó, Nghị định có những điểm quan trọng như sau:

Các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp phép lao động bao gồm:

 

Người lao động nước ngoài quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 172 của Bộ Luật Lao động.

 

Một số trường hợp khác không thuộc diện cấp giấy phép lao động, như là:

 

  • Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.
  • Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
  • Tình nguyện viên có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
  • Vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm;

 

Cấp giấy phép lao động đối với một số trường hợp đặc biệt:

 

Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà làm việc cho người sử dụng lao động khác ở cùng vị trí công việc ghi trong giấy phép lao động;

 

Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà làm khác vị trí công việc ghi trong giấy phép lao động nhưng không thay đổi người sử dụng lao động;

 

Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nhưng hết hiệu lực theo quy định tại Điều 174 của Bộ Luật Lao động mà có nhu cầu tiếp tục làm việc cùng vị trí công việc đã ghi trong giấy phép lao động.

Nghị định số 11/2016/NĐ-CPcó hiệu lực từ ngày 01/4/2016.

 

Thông tư mới về hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm

Ngày 03/02/2016, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 20/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp.

 

Theo đó, trường hợp chậm đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, tiền lãi chậm đóng được xác định hằng tháng theo công thức sau:

 

Số tiền lãi phải thu phát sinh trong tháng (n) = Số tiền chậm đóng lũy kế đến cuối tháng (n-2) x Lãi suất chậm đóng (%/tháng).

Trong đó:

 

  • (n) là tháng xác định tiền lãi chậm đóng.
  • (n-2) là tháng liền trước 02 tháng của tháng (n).
  • Lãi suất chậm đóng (%/tháng) là mức lãi suất bình quân tính theo tháng do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông báo đầu năm theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg.

Thông tư số 20/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/3/2016.

 

Hướng dẫn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Thông tư số 21/2016/TT-BTC có hiệu lực từ 01/4/2016, ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được hướng dẫn như sau:

 

Ưu đãi thuế TNDN được áp dụng đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án sản xuất sản phẩm (SXSP) CNHT từ 01/01/2015 đáp ứng các điều kiện tại Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014 và các văn bản hướng dẫn, được cấp Giấy xác nhận (GXN) ưu đãi SXSP CNHT.

Trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với dự án SXSP CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển thực hiện theo Thông tư số 55/2015/TT-BCT.
GXN ưu đãi SXSP CNHT ưu tiên phát triển là cơ sở để áp dụng ưu đãi thuế TNDN.

 

Về mức ưu đãi, thời điểm bắt đầu áp dụng ưu đãi, việc chuyển tiếp ưu đãi thực hiện theo quy định pháp luật về thuế TNDN.

Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN nếu DN thực hiện nhiều hoạt động SXKD thì DN xác định riêng thu nhập từ dự án SXSP CNHT ưu tiên phát triển để hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định.

Ưu đãi thuế TNDN quy định tại Thông tư số 21/2016/TT-BTC áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN từ năm 2015.