Bản tin thuế

BẢN TIN THUẾ THÁNG 11/2016

Bản tin thuế

Nghị định số 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

Ngày 14/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, có những nội dung đang chú ý sau:

– Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I được Nghị định này quy định là 3,75 triệu đồng/tháng;

– Với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II, mức lương tối thiểu của người lao động là 3,32 triệu đồng/tháng;

– Với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III là 2,9 triệu đồng/tháng;

– Với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV là 2,58 triệu đồng/tháng.

Trước đây, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV tương ứng với 3,5 triệu đồng/tháng; 3,1 triệu đồng/tháng; 2,7 triệu đồng/tháng và 2,4 triệu đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu vùng nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải đảm bảo không thấp mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017, thay thế Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015.

 

Thông tư số 147/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 45/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định

Ngày 13/10/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 147/2016/TT-BTC (“Thông tư 147”) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 45/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Theo đó, có những nội dung đang chú ý sau:

– Bổ sung thêm quy định khi xác định nguyên giá của tài sản cố định trong trường hợp tài sản là nhà hỗn hợp vừa sử dụng làm tài sản hoạt động của doanh nghiệp vừa để bán, để cho thuê theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp phải xác định, tách riêng phần tài sản (diện tích) tài sản để bán, để cho thuê và không được hạch toán là TSCĐ và không được trích khấu hao. Trường hợp không xác định, tách riêng được phần tài sản để bán, để cho thuê thì doanh nghiệp không hạch toán toàn bộ tài sản là TSCĐ và không được trích khấu hao.

– Về phân loại tài sản cố định hữu hình, ngoài các loại như quy định trước kia là: Nhà cửa, vật kiến trúc; Máy móc, thiết bị; Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn; Thiết bị, dụng cụ quản lý; Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm; Các loại tài sản cố định khác. Thì Thông tư 147 bổ sung thêm loại các tài sản cố định là kết cấu hạ tầng có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước như:

+ Máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, tài sản trực tiếp phục vụ tưới nước, tiêu nước; Máy bơm nước từ 8.000 m3/giờ trở lên cùng với vật kiến trúc để cung ứng dịch vụ công ích;

+ Công trình kết cấu, hạ tầng khu công nghiệp do Nhà nước đầu tư để sử dụng chung của khu công nghiệp;

+ Hạ tầng đường sắt, đường sắt đô thị.

– Trường hợp nhượng bán, thanh lý tài sản cố định là kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng thì Thông tư 147 quy định phải có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và được hạch toán giảm vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

– Theo Thông tư số 147, các tài sản cố định là kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng không phải trích khấu hao, chỉ mở sổ chi tiết theo dõi giá trị hao mòn hàng năm của từng tài sản và không được ghi giảm nguồn vốn hình thành tài sản.

– Thời gian trích khấu hao tài sản cố định đối với dự án B.O.T, B.C.C được sửa đổi bởi Thông tư 147 như sau: Là thời gian khai thác hoàn vốn đầu tư của chủ đầu tư tại dự án. Việc trích khấu hao tài sản cố định hình thành từ dự án theo tỷ lệ tương ứng với doanh thu hàng năm phù hợp với thời gian khai thác thu phí hoàn vốn của dự án.

Thông tư 147 có hiệu lực từ ngày 28/11/2016.

 

Công văn số 13804/BTC-TCT về về quản lý hoàn thuế GTGT các tháng cuối năm 2016

Ngày 30/09/2016, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 13804/BTC-TCT hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT các tháng cuối năm 2016. Theo đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu các Cục thuế thực hiện nghiêm túc quy định về hoàn thuế GTGT, cụ thể như sau:

– Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu: không thực hiện hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu không thực hiện xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan và quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan tại Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ; không hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu;

– Đối với dự án đầu tư: không hoàn thuế đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không đảm bảo duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động; dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư;

– Đối với trường hợp người nộp thuế có số thuế giá trị gia tăng đầu vào lũy kế 12 tháng/4 quý liên tục chưa được khấu trừ hết: chỉ thực hiện hoàn thuế đối với các trường hợp người nộp thuế có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết phát sinh trước kỳ tính thuế tháng 7/2016 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trước kỳ tính thuế quý 3/2016 (đối với trường kê khai theo quý) đủ điều kiện hoàn thuế theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

– Đối với hồ sơ hoàn thuế trước kỳ hoàn thuế tháng 7/2016 hoặc quý 3/2016 thuộc các trường hợp đã nêu tại Điểm 1 công văn này; do thay đổi chính sách, rủi ro cao, yêu cầu Cục Thuế thực hiện kiểm tra trước, hoàn thuế sau đối với tất cả hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Yêu cầu Cục Thuế thực hiện cập nhật đầy đủ, kịp thời các hồ sơ, kết quả kiểm tra của Cục Thuế vào Hệ thống quản lý thuế tập trung của ngành thuế (TMS) để Tổng cục Thuế thực hiện tiếp nhận giám sát trước khi Cục Thuế ban hành quyết định hoàn thuế.

– Đối với các hồ sơ hoàn thuế GTGT không thuộc đối tượng quy định ở Điểm 1 công văn này, yêu cầu Cục Thuế phải căn cứ quy định tại Luật số 106/2016/QH13; Luật quản lý thuế số 21 /2012/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành để phân loại hồ sơ thực hiện hoàn thuế trước kiểm tra sau hoặc kiểm tra trước hoàn thuế sau theo đúng quy định. Cục Thuế phải thực hiện cập nhật đầy đủ hồ sơ hoàn thuế trên Hệ thống TMS để thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu giữa các bộ phận trong cơ quan Cục Thuế đối với hồ sơ hoàn thuế; Tổng cục Thuế thực hiện việc giám sát tự động trên hệ thống trước khi Cục Thuế ban hành quyết định hoàn thuế để việc hoàn thuế được đúng quy định, đúng thời gian theo quy định của pháp luật.

 

Công văn số 9376/TCHQ-TXNK về việc xử lý thuế đối với chênh lệch tồn kho nguyên vật liệu (“NVL”) giữa sổ sách kế toán và báo cáo quyết toán của doanh nghiệp chế xuất (“DNCX”)

Ngày 29/09/2016, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 9376/TCHQ-TXNK về việc xử lý thuế đối với chênh lệch tồn kho nguyên vật liệu (“NVL”) giữa sổ sách kế toán và báo cáo quyết toán của doanh nghiệp chế xuất (“DNCX”).

Theo đó, chênh lệch có thể là chênh lệch dương hoặc chênh lệch âm. Chênh lệch dương xảy ra khi lượng NVL trong sổ sách kế toán lớn hơn trong báo cáo quyết toán NVL; và ngược lại đối với chênh lệch âm. Chênh lệch âm có thể bị quy là phần NVL chênh lệch đã được tiêu thụ trong nước thay vì dùng để sản xuất hàng xuất khẩu. Vì thế, thuế nhập khẩu sẽ bị ấn định đối với phần chênh lệch âm này.

Vấn đề này chủ yếu phát sinh từ sự sai khác giữa định mức NVL đăng ký với Cơ quan Hải quan (trước 01/04/2015) và định mức sử dụng thực tế.

Theo công văn số 9376/TCHQ-TXNK, Cơ quan Hải quan sẽ không thực hiện ấn định thuế đối với chênh lệch dương nếu số lượng NVL vẫn còn tồn kho. Cơ quan Hải quan cũng không thực hiện ấn định thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng nhập khẩu đối với lượng chênh lệch âm nếu sự chênh lệch này phát sinh từ các nguyên nhân sau:

– Định mức khai báo với Cơ quan Hải quan thấp hơn định mức thực tế sử dụng nguyên liệu;

– Đơn vị tính của doanh nghiệp khác đơn vị tính của Hải quan;

– Doanh nghiệp cam kết không bán nguyên liệu, vật tư vào nội địa;

– Cơ quan Hải quan không phát hiện doanh nghiệp tiêu thụ nguyên liệu, vật tư này vào thị trường nội địa.

 

Công văn số 15888/BTC-CST về việc hướng dẫn chính sách thuế nhà thầu đối với hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu

Ngày 07/11/2016, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 15888/BTC-CST về việc hướng dẫn chính sách thuế nhà thầu đối với hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu.

Theo đó, việc cho phép bên Việt Nam sử dụng nhãn hiệu kèm theo việc thu tiền chuyển quyền sử dụng của bên nước ngoài không phải là hoạt động nhượng quyền thương mại (thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại), cũng không phải là hoạt động cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ liên quan đến sở hữu trí tuệ (thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khoa học và Công nghệ) mà là hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nhưng không phải là hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ.

Doanh nghiệp nước ngoài có phát sinh thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu áp dụng các chính sách thuế sau:

– Thuế thu nhập doanh nghiệp: Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là 10% (xem Khoản 3 Điều 7 và Điểm a Khoản 2 Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính).

– Thuế giá trị gia tăng: Thuế suất là 10% (theo phương pháp khấu trừ) hoặc tỷ lệ (%) thuế GTGT tính trên doanh thu tính thuế là 5% (theo phương pháp trực tiếp).

 

Công văn số 4975/TCT-CS về việc ấn định thuế đối với giao dịch không theo giá thị trường

Ngày 26/10/2016, Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 4975/TCT-CS về việc ấn định thuế đối với giao dịch không theo giá thị trường.

Theo đó, trường hợp Công ty cho doanh nghiệp, cá nhân khác vay vốn với lãi suất 0% thì hoạt động vay vốn trên là việc thực hiện trao đổi không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường. Công ty thuộc diện bị ấn định thuế theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

Công văn số 10716/TCHQ-TXNK về việc chính sách thuế đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng

Ngày 14/11/2016, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 10716/TCHQ-TXNK về việc chính sách thuế đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng.

Theo đó, trường hợp, qua kiểm tra phát hiện Công ty đã cho thuê, mượn hoặc bán (thay đổi mục đích sử dụng) đối với hàng hóa đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế trước thời điểm Đoàn kiểm tra phát hiện máy móc, thiết bị của Công ty không còn trong phạm vi nhà máy thì ấn định số tiền thuế phải nộp theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC và xử lý vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ.

Trường hợp, qua kiểm tra xác định Công ty chưa thay đổi mục đích sử dụng đối với hàng hóa đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế tại thời điểm Đoàn kiểm tra phát hiện máy móc, thiết bị của Công ty không còn trong phạm vi nhà máy thì áp dụng chính sách thuế và giá tính thuế tại thời điểm thanh lý máy móc, thiết bị và xử lý vi phạm hành chính theo Điểm a, Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ.

 

Công văn số 69792/CT-HTr về việc xác định thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ phụ cấp khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại…cho người lao động

Ngày 10/11/2016, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 69792/CT-HTr trả lời độc giả của Cổng thông tin điện tử – Bộ Tài chính về việc xác định thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ phụ cấp khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại…cho người lao động như sau:

– Trường hợp Công ty khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại,… cho người lao động phù hợp với mức khoán chi quy định tại quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì Công ty được tính khoản chi này vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Người lao động nhận khoản chi trong mức khoán của Công ty thì không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

– Trường hợp Công ty chi cho người lao động cao hơn mức khoán chi thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.